Quảng Bình: Đê ngăn mặn bờ Nam sông Gianh đang sạt lở nghiêm trọng
Theo phản ánh của bà con, tuyến đê này đã bị sạt lở từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương cùng nhân dân nhiều lần gia cố lại nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn. Cơn bão số 10 vừa qua cũng đã làm vỡ một đoạn đê khiến cho nhiều diện tích ao hồ, đất sản xuất của bà con bị nhiễm mặn.
Nhiều năm nay, tuyến đê bờ Nam sông Gianh đang sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân
Tuyến đê này dài hơn 3km, nằm dọc theo bờ Nam sông Gianh, trải dài qua các xã Hạ Trạch, Bắc Trạch của huyện Bố Trạch. Theo người dân, tuyến đê đã được xây dựng từ rất lâu với mục đích ngăn nước nhiễm mặn từ sông Gianh tràn vào đồng thời có chức năng điều tiết thủy lợi, chống ngập úng cho khu dân cư mỗi mùa mưa bão, nhưng thời gian gần đây tuyến đê đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Hơn 100 mét bờ đê thuộc xã Hạ Trạch đang bị sạt lở, nhiều chỗ bị nước khoét sâu tạo nhiều hàm ếch
Ghi nhận của PV tại tuyến đê này, một đoạn dài hơn 100m đã bị sạt lở, nhiều đoạn bị nước mặn xâm thực, ăn sâu gần hết đê. Phía ngay gần cống điều tiết nước ra vào đã bị vỡ một đoạn do bão số 10 gây ra, hiện tại vẫn chưa khắc phục được. Theo quan sát, con đê này được đắp hoàn toàn bằng đất, xung quanh không có kè đá hay bê tông che chắn gì nên rất dễ bị sóng nước xói mòn, nhiều chỗ đã bị nước khoét sâu tạo ra nhiều hàm ếch. Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, khiến nước mặn ngoài sông ngày càng lấn sâu vào trong đất liền, gây ảnh hưởng đến rất nhiều diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản và đất canh tác của bà con phía trong đê.
Một phần của cống điều tiết nước cũng bị xói mòn hư hỏng
Ông Lê Văn Minh nhà nằm cách con đê vài chục mét cho biết, nhà ông hiện tại nuôi đang trồng thủy sản trên khoảng 1 hécta ao hồ, đợt bão vừa rồi khiến một đoạn đê bị vỡ làm cho gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác bị thiệt hại nặng nề. Theo ông, đê này bắt đầu sạt lở mạnh từ năm 2010, khi ấy chính quyền cùng nhân dân địa phương tiến hành đắp lại. Tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp nên việc tu sửa không được thực hiện đúng kĩ thuật, làm theo kiểu tạm bợ lở đâu đắp đó, không có xây kè đá hay đổ bê tông gì hết nên việc xói mòn vẫn diễn ra từ năm này qua năm khác.
Ông Minh cùng nhiều hộ dân rất lo lắng khi tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nhanh
“Đê bị lở, nước tràn vào phá vỡ nhiều đường giao thông nên việc đi lại của bà con cũng khó khăn hơn trước chú à, nước mặn cũng làm hư hỏng nhiều hệ thống bao bờ của mấy hộ nuôi cá ở đây nữa”, ông Nguyễn Văn Do (54 tuổi) là dân vạn đò sống gần con đê bộc bạch.
Nước tràn vào phá vỡ nhiều đường giao thông
Một đoạn đê đã bị vỡ do cơn bão số 10 hiện tại vẫn chưa khắc phục được
Trao đổi với PV ông Lưu Văn Trác - Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết, tuyến đê này dài hơn 3km, hiện 1km đã được bê tông hóa hoàn toàn. Do đê đã được xây dựng từ lâu nên giờ đây cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Mấy năm nay chính quyền cùng nhân dân địa phương đã nhiều lần gia cố nhưng do kinh phí của địa phương hạn hẹp nên việc khắc phục vẫn chưa được đến nơi đến chốn. “Sau đợt bão vừa rồi, một đoạn đê đã bị vỡ, vì vậy trước mắt,địa phương sẽ huy động nhân dân tiến hành gia cố lại đồng thời làm tờ trình gửi lên tỉnh để xin kinh phí khắc phục sự cố”, ông Trác cho hay.
Tuyến đê được đắp hoàn toàn bằng đất, không có kè đá che chắn nên rất dễ bị nước mặn xâm thực
Tình trạng sạt lở ở tuyến đê này đang diễn ra ngày càng nhanh khiến nhiều hộ dân bị ảnh hưởng hết sức lo lắng, nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, rất có thể nhiều gia đình sẽ mất kế sinh khi bị nước mặn xâm lấn.
Quốc Huy – Quang Minh