Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người
Các đại biểu tham gia Tọa đàm “Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người” (Ảnh: TTXVN). |
Tại tọa đàm, các đại biểu thống nhất nhận định, gần đây nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài câu kết với đối tượng ở trong nước, sử dụng “chiêu bài” quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ lương cao”. Sau đó đưa ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và trái phép), bị ép buộc làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến hoặc lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao sẽ bị đánh đập, giam giữ; số lao động này muốn trở về Việt Nam thì bị bắt ký giấy vay nợ, đòi tiền chuộc.
Tình hình trên đã ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, để lại hệ lụy rất lớn cho người dân, gia đình và xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới, trao đổi tại toạ đàm, Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Giang cho rằng: Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với công tác phòng, chống mua bán người; cần phải xác định rõ công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống mua bán người.
Cần có chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, hạn chế thấp nhất điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người.
Theo ông Nguyễn Quốc Nam, Trưởng bộ phận quan hệ chính phủ (IOM), các nạn nhân còn có khó khăn nhất định với việc tiếp cận các hỗ trợ. Do đó, những thủ tục hành chính cần được tinh giản hơn và nếu được, thực hiện trên các cổng hành chính công và áp dụng nền tảng công nghệ để nạn nhân cảm thấy thoải mái và có sự riêng tư cần thiết. Đặc biệt, khi liên quan tới việc hồi hương cho các nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, các thủ tục cấp lại hộ chiếu cần nhanh gọn hơn để giảm bớt thời gian chờ đợi của họ.
Hầu hết các đại biểu, khách mời tại Toạ đàm đều cho rằng, cần khuyến khích và huy động các nguồn hỗ trợ từ xã hội, cộng đồng cho việc hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt cho các hoạt động tạo thu nhập trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống.
Trước đó, ngày 17/5, Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch số 1495/KH-BQP chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân về tội phạm mua bán người và nhiệm vụ phòng, chống tội phạm mua bán người.