Quá áp lực với công việc, nhân viên Nhật Bản tìm đến cái chết để giải thoát
Một nghiên cứu mới đây của chính phủ Nhật Bản đã chỉ ra rằng cứ năm người lại có một người đang đứng trước nguy cơ làm tử vong do làm việc quá sức. Người Nhật gọi hiện tượng này là "karoshi " tức là làm việc kiệt sức đến chết.
Trường hợp của cô gái trẻ Matsuri Takahashi là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này. Tháng 12 năm ngoái, Matsuri Takahashi đã nhảy lầu tự vẫn chỉ sau chín tháng làm việc tại Dentsu, công ty quảng cáo danh tiếng ở Nhật Bản.
Luật sư Hiroshi Kawahito cho biết "Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô Takahashi là do quá quá căng thẳng trong một khoảng thời gian dài. Cũng theo giới chức địa phương, Takahashi phải làm việc quá 105 giờ đồng hồ/ tháng khiến cô phải tìm đến cái chết.
Thuật ngữ "karoshi" lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1970 khi nền kinh tế Nhật Bản đang phát triển như vũ bão. Giáo sư Scott North thuộc trường Đại học Osaka cho biết "Các bác sỹ đã nhìn thấy điều bất thường ở hàng loạt cái chết của những người công nhân mặc dù sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường. Sau khi áp dụng những kiến thức về điện tâm đồ, các bác sỹ cho đã kết luận chính áp lực công việc đã giết chết họ".
Kể từ những năm 1980s, hội luật sư bảo vệ quyền lao động và các nhóm công dân đã yêu cầu chính phủ thay đổi bộ luật lao động và có biện pháp mạnh tay hơn để giải quyết vấn đề "karoshi". Cuối cùng những nỗ lực của họ cũng được đền đáp khi năm 2014, một bộ luật mới được ban hành nhằm cải thiện điều kiện và môi trường làm việc của công nhân. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, các công ty không có bất cứ động thái nào trong việc chấp hành bộ luật mới này.
Ông Jeff Kingston giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo cho rằng "Các công ty Nhật Bản đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm và phủ nhận hiện tượng karoshi và cho rằng điều này hoàn toàn bình thường khi nhân viên của họ làm quá giờ".
Sau cái chết của Takahashi các cơ quan điều tra Nhật Bản bắt đầu vào cuộc. Công ty quảng cáo Dentsu đã cam kết giảm giờ làm xuống còn tối đa 65 giờ/ tháng.
Thủ tướng Shinzo Abe đã tổ chức một buổi gặp mặt với các công nhân nhằm thảo luận vấn đề liên quan đến luật lao động từ đó giảm áp lực công việc đề lên vai họ. Người phát ngôn của bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội cho biết chính phủ sẽ chính thức banh hành bộ luật lao động sửa đổi vào tháng Ba năm 2017.
Về phía các chuyên gia cho rằng các chế tài mới cần phải quyết liệt hơn và đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc các quy định của chính phủ. Tháng trước, liên đoàn kinh tế Nhật Bản Keindanren kêu gọi các công ty ngưng ép công nhân làm việc quá giờ.