Quản trị công ty là kênh quan trọng để dẫn vốn cho thị trường và doanh nghiệp
|
Sáng 29/11, tại cuộc gặp gỡ báo chí trước thềm Diễn đàn thường niên về quản trị công ty lần thứ 7, ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc điều hành Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết, hiện nay các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế, đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi quản trị công ty gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội. Quản trị công ty được đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường, vào doanh nghiệp.
“Quản trị công ty (yếu tố G) gắn với ESG giờ đây đã trở thành một thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tạo niềm tin đối với thị trường, các nhà cung cấp, và là công cụ đo lường hành động và cam kết của doanh nghiệp đối với tạo tác động tới môi trường (yếu tố E) và xã hội (yếu tố S). Đó cũng là nền tảng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp khi thực thi chiến lược phát triển bền vững”, ông Long nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thực tế mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN, và thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty Đông Nam Á (ACGS).
Lý giải về những yếu tố khiến điểm số của Việt Nam ở mức thấp, bà Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc Chuyên môn của VIOD cho biết, kể từ năm 2012 đến nay, dù điểm số của Việt Nam đã được cải thiện nhưng vẫn đứng cuối trong ASEAN-6, xếp sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia.
Nguyên nhân là do mặt bằng chung quản trị chung của Việt Nam còn thấp, hiện mới chỉ có hơn 70 doanh nghiệp có báo cáo tiếng Anh nhưng chất lượng không đồng đều, dẫn đến điểm số trung bình thấp.
Bên cạnh đó, việc thực thi hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT) của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng bị đánh giá thấp, nhất là tính độc lập của các thành viên và cơ cấu của HĐQT cũng như vai trò của HĐQT về chiến lược chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của ASEAN.
Bà Nguyễn Minh Hiền cho biết thêm, trong đợt đánh giá lần này có ba điểm mà Việt Nam vẫn bị đánh giá yếu hơn so với các nước trong khu vực, gồm: Vai trò của HĐQT, bảo đảm quyền đối xử công bằng với cổ đông và thực hành phát triển bền vững.
Riêng về việc bảo đảm quyền đối xử công bằng với cổ đông, hiện nay các nước đều thực hiện họp đại hội đồng cổ đông theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến và có cơ chế biểu quyết điện tử để tất cả cổ đông kể cả cổ đông nhỏ lẻ đều tham gia được. Nhưng ở Việt Nam hiện tại, trên 90% doanh nghiệp đang thực hiện họp cổ đông theo hình thức trực tiếp nên quyền tham gia của các cổ đông nhỏ lẻ sẽ bị giới hạn.
Để cải thiện thứ hạng của Việt Nam, ông Long cho rằng yêu cầu nâng cao chất lượng và mặt bằng quản trị công ty cho các doanh nghiệp Việt Nam cần được thực sự coi trọng như một mục tiêu chiến lược quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu. Điều này cũng đã được nêu rõ trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.
“Việc nâng cao chất lượng và mặt bằng quản trị công ty đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc thu hút vốn đầu tư của các quỹ đầu tư quốc tế, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho chính thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi”, ông Long nói.
Ông Long đánh giá bối cảnh trên đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu phải tìm ra cách thức để nâng cao chất lượng quản trị công ty, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư xanh đến từ các nhà đầu tư có trách nhiệm, đồng thời rút ngắn khoảng cách về mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á.
Thông qua diễn đàn thường niên về quản trị công ty năm nay, ông Long cho biết VIOD kỳ vọng sẽ là nơi kết nối và chia sẻ quan điểm giữa các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng, và cộng đồng doanh nghiệp về phát triển bền vững ESG gắn với đầu tư vào quản trị công ty, nhằm thu hút và gia tăng giá trị các nguồn vốn đầu tư bền vững đến từ các quỹ đầu tư có trách nhiệm. Từ đó, hướng đến thúc đẩy thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam trở nên minh bạch và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng vào năm 2025.
Diễn đàn Thường niên về quản trị công ty lần thứ 7 (AF7) với chủ đề “Đầu tư vào quản trị công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hóa thị trường” sẽ diễn ra vào ngày 5/12/2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện chuyên môn uy tín nhất tại Việt Nam về quản trị công ty tích hợp với ESG và phát triển bền vững được VIOD tổ chức với sự đồng hành của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cùng hỗ trợ chuyên môn của hai Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX). Bên cạnh những ý kiến chuyên gia thảo luận về quản trị công ty, tại diễn đàn lần này, VIOD cũng lần đầu tiên công bố sáng kiến VNCG50. Là đối tác chuyên môn có kinh nghiệm tham gia đánh giá quản trị công ty cho cả cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards, VLCA) và ACGS trong nhiều năm, VIOD đã đưa ra sáng kiến xây dựng bộ chỉ số VNCG50 và đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) ủng hộ. Đây là bộ thẻ điểm được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá của ACGS theo các thông lệ tốt, đồng thời dựa trên thực tiễn về quan trị công ty tại Việt Nam. VNCG50 được đánh giá bởi Hội đồng do VNX chủ trì, gồm các thành viên là các chuyên gia đến từ HOSE, HNX và đại diện quỹ, công ty chứng khoán và chuyên gia độc lập. |