Phương án điều chỉnh lương hưu mới như thế nào là khả thi?
Phổ lương hưu rộng
Theo thông số từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, mức lương bình quân của nhóm lương hưu ở mức thấp, khoảng 580.000đ/người/tháng. Ở nhóm người hưởng lương hưu cao, có 24 người đang nhận mức lương 30-101 triệu đồng/người/tháng, 57 người nhận lương hưu 23-30 triệu đồng/người/tháng, 150 người nhận lương hưu mức trên 17 triệu - 23 triệu đồng/người/tháng và khoảng 600 người nhận lương hưu mức trên 13- trên 17 triệu đồng/người/tháng. Ở nhóm hưởng lương hưu mức khá có khoảng 133.000 người với mức lương hưu khoảng 6-13 triệu đồng/tháng. Và trên 2 triệu người nghỉ hưu nhận mức lương dưới 6 triệu đồng/ người/tháng. Mức lương hưu trung bình của người từng làm việc trong các cơ quan nhà nước, khối hành chính sự nghiệp khoảng 4,4 triệu đồng/người/tháng...Trên 3.200 người có lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng.
Trước đó, dư luận cũng đã biết, một cô giáo làm việc nhiều năm, lương hưu chỉ được hưởng 1.300.000 đồng.
Bộ LĐ,TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề xuất phương án điều chỉnh lương hưu phù hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Theo phản ánh, hiện nay chế độ lương hưu có nhiều bất cập, do việc tham gia đóng BHXH khác nhau từng giai đoạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận người hưởng lương hưu.
Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung phân tích, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH. Theo đó, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH và mức lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Như vậy, chúng ta đều biết, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động khi còn làm việc.
Cũng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với NSNN và quỹ BHXH. Trong những năm vừa qua, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định của Luật BHXH và các Nghị quyết của Quốc hội; việc điều chỉnh lương hưu theo tỉ lệ phần trăm đã đảm bảo được giá trị tiền lương hưu của người nghỉ hưu trước tác động của yếu tố lạm phát.
Tuy nhiên, Bộ LĐ,TB&XH cũng thấy rằng, việc điều chỉnh theo tỉ lệ như trên cũng có hạn chế, đó là làm tăng khoảng cách về số tiền tuyệt đối giữa người có mức lương hưu cao với người có mức lương hưu thấp.
Đã nhiều lần tăng lương hưu
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, trong đó có người nghỉ hưu trước năm 1993.
“Từ năm 2003 - 2007, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8% (tuỳ thuộc vào mức lương khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu) so với mức lương hưu của tháng 12/2002”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Biểu tăng lương hưu (nguồn ảnh Bộ LĐ,TB&XH)
Trong đó người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và trước tháng 4/1993 được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn những người nghỉ hưu ở giai đoạn từ tháng 4/1993 trở về sau.
Riêng từ năm 2008 đến nay, Chính phủ cũng đã 8 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với mức tăng thêm 168,5% so với cuối năm 2007.
Thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu nêu trên, đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện và Chính phủ cũng đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ.
Thực tế, từ nghiên cứu đến đề xuất tăng lương hưu như thế nào để được phê duyệt là công việc không đơn giản. Để đề xuất mang tính khả thi cao, trách nhiệm nặng nề lại được giao cho ngành lao động thương binh và xã hội.
Nguyễn Hòa (t/h)