Phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý giá
Nguồn tài nguyên phong phú bị bỏ quên
Theo Tổng cục thống kê năm 2020, ngành nông nghiệp có khoảng 156,8 triệu tấn tổng sản lượng phụ phẩm. Trong đó, phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng và quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt là 88,9 triệu tấn; từ ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm là 61,4 triệu tấn; từ ngành lâm nghiệp là 5,5 triệu tấn và từ ngành thủy sản là gần 1 triệu tấn.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thành viên Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù tỉ lệ phụ phẩm của lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn nhưng tỉ lệ phụ phẩm được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%. Có tới 45,9% rơm khô và vỏ trái cây bị đốt. Chất thải trong ngành chăn nuôi mới chỉ tận dụng được 23% để sản xuất phân bón hữu cơ, còn lại bị bỏ phí.
“Một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng ở một số nơi thuộc miền Bắc, miền Trung gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là hành vi bị cấm theo quy định về pháp luật môi trường”, ông Tống Xuân Chinh nói thêm.
Có tới 45,9% rơm khô và vỏ trái cây bị đốt bỏ. (Ảnh: Pamair) |
Lý giải vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ khoa học – Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nước ta mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chứ chưa quan tâm đến lượng dư thừa của phụ phẩm nông nghiệp. Người dân chưa quan tâm đến sản xuất phân bón hữu cơ, tái tạo phụ phẩm nông nghiệp để bổ sung dưỡng chất và tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học.
“Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ gây lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi, dẫn tới ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, bà Thủy cho biết.
Làm “giàu” từ phụ phẩm nông nghiệp
Nếu được tận dụng đúng cách, phụ phẩm nông nghiệp có thể sản xuất, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị. Phế phụ phẩm từ lúa có thể sản xuất ra phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm, đệm lót sinh học, đồ thủ công mỹ nghệ… Phụ phẩm từ tôm sản xuất ra được chiết suất, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dầu tôm, phân bón, năng lượng tái tạo… Phụ phẩm từ cá tra sản xuất ra được chiết xuất enzyme, phân bón, dầu cá, thức ăn chăn nuôi…
Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Viện Cây ăn quả miền Nam, trong quá trình sản xuất, thu hái và chế biến trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, lượng hạt xoài, hạt nhãn, hạt vải thiều, vỏ chuối, vỏ sầu riêng… có rất nhiều công dụng mà chúng ta chưa khai thác hết. Ngoài làm phân bón, những phụ phẩm nông nghiệp này có thể được chế biến làm thức ăn cho gia súc, thậm chí làm thực phẩm chức năng.
Vỏ trái cây, rau củ, vỏ trứng… được sử dụng để ủ phân hữu cơ. (Ảnh minh họa) |
Không chỉ làm giàu cho môi trường, phế phụ phẩm nông nghiệp hoàn toàn có thể giúp người nông dân làm kinh tế. Hiện nay, thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển. Tại tỉnh Đồng Tháp, giá bán rơm khoảng từ 55.000 – 75.000 đồng trên 1.000 m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg. Giá rơm cạnh đường giao thông liên xã là 15.000 đồng/bó. Nếu vận chuyển xa thì giá bán rơm tại cơ sở sử dụng cho nuôi gia súc, làm nấm, làm vườn… khoảng 25.000 đồng/bó. Như vậy, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm.
Một ví dụ khác, những phụ phẩm từ chế biến thủy sản của nước ta, nếu khai thác hết bằng các kỹ thuật công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD. Tuy nhiên nước ta mới tận dụng làm bột cá, collagen, gelatin… trị giá chỉ khoảng 275 triệu USD.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang xây dựng, hoàn thiện, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn để có cơ sở thực hiện việc tiêu thụ các sản phẩm là phụ phẩm nông nghiệp trong thời gian tới.
Rác hữu cơ, phế phụ phẩm thành tài nguyên… Áp dụng công nghệ mới để biến rác hữu cơ, phế - phụ phẩm nông, thủy sản thành phân bón hữu cơ là một trong những giải pháp hiệu quả góp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biến phế - phụ phẩm thành nguồn nguyên liệu quan trọng. Đây là cơ sở để tiến tới tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm organic có giá trị kinh tế cao. |
Tài trợ 2 triệu đô la Úc cho các dự án đối mới sáng tạo dựa trên công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp Trong khuôn khổ chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Australia – Việt Nam (Aus4Innovation) của chính phủ Australia, hợp phần tài trợ Đối tác Đổi mới Sáng tạo sẽ dành ra 2 triệu đô la Úc cho vòng tài trợ thứ tư để tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. |