Quảng Nam phấn đấu giảm ít nhất 3.000 hộ nghèo trong năm 2023
Theo đó, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Phấn đấu giảm ít nhất 3.000 hộ nghèo; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 6%; Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo đề ra của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là: 29.146 hộ, giảm 3.981 hộ nghèo - (Ảnh minh hoạ). |
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%; Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 460 hộ; Giải quyết đất ở cho 152 hộ; Hỗ trợ hộ chưa có nhà, xóa nhà tạm ho 186 hộ; Số hộ được sắp xếp, ổn định dân cư 650 hộ.
Còn đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới: Có thêm ít nhất: 07 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên ít nhất 130 xã, đạt tỷ lệ 67%; Có thêm ít nhất 15 xã NTM nâng cao và 01 xã NTM kiểu mẫu; Có thêm ít nhất 100 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; Các huyện, thành phố, thị xã, xã, thôn đã đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.
Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của các Chương trình MTQG giai đoạn năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực, chủ động thực hiện các giải pháp, quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, xã tập trung thực hiện kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong việc thực hiện các Chương trình MTQG năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Đảm bảo phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả trong công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp tổ chức quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình MTQG.
Ngoài đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tại 06 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo - (Ảnh minh hoạ). |
Cùng với đó là tiếp tục ưu tiên, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, vùng núi; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thích ứng với biến đổi khí hậu cho người nghèo; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền và hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.