Quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ không ngừng tiến triển trên nhiều lĩnh vực
Việt Nam và Thụy Sỹ tích cực phối hợp trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN, ASEM, Francophonie.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ kiêm nhiệm Liechtenstein Phạm Hải Bằng mới đây đã có cuộc trả lời phỏng vấn về quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ.
Đại sứ Phạm Hải Bằng (bìa phải) và Tổng thống Thụy Sỹ Alain Berset (giữa). Ảnh baoquocte.vn.
Quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ trong thời gian qua có những tiến triển gì và còn những vấn đề gì phải giải quyết?
Quan hệ hai nước trong thời gian qua không ngừng tiến triển trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, lãnh đạo cấp cao Chính phủ và Quốc hội hai nước thường xuyên có các chuyến thăm chính thức hoặc làm việc.
Hai bên tích cực phối hợp trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN, ASEM, Francophonie. Thụy Sỹ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Việt Nam ủng hộ Thụy Sỹ ứng cử viên vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2023-2024.
Cơ chế tham khảo chính trị và nhân quyền cấp vụ trưởng của hai Bộ Ngoại giao được tiến hành đều đặn hàng năm.
Về kinh tế, theo số liệu của Hải quan Thụy Sỹ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Thụy Sỹ và Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây đạt hơn 7,9 tỷ Franc Thụy Sỹ (CHF), trong đó Việt Nam là nước xuất siêu. Nếu như kim ngạch thương mại hai chiều các năm 2013-2015 đạt trung bình hơn 1 tỷ CHF thì đến 2016-2017 tăng lên 2 tỷ CHF.
Thụy Sỹ là nhà đầu tư Châu Âu lớn thứ ba tại Việt Nam với tổng vốn FDI đạt gần 2 tỷ USD. Trong giai đoạn 2017-2020, Chính phủ Thụy Sỹ cam kết viện trợ 90 triệu francs vốn ODA cho Việt Nam.
Trong chuyến thăm Hà Nội tháng 4/2018 của bà Doris Leuthard, Bộ trưởng Môi trường, Giao thông, Năng lượng và Truyền thông, hai nước đã ký Hiệp định vận chuyến hàng không mới. Hãng hàng không Edelweiss Air của Thụy Sỹ sẽ mở đường bay trực tiếp Zurich-TP.Hồ Chí Minh vào tháng 11 tới, tạo cơ hội mới cho phát triển du lịch, thương mại.
Hiện, Việt Nam và Hội mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) mà Thụy Sỹ là một trong bốn thành viên đang tiếp tục đàm phán về một Hiệp định Thương mại tự do giữa các bên.
Tôi hy vọng rằng sau khi ký Hiệp định, quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ cũng như với các thành viên EFTA sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Thưa Đại sứ, Thụy Sỹ có tổ chức Hội nghị Ngoại giao như các nước khác?
Hàng năm Thụy Sỹ đều tổ chức Hội nghị Ngoại giao và thường được gọi là “Hội nghị các Đại sứ” do thành phần tham dự chủ yếu là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp có hàm Đại sứ và một số khách mời.
Cũng cần phải nói thêm rằng có lẽ Thụy Sỹ là nước duy nhất phong hàm Đại sứ không chỉ cho các Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài hoặc một số lãnh đạo đang đảm nhận chức vụ Quốc vụ khanh, Tổng Thư ký và Tổng Vụ trưởng trong Bộ Ngoại giao mà cho cả một số cán bộ lãnh đạo trong Bộ Kinh tế và một số bộ khác.
Hội nghị các Đại sứ Thụy Sỹ thường được tổ chức tại thủ đô Berne hoặc các thành phố lớn như: Zurich, Geneve vào tuần thứ hai của tháng Tám. Trước Hội nghị toàn thể, tùy theo tình hình một số địa bàn, Bộ Ngoại giao còn tổ chức hội nghị hẹp tại một số khu vực.
Ví dụ như tháng Tư vừa qua, hội nghị Đại sứ Thụy Sỹ một số nước Đông Nam Á đã được tổ chức tại Hà Nội. Mô hình Hội nghị ngoại giao “hẹp và rộng” này cũng được nhiều nước áp dụng, ví dụ như trước khi tổ chức Hội nghị ngoại giao tại Seoul, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức Hội nghị Đại sứ các nước Châu Âu, năm nay là tại London hay Bộ Ngoại giao Indonesia tổ chức cuộc họp chuyên về quan hệ kinh tế Indosia-Châu Âu tại thủ đô Berne.
Chúng ta đang trong giai đoạn 4.0, vậy có nước nào tổ chức Hội nghị với hình thức trực tuyến không thưa ông?
Qua trao đổi với đại sứ nhiều nước tại Thụy Sỹ, tôi được biết chưa có nước nào tổ chức Hội nghị Ngoại giao bằng hình thức trực tuyến. Tôi đã từng tham khảo đại sứ của một số nước Châu Âu về hình thức này. Mọi người đều cho rằng, các nhà ngoại giao cần được trực tiếp trao đổi với nhau, với các nhà nghiên cứu, với lãnh đạo nhiều bộ ngành khác nhau tại một hội nghị toàn thể để cùng tìm ra giải pháp cho các vấn đề đặt ra.
Cũng do yêu cầu bảo mật của một số chủ đề nên không thể trao đổi qua mạng được. Có vị đại sứ còn nói đùa với tôi, con người là “sinh vật xã hội” và các nhà ngoại giao lại là “sinh vật xã hội” nhất nên cần được bắt tay nhau hơn là nhìn nhau qua các màn hình. Tôi cũng cho rằng, hình thức trao đổi qua Interrnet là chưa phù hợp với Hội nghị Ngoại giao.
Thưa ông, vậy ngoại giao Thụy Sỹ của một nước trung lập, là thành viên Liên Hợp Quốc những không tham gia EU có gì khác không?
Nhiều người có quan niệm rằng với một nước nằm giữa Châu Âu, có chính sách ngoại giao trung lập, nhiều thế kỷ sống trong hòa bình như Thụy Sỹ chắc sẽ chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà coi nhẹ quốc phòng hoặc ngoại giao. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Thụy Sỹ rất quan tâm đến việc xây dựng một nền quốc phòng và ngoại giao vững mạnh. Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ có trên 5.300 biên chế và 170 cơ quan đại diện tại khắp các châu lục.
Năm 2016, ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao là 3 tỷ francs (trên 3 tỷ USD). Ngoại giao Thụy Sỹ được đánh giá cao trong việc thực hiện và hoàn thành nhiều nhiệm vụ rất “đặc biệt” như từng làm đại diện quyền lợi của Mỹ tại Cu ba và Cu ba tại Mỹ trước khi Mỹ mở lại đại sứ quán tại thủ đô La Habana hoặc hiện đang làm đại diện cho quyền lợi của Mỹ tại Iran và của Iran tại Mỹ cũng như vai trò trung gian hòa giải tại một số cuộc xung đột.
Rất nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ quốc tế diễn ra tại Genève, nơi có trụ sở của Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Tôi xin nêu ví dụ về cách làm ngoại giao rất Thụy Sỹ đó là mỗi năm Bộ Ngoại giao tổ chức hai chuyến đi thăm địa phương cho các Trưởng Cơ quan đại diện. Tổng thống, Ngoại trưởng, một số nghị sỹ và lãnh đạo một số đơn vị trong Bộ Ngoại giao cùng tham gia chuyến đi và là cũng là dịp để trao đổi về nhiều vấn đề đối ngoại.
Theo VOV