Các Hội Hữu nghị ưu tiên thúc đẩy du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam sau đại dịch
Đó là hàng loạt các hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm thúc đẩy du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên trong giai đoạn bình thường mới
Trưa 20/11, hơn 200 du khách Hàn Quốc đã đáp xuống đảo Phú Quốc. Đây là đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới sau gần 2 năm “đóng băng” do COVID-19.
Chuyến bay của hãng hàng không Vietjet Air chở đoàn khởi hành từ Seoul, Hàn Quốc hạ đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc lúc hơn 12h. Lãnh đạo TP Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang, Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không Việt Nam... đã đón đoàn.
Phát biểu tại lễ chào đón, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết đây là một trong những sự kiện mở đầu cho chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine" tại Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời là bước khởi động quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch, hướng đến từng bước mở cửa và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
"Với công tác đón khách quốc tế được đảm bảo tuân thủ “thông điệp 5K” và các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định cùng chất lượng dịch vụ cao cấp, sự kiện góp phần khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam trong bối cảnh mới, hướng tới trải nghiệm du lịch “Sống trọn vẹn tại Phú Quốc, Sống trọn vẹn tại Việt Nam” cho du khách" - ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm.
Nghi thức chào đón đoàn khách quốc tế đầu tiên theo hộ chiếu vaccine đến với Phú Quốc. |
Nhận định chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc hôm nay hứa hẹn cho sự phát triển trở lại của ngành du lịch, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND Thành phố Phú Quốc cho biết: Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo thích nghi an toàn cho du khách khi đến Phú Quốc.
"Sẽ có những chuyến bay quốc tế khác đến Phú Quốc trong tháng 12 và đầu năm 2022. Chúng tôi đã có bước chuẩn bị, chủ động đảm bảo tốt nhất an toàn cho việc đón khách quốc tế đến Phú Quốc cũng như khách nội địa", ông Hưng cho biết.
Ngay sau khi nhập cảnh, du khách di chuyển theo lối đi được phân luồng riêng để thực hiện các thủ tục nhập cảnh và tiến hành sàng lọc sức khỏe ngay tại sân bay. Sau đó đoàn khách được đưa lên xe di chuyển khoảng 45 phút để đến nghỉ dưỡng và du lịch 4 ngày 3 đêm tại quần thể Phú Quốc United Center.
Tại đây, du khách sẽ có trải nghiệm chuyến đi qua hành trình khép kín: lưu trú tại phòng nghỉ và biệt thự biển 5 sao; khám phá thể thao, giải trí, vui chơi Vinpearl Golf; công viên chủ đề VinWonders, công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã Vinpearl Safari; Corona Casino và "thành phố không ngủ" Grand World Phú Quốc. Trong suốt thời gian kỳ nghỉ, khách được xét nghiệm COVID-19 hai lần (khi đến và trước lúc rời đảo...).
“Thật tuyệt vời và hạnh phúc khi hôm nay được đến Việt Nam. Mặc dù dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn rất ổn. Chúng tôi sẽ có những trải nghiệm thật thú vị. Cám ơn các bạn Việt Nam đã dành cho đoàn du khách Hàn Quốc chúng tôi sự tiếp đón nồng nhiệt như hôm nay” - một du khách Hàn Quốc chia sẻ.
Hành khách đã cảm ơn chủ nhà đã dành cho đon sự tiếp đón nồng nhiệt. |
Ngành ngoại giao hiến kế thúc đẩy du lịch hậu COVID-19
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến bàn về việc mở cửa lại du lịch quốc tế với sự tham dự của 15 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài ngày 7/10, đã có nhiều ý kiến đống góp nhằm phát triển du lịch trong nước hậu COVID-19 được đưa ra.
Theo đó, các đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Australia, Malaysia... cho biết, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh, tâm lý khách quốc tế rất mong muốn và sẵn sàng đi du lịch trở lại, nhu cầu là rất lớn. Thông tin Việt Nam chuẩn bị mở cửa thí điểm đón khách quốc tế đang thu hút du khách nhiều nước. Các đại biểu kiến nghị, cần có quy trình kiểm soát y tế thống nhất và ổn định để khách nước ngoài yên tâm khi đặt tour du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy việc công nhận chứng nhận tiêm chủng vắc xin giữa Việt Nam với các nước để tạo điều kiện đón khách quốc tế vào Việt Nam.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất nên đa dạng hóa sản phẩm du lịch, ví dụ như thiết kế các tour du lịch chuyên đề như du lịch golf, du lịch mua sắm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, triển lãm), tổ chức hình thức "du lịch bong bóng" giữa Việt Nam và các nước. Việc mở đường bay thẳng cũng là một trong những yếu tố được khách du lịch rất quan tâm.
Bên cạnh kênh ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân cũng đã và đang góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, đồng thời đề xuất các sáng kiến nhằm thúc đẩy du lịch trong trạng thái "bình thường mới".
Theo đó, trong thời gian tới, Hội Hữu nghị Việt Nam - Singapore sẽ triển khai nhiều hoạt động tìm kiếm, giới thiệu đối tác của Việt Nam và Singapore để phát triển quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước. Hội sẽ trở thành cầu nối cho các doanh nghiệp của hai nước thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác, kinh doanh trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, trong đó có thúc đẩy du lịch, kết nối các hoạt động quảng bá văn hóa...
Hội Hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên cũng xác định thúc đẩy du lịch là một trong những ưu tiên hàng đầu, qua đó góp phần tăng cường công tác tuyên truyền về tình hữu nghị truyền thông Việt Nam - Triều Tiên, giới thiệu giao lưu văn hóa, nghệ thuật.
Đối với Hội hữu nghị Việt Nam - Indonesia, Hội sẽ phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và các đối tác Indonesia ở Việt Nam trong việc tổ chức, tiến hành các hội thảo, tọa đàm giao lưu nhằm tăng cường hiểu biết, phát huy tiềm năng hợp tác của doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Nhiều Hội hữu nghị cũng xác định rằng đối với du lịch trong trạng thái bình thường mới, hoạt động quảng bá xúc tiến có vai trò quan trọng, luôn phải đi trước 1 bước để thị trường khách du lịch quốc tế biết đến, thuyết phục họ yên tâm, tin tưởng điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn, dịch bệnh được kiểm soát ổn định, từ đó thúc đẩy họ sớm quay trở lại Việt Nam.