Phù Sinh - “Bạo chúa một mắt” Trung Hoa nổi tiếng: Bị lật đổ sau 2 năm tại vị, qua đời không người thương xót
Theo các tài liệu sử học, lịch sử phong kiến Trung Hoa bắt đầu từ nhà Hạ 2000 năm trước Công Nguyên. Trải qua 4000 năm lịch sử, rất nhiều triều đại xuất hiện, cùng với những vị hoàng đế anh minh, nhân từ được người dân nhớ đến như hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân (triều Đường), hoàng đế Hốt Tất Liệt (nhà Nguyên) hay hoàng đế Khang Hy (triều Thanh). Nhưng cũng không thiếu những vị hoàng đế tàn ác, suy đồi, không đủ năng lực cai trị đất nước, một trong số đó là hoàng đế Phù Sinh nhà Tiền Tần.
Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa thống nhất, năm 221 Trước Công Nguyên
Chân dung Hốt Tất Liệt, cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, vị minh quân sáng suốt cai quản đất nước, khác biệt hoàn toàn với ác đế Phù Sinh
Loạn "Thập lục quốc" và vị bạo chúa trời định
Trên thực tế, thời kỳ hoàng đế Phù Sinh lên nắm quyền, Trung Hoa bị chia năm xẻ bảy, khắp nơi đều có người xưng vương dựng triều, gọi là thời kỳ "Ngũ Hồ loạn Hoa" (năm dân tộc làm loạn Trung Hoa), còn được biết đến là giai đoạn "Thập lục quốc" (tức 16 quốc gia tranh giành đấu đá hỗn loạn, từ năm 304 đến 439).
Cũng bởi lịch sử giai đoạn rối ren như vậy nên tài liệu còn sót lại là khan hiếm và không thống nhất. Những tư liệu còn sót lại trong bản biên niên sử "Thập lục quốc Xuân Thu", được xuất bản đầu thế kỷ thứ 6, tức gần một trăm năm sau khi thời binh đao loạn lạc được đề cập kết thúc.
Bên cạnh đó, những bộ sử như "Ngụy thư", "Tấn thư" được biên soạn từ giữa thế kỷ thứ 6, 7 cũng có những phần đề cập đến giai đoạn "Thập lục quốc", được sử dụng bổ sung cho những tư liệu bị thất lạc trong "Thập lục quốc Xuân Thu", giúp các nhà sử học hiện đại có cái nhìn khách quan, tổng thể về giai đoạn lịch sử này.
Bản đồ thể hiện vị trí nhà Tiền Tần, năm 376 sau CN (màu xanh). Phần màu vàng là nhà Đông Tấn thời "Thập lục quốc" .
Phù Sinh là hoàng đế thứ hai nhà Tiền Tần, trước đó được sáng lập bởi Tần Minh Đế Phù Kiện. Theo nguyên tắc truyền ngôi cho con trai trưởng, Phù Sinh không phải người thừa kế ngai vàng từ cha, vì ông có hai người anh ruột.
Theo một số ghi chép, Phù Kiện trong một lần đi thị sát dân tình, nghe được lời hát của trẻ con chơi trên đường rằng "ba dê có năm con mắt." Phù Kiện tin rằng đây chính là lời sấm truyền về việc truyền ngôi báu, quả thực ông có ba người con và người con út Phù Sinh bị chột.
Một số ghi chép khác cho rằng, Phù Kiện đã đọc được lời tiên tri từ sách cổ. Nhưng dù bằng cách nào, có lẽ việc Phù Sinh kế nghiệp nhà Tiền Tấn đã do trời định. Lại thêm việc con trai cả Phù Trường vừa tử trận, không cách nào khác, Phù Kiện lập Phù Sinh là người kế nghiệp mình dù rằng vị hoàng tử có dung mạo khác người.
"Bạo chúa một mắt" lạm quyền và hai năm tang tóc của nhà Tiền Tần
Phù Sinh chột mắt vì bị đại bàng quắp khi đang cố gắng trộm trứng trong tổ, kể từ đó ông trở nên rất hung tợn. Có tích chép lại rằng, khi ông nội Phù Hồng trêu đùa Sinh rằng: "Ta nghe nói người một mắt chỉ có một giọt nước mắt mà thôi!". Sinh không màng phép tắc, lấy con dao tự đâm vào con mắt bị mù, máu chảy đỏ tươi, tức giận nói rằng: "Đây còn một giọt nước mắt nữa là hai!"
Tính tình vốn ngang ngược, đến khi lên ngôi kế tục vua cha, Phù Sinh còn hung bạo hơn bội phần, khắp giang sơn ai cũng e sợ "Bạo chúa một mắt". Phù Sinh sẵn sàng hạ lệnh chém giết bất cứ ai dùng những từ như "mất", "thiếu", "không có", trước mặt ông vì ông tin rằng, họ đang xúc phạm mình.
Sự tàn bạo còn thể hiện rõ trong cách Phù Sinh trị vì đất nước. Rất nhiều triều thần, tướng lĩnh đã bị Phù Sinh trừng phạt tàn nhẫn, hành hình dã man vì không đáp ứng yêu cầu của mình hay đôi khi chỉ vì ý thích nhất thời của bạo chúa.
Có lẽ vị hoàng đế tàn bạo bậc nhất lịch sử Trung Hoa và được nhiều người biết đến là Tần Thủy Hoàng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những vị bạo chúa như Phù Sinh.
Có tích chép rằng, khi các quan thái sử xem thiên văn cảnh báo rằng, họ đã nhìn thấy một đám tang rất lớn và nhận ra sự sụp đổ của vương triều trong vòng ba năm tới nếu Phù Sinh không thay đổi cách quản lý vương triều của mình.
Phù Sinh tin vào lời tiên tri, nhưng thay vì thay đổi bản thân, ông quyết định hành quyết vợ của mình, Lương hoàng hậu cùng cha vợ Lương An và thúc phụ Mao Quý, vì cho rằng họ có âm mưu làm phản.
Điểm sáng duy nhất của Phù Sinh là việc sở hữu sức mạnh thể chất phi thường, cộng thêm bản tính khát máu, hiếu chiến khiến ông trở thành một chiến binh tàn bạo trên chiến trường. Tương truyền Phù Sinh có thể một mình vật lộn với thú dữ. Tuy nhiên, Phù Sinh thiếu khả năng điều binh khiển tướng, điều ngăn cản ông trở thành một tướng lĩnh tài giỏi.
Thời kỳ cai trị tàn bạo của Phù Sinh chỉ kéo dài vỏn vẹn hai năm, năm 357, ông bị lật đổ bởi hai người anh em họ, Phù Kiên và Phù Pháp. Binh biến xảy ra ngay sau khi Phù Kiên biết được việc Phù Sinh định hạ sát mình trừ hậu họa.
Binh lính triều đình vốn đã chán ngán hoàng đế tàn bạo, tự ý đầu hàng, triều đình không ai bảo vệ vị bạo chúa. Phù Sinh bị bắt khi vẫn còn đang say rượu, ngay sau đó bị phế truất làm Việt vương rồi bị xử tử "tứ mã phanh thây", không ai thương xót.
Nguồn: Ancient Origins
Hogi Spiderum