Quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc: Thêm nhiều tín hiệu vui!
Hình ảnh xúc động được phát đi từ buổi đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) diễn ra chiều 20/8 ở khu nghỉ dưỡng núi Kumcang đã thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận khu vực và thế giới. Sự kiện nhân đạo này được người dân cả hai miền trên bán đảo Triều Tiên mong chờ suốt bấy lâu nay.
Giọt nước mắt mãn nguyện
Triều Tiên và Hàn Quốc đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để tổ chức vòng đoàn tụ gia đình bị ly tán đầu tiên kể từ năm 2015, bởi đây không chỉ là sự nhất trí của lãnh đạo cấp cao tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 4/2018, mà còn thể hiện nguyện vọng chung của nhiều người dân hai miền. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa hai miền, bao gồm cả việc tiếp tục tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán.
Để tổ chức sự kiện này, hai miền đã nỗ lực lên danh sách các gia đình tham gia, tìm kiếm và xác nhận thân nhân, chuẩn bị cơ sở vật chất ở mức chu đáo nhất. Bộ Tư pháp Hàn Quốc còn áp dụng một số biện pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình ly tán đoàn tụ lần này.
Cảm xúc trong giây phút đoàn tụ các gia đình ly tán giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Trong đợt đầu tiên từ ngày 20-22/8, 89 người cao tuổi Hàn Quốc được đoàn tụ với thân nhân đang sống ở Triều Tiên. Mỗi cuộc gặp gỡ nhau của các gia đình ly tán kéo dài khoảng 11 tiếng. Đợt thứ hai từ ngày 24-26/8 với 83 người Triều Tiên gặp lại người thân sống ở Hàn Quốc. Đây là vòng đoàn tụ gia đình ly tán lần thứ 21 kể từ năm 2000 sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Ngay từ sáng sớm 20/8, đoàn xe buýt chở người cao tuổi Hàn Quốc đã khởi hành đến khu vực nghỉ dưỡng núi Kumcang trên lãnh thổ Triều Tiên. Đúng 15h, các cuộc đoàn tụ đã được bắt đầu. Gần 70 năm xa cách và ly tán, những người thân trong một gia đình mới có cơ hội gặp lại nhau. Gặp gỡ hàn huyên tuy chốc lát, nhưng để lại ấn tượng thật khó phai mờ. 89 cụ ông, cụ bà Hàn Quốc diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của mình.
Dù có người phải đi xe lăn, dù thời tiết có nóng nực, trong mắt họ vẫn ánh lên niềm vui sướng và hạnh phúc khi được gặp lại người thân yêu sau hàng thập kỷ đằng đẵng cách trở. Những mái đầu bạc, những giọt nước mắt của sự mãn nguyện, những cái ôm thật chặt như thể đang sợ mất nhau, những cái nắm tay thật lâu như muốn truyền hơi ấm cho nhau, tất cả đã tạo ra vô vàn cung bậc cảm xúc.
Quả thực, 89 cụ ông cụ bà Hàn Quốc được đoàn tụ gia đình lần này là những người cực kỳ may mắn. Các cơ quan chức năng Hàn Quốc lựa chọn người sang Triều Tiên đoàn tụ gia đình bằng cách quay xổ số sau khi xác minh thân nhân của họ vẫn còn sống. Ở tuổi 81 khi sắp "gần đất xa trời", ông Kim Kwang-ho mới được gặp lại người em ruột của mình lần đầu tiên sau 68 năm mất liên lạc. Ông Kim không giấu nổi cảm xúc khi biết em trai mình còn sống, nhưng không thể nhớ khuôn mặt của mẹ.
Cảm xúc trong giây phút đoàn tụ các gia đình ly tán giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh Yonhap.
Cụ Lee Keum-seom, 92 tuổi, được gặp con trai lần đầu tiên kể từ khi bà bị chia cách với chồng và con. Cậu con trai khi đó mới 4 tuổi, nay đã 71 tuổi. Cụ Lee không giấu nổi niềm xúc động: "Tôi không thể tưởng tượng được rằng ngày này đã đến ". Cụ Shin Jong-ho, 70 tuổi, cho biết cụ đã thức dậy từ 3h00 sáng để đón chờ phút giây đoàn tụ. Kém may mắn hơn, không ít người được chọn cho lần đoàn tụ này, nhưng sau lại bị loại khỏi danh sách do cha mẹ hoặc anh em họ đã qua đời.
