Quảng Nam: Xuất hiện ổ dịch bạch hầu, ít nhất 2 học sinh tử vong
Cụ thể, ngày 10/1, Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng huyện Tây Giang đã có báo cáo gửi cấp Sở, thông báo một số trường hợp nghi nhiễm bệnh ở điểm trường Trường THPT Tây Giang. Theo báo cáo này, có ít nhất 5 trường hợp xuất hiện các triệu chứng của bệnh bạch hầu như: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó và 8 người có nguy cơ mắc do tiếp xúc gần với các bệnh nhân.
Một đợt tiêm phòng bạch hầu ở Quảng Nam. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Cả 5 trường hợp mắc/ nghi mắc đều là học sinh Trường THPT Tây Giang, trong đó có 2 ca tử vong. Trường hợp đầu tiên là em Bhling Boong, 17 tuổi, trú tại xã A Vương, khởi bệnh từ ngày 24/12/2016, tử vong trên đường chuyển viện. Trường hợp thứ hai là Zơrâm Sáo, 17 tuổi, trú tại xã Axan, khởi bệnh từ ngày 02/01/2017, tử vong tại BVĐK Đà Nẵng với kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Ba trường hợp nghi nhiễm bệnh còn lại hiện đang được điều trị ổn định.
Ngoài các trường hợp trên, còn 21 ca khác là học sinh Trường THPT Tây Giang cũng đang được cách ly theo dõi tại TTYT Tây Giang. Từ ngày 11-16/1, ngành y tế chưa phát hiện thêm ca mắc/ nghi mắc bệnh bạch hầu nào.
Ngày 16/1, Viện Pasteur Nha Trang cũng đã cử đoàn công tác đến trường THPT Tây Giang để hỗ trợ khống chế dịch bệnh. Tất cả giáo viên và học sinh ở Trường THPT Tây Giang đã được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Được biết, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Hoài Anh (t/h)