PVN và những trở ngại trong chuyển dịch năng lượng
Từ khí LNG của PV Gas…
Những âm thanh sôi động và hình ảnh múa lân đặc sắc trong lễ khánh thành kho cảng LNG Thị Vải, Bà Rịa – Vũng Tàu (đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam) mới đây dường như chưa đủ để giải toả những nỗi lo âu về các vấn đề liên quan đến sự phát triển của LNG ở Việt Nam.
Dự án này do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), doanh nghiệp thành viên thuộc PVN, là chủ đầu tư, và được đánh giá là hạng mục quan trọng góp phần hiện thực hoá chủ trương chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững. Kho cảng đầu tiên vận hành với công suất 1 triệu tấn/năm chỉ là bước khởi đầu, giai đoạn 2 với công suất được nâng lên 3 triệu tấn/năm cũng được PV Gas chuẩn bị. Tuy nhiên, sự sẵn sàng không có nghĩa là mọi việc đã thuận lợi, nếu không muốn nói là vẫn đang bùng nhùng.
Kho chứa LNG Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu |
Điều chúng tôi cần nhất giờ đây là một sự thông suốt trong cơ chế điều hành LNG, ông Huỳnh Quang Hải, Phó Tổng giám đốc PV Gas cho biết, và để thông suốt theo ông Hải thì những vấn đề như cước vận chuyển LNG, cơ chế bao tiêu, cơ chế chuyển ngang giá…phải rõ ràng để doanh nghiệp vận dụng.
Đặc thù của LNG là phải mua dài hạn mới có nguồn cung cấp ổn định, vì mua ngắn hạn thì biến động giá quá lớn và rủi ro rất cao. Tuy nhiên nếu muốn nhập khẩu LNG dài hạn thì PV Gas cần có khách hàng bao tiêu điện dài hạn, mà điều này đến nay vẫn chỉ là “ước mơ”. Cái khó cho LNG nằm ở chỗ này, vì khách hàng của LNG chủ yếu là cho sản xuất điện (khoảng 95%), nên không có sự lựa chọn đầu ra khác, vì vậy “sống chết” cũng phải bám sát theo điện khí LNG. Theo dự định của PV Gas thì sau Thị Vải, 1 loạt những dự án tiếp theo như Sơn Mỹ (Bình Thuận) và miền Bắc. Nhưng kế hoạch và tầm nhìn là vậy, nếu những điều kiện tiên quyết, mang tính sống còn không được xác lập thì bản phác thảo chương trình phát triển khí LNG vẫn là những xấp giấy vô hồn ở trên bàn.
Sang điện của PV Power
Thực tế, PV Gas ngày đêm mong chờ cơ chế bao tiêu rõ ràng một thì với PV Power sự khao khát này là mười. 2 dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 (Đồng Nai) chạy khí LNG với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD do PV Power làm chủ đầu tư, có công suất 1500 MW. Đương nhiên sản xuất điện thì phải bán cho người mua điện, nhưng muốn bán cũng không dễ vì hiện nay chưa ký được hợp đồng mua bán điện (PPA).
Theo ông Lê Bá Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án điện của PV Power thì hiện tại do những vướng mắc cụ thể với EVN về giá cố định, giá biến đổi, sản lượng hợp đồng (Qc 90% cho 15 năm) và các điều khoản khác nên chưa ký được PPA. Tất nhiên không ký được PPA thì hợp đồng mua khí cũng dừng lại vì không xác định được khối lượng và kế hoạch giao nhận khí. Vâng, và đây cũng là điều mà PV Gas, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khí LNG chủ lực của Việt Nam, thất vọng nhất.
PPA được PV Power đàm phán với EVN từ cuối năm 2020, nhưng cứ “kéo cưa lừa xẻ” cho đến tận bây giờ, và hiện tại chưa rõ bóng đang ở chân EVN hay thực sự ở đâu?
PTSC và những nỗi niềm!
Ngày 29.8,2023 vừa qua là một sự kiện lịch sử của Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) khi được Bộ Tài nguyên – Môi trường trao giấy phép khảo sát (quan trắc, điều tra, đánh giá tài nguyên biển). Đây được coi là điều kiện cơ bản để liên danh PTSC – Sembcorp phối hợp triển khai dự án điện gió ngoài khơi, xuất khẩu điện sạch sang Singapore qua cáp ngầm.
Sở dĩ nói là lịch sử vì PTSC là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đến thời điểm này được cấp giấy phép khảo sát làm điện gió ngoài khơi với diện tích rất lớn. Khu vực 1 có diện tích 89.027 ha, khu vực 2 là 98.897 ha (thuộc vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu) sẽ được PTSC tiến hành các công tác liên quan cho dự án.
Nhưng, niềm vui này có khoả lấp được hết những băn khoăn? Cho dù đã có Quy hoạch điện 8 nhưng một loạt các vấn đề quan trọng liên quan đến điện gió ngoài khơi như hành lang pháp lý cho loại hình này chưa rõ ràng, chưa có quy định cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi, quy hoạch không gian biển cũng chưa được phê duyệt…mà để những nội dung này được hoàn thiện và ban hành thì…”Hà Nội không vội được đâu”! Có lẽ cũng lường trước được độ trễ nên Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng giao cho các doanh nghiệp phù hợp chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khi có thể thì triển khai được ngay.
Trao đổi với báo chí, Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường bày tỏ nỗi niềm đau đáu khi nói về chuyển dịch năng lượng. Với quốc tế ta không thể cứ nói là năm 2050 chúng tôi sẽ đưa phát thải về 0 nhưng chúng ta cứ làm như hiện tại tới năm 2049 được, họ quan sát hết, vì vậy mọi việc phải làm từ bây giờ, ông Cường nói.
Theo ông Cường, từ thực tiễn trên thế giới lẫn trong nước, những doanh nghiệp dầu khí với lợi thế, tiềm lực và kinh nghiệm như PVN là rất phù hợp để đảm nhiệm những công việc này. Vì vậy, việc cần thiết giờ đây là tăng thêm tính chủ động cho PVN để các đơn vị thành viên có thể sớm triển khai các nội dung nhằm hiện thực hoá mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chuyển dịch năng lượng là vấn đề toàn cầu, và nếu không muốn bị tụt hậu thì có quá nhiều việc Việt Nam cần làm và làm quyết liệt từ bây giờ. Sở dĩ chúng tôi nêu 3 câu chuyện trong bài viết này là vì tất cả đều liên quan sâu sắc đến chuyển dịch năng lượng và cả 3, không ít thì nhiều đều đang vướng mắc một khâu nào đó trong cơ chế chính sách.
Đến nay, đã sau gần 8 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW (Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035), tương lai tái cấu trúc PVN theo hướng chuyển dịch năng lượng thế nào là điều dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp PVN cho biết trên cơ sở tổng kết kết quả thực hiện NQ 41-NQ/TƯ, chắc chắn tới đây cấp thẩm quyền sẽ đưa ra kết luận và đánh giá toàn diện, vừa đảm bảo tính kế thừa, vừa bổ sung những nội dung phù hợp với sự thay đổi của xu thế mới để từ đó, PVN có được những điều kiện chính trị thích hợp nhất để phát triển.