Phú Yên: Khai mạc dự án trại lắp chân giả Jaipur Foot
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương (bìa trái), Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya (bìa phải), Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi (thứ ba từ phải sang) trao đổi với nguyên Đại sứ Ấn Độ Ambassador Satish C. Mehta (thứ tư, từ phải sang), Chủ tịch Tổ chức BMVSS, Jaipur về chân giả (Ảnh: Yên Lan/ Báo Phú Yên). |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, ông Sandeep Arya cho biết dự án trại chân giả Jaipur Foot đã được triển khai khắp nơi trên thế giới nhằm mục đích nhân đạo và lần này tổ chức tại Phú Yên.
Đây là lần thứ 5 trại chân giả được tổ chức tại Việt Nam kể từ năm 2018 đến nay bởi Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các cơ quan và tổ chức Ấn Độ. Sự kiện thể hiện quan hệ hữu nghị truyền thống, sự gắn bó bền chặt giữa Chính phủ và nhân dân hai nước. Đây là một hoạt động xã hội, nhân đạo rất có ý nghĩa. Càng có ý nghĩa hơn khi khoản viện trợ này được triển khai vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Dự án xã hội Trại chân giả Jaipur Foot được tổ chức tại Bệnh viện PHCN Phú Yên từ ngày 3/12-23/12. Hiện đã có 275 người khuyết tật đăng ký lắp chân giả; một số người đã được lắp chân giả.
Tại buổi lễ, Giám đốc Bệnh viện PHCN Phú Yên, bác sĩ Trần Như Tiến, cảm ơn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các cơ quan và tổ chức Ấn Độ, lãnh đạo tỉnh và ngành đã tin tưởng giao cho bệnh viện phối hợp thực hiện dự án này, giúp người khuyết tật ở Phú Yên đi lại và hòa nhập cộng đồng. Qua việc phối hợp thực hiện dự án, Bệnh viện PHCN Phú Yên học hỏi, trau dồi kỹ thuật làm chân giả để áp dụng, thực hiện tại đơn vị.
Dự án lắp đặt chân giả Jaipur được thực hiện theo hiệp định ký kết giữa Bộ Ngoại giao Ấn Độ và tổ chức Bhagwan Mahaveer Viklang Sahayata Samiti (BMVSS) tài trợ vào tháng 11/2017. Dự án được triển khai sẽ giúp những thương binh, bệnh binh, người khuyết tật có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.
Sau hơn 1 năm tiến hành khảo sát, theo dõi, được sự đồng ý của Bộ Y tế, UBND tỉnh Phú Yên các chuyên gia BMVSS đã chọn Bệnh viện Phục hồi chức năng Phú Yên làm nơi tiến hành lắp đặt 257 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc hỗ trợ về cơ sở vật chất, cử đội ngũ cán bộ, y bác sĩ hỗ trợ bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra định kỳ cho những người khuyết tật được lắp đặt chân giả thuộc dự án.