Theo nhận định của giới quan sát, sự kiện với nhiều cung bậc cảm xúc này sẽ giúp Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục cải thiện mối quan hệ song phương. Và trên đà tích cực đó, sẽ có thêm nhiều vòng đoàn tụ mới được tổ chức, thường xuyên hơn, đáp ứng nguyện vọng của người dân hai miền.
Lá cờ đặc biệt
Đó là lá cờ mang hình bán đảo Triều Tiên màu xanh trên nền trắng được cầu thủ bóng rổ Hàn Quốc Lim Yung-hui và cầu thủ bóng đá Triều Tiên Ju Kyong-chol cùng cầm khi hai đoàn thể thao diễu hành chung tại Lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18 diễn ra tối 18/8 ở Jakarta (Indonesia). Đội hình diễu hành chung của đoàn thể thao Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhận được những tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt của tất cả mọi người, vì một bản đảo Triều Tiên đoàn kết. Hình ảnh Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon và Phó Thủ tướng Triều Tiên Ri Ryong-nam trên khán đài cầm tay nhau giơ lên cao đã tạo ấn tượng mạnh mẽ về một triển vọng sáng lạn trong mối quan hệ liên Triều.
Đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc diễu hành chung tại lễ khai mạc ASIAD 18 ở Indonesia. Ảnh: Independent.
Tại ASIAD lần này, các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thi đấu cùng một đội trong các môn bóng rổ nữ, đua thuyền và canoeing. Phía Hàn Quốc gửi 807 vận động viên, phía Triều Tiên gửi 168 vận động viên tham dự. Trước đó, đoàn thể thao hai nước đã diễu hành và lập đội hockey chung tại Thế vận hội mùa Đông Pyeong-chang.
Ngay trước lễ khai mạc ASIAD, ông Lee Nak-yeon và ông Ri Ryong-nam đã có cuộc hội đàm chung với Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Phía Hàn Quốc còn có các quan chức như Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Doo Jong-hwan, Thứ trưởng Ngoại giao Lim Sung-nam và Đại sứ Hàn Quốc tại Indonesia Kim Chang-beom. Phía Triều Tiên có Thứ trưởng Ngoại giao Choi Hee-cheol, Vụ trưởng phụ trách các vấn đề châu Á của Bộ Ngoại giao Lee Ho-cheol và Đại sứ Triều Tiên tại Indonesia Ahn Gwang-il. Cuộc hội đàm diễn ra tại tòa nhà Crafty bên cạnh sân vận động Gelora Bung Karno, kéo dài trong khoảng 10 phút. Lãnh đạo 3 nước cũng chụp ảnh chung cùng với linh vật biểu tượng của ASIAD 2018.
Ngày 18/8, Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc dẫn lời một quan chức Chính phủ nước này cho biết hai miền Triều Tiên gần như đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc thành lập Văn phòng Liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp Gaesung thuộc lãnh thổ của Triều Tiên. Hiện chỉ cần tiến hành các thủ tục hành chính liên quan.
Thời gian qua, hai miền Triều Tiên đã liên tục thảo luận về việc mở cửa Văn phòng Liên lạc liên Triều. Người đứng đầu phía Hàn Quốc tại Văn phòng Liên lạc liên Triều sẽ là quan chức cấp Thứ trưởng. Việc mở Văn phòng Liên lạc liên Triều là một trong những nội dung thỏa thuận của Tuyên bố Panmunjom được ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh tháng 4/2018.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang xem xét 5 địa điểm tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) để tiến hành khai quật tìm hài cốt trong một dự án cùng thực hiện với phía Triều Tiên. Những nơi này từng là chiến trường của nhiều trận đánh khốc liệt trong Chiến tranh Triều Tiên. Hai bên cần thảo luận thêm về thời gian và địa điểm khai quật. Dự kiến, một địa điểm sẽ được chọn để tiến hành thí điểm trước. Những động thái tích cực thể hiện sự hợp tác cụ thể, hiệu quả giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cộng với kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 9/2018 ở Bình Nhưỡng cho thấy mối quan hệ hai miền đang ngày càng nồng ấm, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì môi trường hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực...
Tính đến cuối tháng 5/2018, số người Hàn Quốc nộp đơn xin đoàn tụ gia đình là 132.124 người kể từ khi chương trình bắt đầu được tổ chức vào năm 2000. Trong số này, có hơn 50% số người đã qua đời mà không có cơ may gặp lại người thân một lần. Nhiều người nằm trong danh sách chờ đợi nay đã hơn 90 tuổi. |
Hải Yến (t/h)