Quan hệ Việt Nam – Thái Lan: Liên tục phát triển
Việt Nam và Thái Lan đều là những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, nhân dân hai nước có sự hiểu biết và giao lưu hữu nghị truyền thống lâu đời. Trong những năm đầu của thế kỷ 20, Bác Hồ lúc đó với bí danh là Thầu Chín đã có gần 2 năm sinh sống tại Thái Lan, đồng thời có rất nhiều người Việt do chiến tranh ác liệt đã đi lánh nạn sang cư trú tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Người cha già dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền móng của mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Thái Lan.
Tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước được Hồ Chủ tịch xây dựng và được các thế hệ con cháu sau này tiếp tục vun đắp, đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng đưa quan hệ Việt Nam Thái Lan vượt qua những thời điểm khó khăn, những thăng trầm trong lịch sử và đạt tới những đỉnh cao của ngày hôm nay.
Ngày 6/8/1976, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Vương Quốc Thái Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.
Trong 40 năm qua, nhất là từ đầu những năm 1990 đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư đến văn hoá xã hội, quốc phòng an ninh, giáo dục, đào tạo ... Sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước đã đem lại những lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và Thái Lan. Ngày nay, Thái Lan là một trong 11 nước đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với hơn 420 dự án và tổng số vố đầu tư đăng ký lên tới gần 8 tỷ USD. Trong lĩnh vực thương mại, Thái Lan là một đối tác quan trọng của Việt Nam, cũng như Việt Nam là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Thái Lan ở Châu Á. Kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan trong nhiều năm qua không ngừng gia tăng nhanh chóng và hiện nay hai bên đang phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch hai chiều lên 20 tỷ USD vào năm 2020. Thái Lan hiện là một trong những điểm đến ưa thích của hàng trăm ngàn du khách Việt Nam mỗi năm, và cũng là điểm đến du học của hàng nghìn du học sinh Việt Nam.
Đặc biệt, nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 6/2013, Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược" và trở thành hai nước trong Hiệp hội ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhau.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan không chỉ phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ song phương mà còn mở rộng trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, quốc tế, khu vực và tiểu vùng, như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) .... Việt Nam và Thái Lan là hai thành viên tích cực của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC).
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam: Trong quan hệ hai nước Việt Nam-Thái Lan, vấn đề Việt kiều luôn là vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của quan hệ hai nước. Việt kiều ở Thái Lan là một trong những nhóm người Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên. Hiện nay ở Thái Lan có khoảng trên 100.000 người Việt, sống rải rác ở hầu hết các tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu ở vùng Đông Bắc.
Việt kiều tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan)
Trước thời kỳ hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chính sách của Thái Lan đối với Việt kiều có hạn chế. Đến nay, chính sách của Thái Lan đối với Việt kiều được nới dần. Năm 1998, hai bên đã có thỏa thuận và phía Thái Lan đã có quyết sách cấp giấy tờ, quốc tịch cho công dân người Thái gốc Việt, những người Việt Nam định cư lâu năm ở Thái Lan. Hầu hết những người Việt Nam di cư sang Thái Lan đều đã trở thành công dân Thái và được hưởng đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm công dân của mình đối với Vương quốc Thái Lan. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống bà con Việt kiều, tạo ra bước ngoặt lớn. Bà con được hòa nhập với cuộc sống của nước sở tại, con em được đi học, được quyền mua nhà cửa, kinh doanh. Ở Thái Lan có nhiều luật sư, bác sỹ giỏi người Việt, bác sỹ trẻ gốc Việt.
Vừa qua, Thái Lan cũng đã tạo điều kiện cho Việt kiều tiếp tục duy trì đời sống văn hóa của mình như: mở 4 khu di tích tưởng niệm Bác Hồ. Hiện nay, với sự chấp thuận của Chính phủ Thái Lan, cộng đồng người Việt có tổ chức riêng của mình đó là Tổng Hội người Việt toàn Thái Lan. Hầu hết các tỉnh đều có Chi hội. Tổ chức này nhằm kết nối bà con Việt kiều, vận động bà con tuân thủ luật pháp nước sở tại, có trách nhiệm với Chính phủ Thái Lan và cũng có nhiều chính sách của Thái Lan muốn thông tin đến cộng đồng người Việt. Thông qua các Hội, đoàn, bà con được tham gia sinh hoạt chung, Lễ, Tết, Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9 và Tết Cổ truyền dân tộc, liên hoan văn nghệ…
Nhận xét về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan, ông Tạ Quang Ngọc, Chủ tịch TW Hội Việt Nam – Thái Lan – trưởng đoàn cho biết: Trong tiến trình phát triển của lịch sử, cả trong thời kỳ hiện đại và đương đại, mỗi nước đều trải qua những hoàn cảnh lịch sử và chính trị khác nhau, quan hệ giữa hai nước cũng có lúc đậm lúc nhạt, song luôn là một dòng chảy liên tục.
Yên Ba