Phụ nữ giỏi việc nước có cần đảm việc nhà?
PGS.TS Chu Cẩm Thơ sinh năm 1981. Năm 29 tuổi, chị đạt học vị tiến sĩ và ở tuổi 32 đã ở vị trí Phó Chủ nhiệm bộ môn, tham gia viết sách giáo khoa môn toán. Năm 2016, chị được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư.
Cẩm Thơ hiện là Phó trưởng ban Phụ trách, Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tham gia viết sách, cố vấn nhiều chương trình trọng điểm và đặc biệt là người sáng lập, Giám đốc Nghiên cứu, phát triển chương trình dạy Toán cho trẻ em POMath.
Năm 2019, PGS.TS Chu Cẩm Thơ có mặt trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes bình chọn.
Là người phụ nữ đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng người phụ nữ có một gia đình hạnh phúc ắt sẽ có sự nghiệp thành công. Một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 cũng có những chia sẻ xoay quanh chuyện phụ nữ giỏi việc nước có cần đảm việc nhà.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ. |
- Thông thường, khi nhắc đến một phụ nữ thành công trong sự nghiệp, ngoài khía cạnh tích cực, người ta thường nghĩ “thành công vậy chắc chắn phải đánh đổi, làm gì có thời gian cho chồng cho con”. Xin hỏi trường hợp của chị thì sao? Liệu với phụ nữ có một sự cân bằng nào giữa sự nghiệp và gia đình, để cả hai đều vẹn toàn không, thưa chị?
Tôi nghĩ để đánh giá tôi hay một người phụ nữ “có thời gian cho chồng cho con” hay “có bỏ bê con cái” hay không thì những người ngoài gia đình đó không thể đánh giá được đâu, cần phải xét trong từng gia đình. Có nhiều phụ nữ, dành tất cả thời gian cho gia đình, làm việc nội trợ, vẫn còn bị đánh giá là “thiếu chăm lo cho gia đình” cơ mà.
Nên tôi luôn nhớ câu “thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Ý của tôi là, những người phụ nữ thành đạt, chắc chắn họ biết cách để tạo ra sự đồng thuận trong gia đình, và vì thế thì họ sẽ cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình.
Tôi cũng biết một câu tục ngữ rằng: một người hay lo bằng một kho người hay làm. Mẹ tôi nói, nếu phụ nữ chịu nghĩ một chút, sẽ biết lo lắng chu toàn việc nhà và việc cơ quan.
Tôi thì biết rất nhiều người phụ nữ quanh tôi làm được điều đó. Các cô, các chị là tấm gương cho tôi. Tôi còn phải học họ rất nhiều, nhất là trong nữ công gia chánh. Bởi ngày xưa tôi dành ít thời gian học việc này, nên làm còn rất vụng. Để giữ lửa gia đình, thì người phụ nữ không thể không dành tâm huyết cho nó. Những người sống cùng sẽ cảm nhận được thành ý, vì vậy, nếu có thành ý cùng với sự suy nghĩ chu đáo, tận dụng được sự trợ giúp của mọi người, từ các dịch vụ xã hội ngày càng đáp ứng thì chắc chắn người phụ nữ sẽ tìm được một giải pháp hợp ý để lo tương đối vẹn toàn hai việc này.
Cá nhân tôi, tôi chỉ là người ham làm việc thôi chứ chưa phải người thành đạt gì cả. Nhưng tôi nhận được sự ủng hộ lớn của gia đình. Từ những ngày đầu, tôi đã thuyết phục chồng học làm việc nhà, tự chăm con để không phụ thuộc người giúp việc, từ đó rèn các con tôi tự lập, … Thành ra chúng tôi khá tiết kiệm chi phí cho cuộc sống đồng thời các con tôi dù mới học lớp 1 thì cũng đã làm việc nhà được rồi. Bây giờ, tôi khá rảnh, tôi không còn phải là người duy nhất lo việc nội trợ nữa. Tuy nhiên, chất lượng việc nhà của chúng tôi không cao. Tôi và cả nhà chấp nhận điều này để cùng nhau vui vẻ.
- Theo chị thì, phụ nữ giỏi việc nước có cần đảm việc nhà không?
Tôi chỉ nghĩ phụ nữ thì cần đảm việc nhà, ngay cả khi ở một mình. Việc nhà với tôi trước hết là chăm lo cho bản thân mình một cách khoa học: khỏe thể chất, khỏe tinh thần, lối sống lành mạnh và chuẩn bị cho tương lai. Còn khi đã làm vợ, làm mẹ thì ngoài việc lo cho bản thân, còn phải lo cho những người con, người chồng của mình. Khi đảm những việc đó có nghĩa là có năng lực để đảm những việc to hơn ở cơ quan, ở xã hội. Đó là quan điểm cá nhân của tôi.
- Chị thường sắp xếp, điều phối việc ra sao để cân bằng giữa công việc và gia đình?
Tôi là một người ham công việc nhưng lại khá mơ mộng và không có tham vọng về thành tích, quyền lực. Chính vì lẽ đó tôi dễ cân bằng đời sống tinh thần, vui vẻ, lạc quan. Nhưng từ nhỏ tôi đặt mục tiêu “hiệu quả” và “trách nhiệm” trong mỗi việc mình làm. Chính vì thế tôi có thói quen lên kế hoạch chi tiết và lường trước những hậu quả, những ảnh hưởng có thể xảy ra trước khi bắt đầu. Tôi đặc biệt bám vào nguyên tắc “ưu tiên việc quan trọng”. Chính vì thế, tôi ít khi bị hỏng việc.
Chẳng hạn, giờ đây, nuôi dạy các con là việc quan trọng nhất với tôi. Chính vì thế, tất cả gia đình tôi đều tôn trọng những việc của các con: ở gần trường con học, ưu tiên ăn cùng con, học cùng con, trò chuyện với con, …. Những việc đó được đặt vào những khoảng thời gian cố định của một ngày, tôi không cho phép mình xếp những việc khác chồng vào đó. Tôi cũng không nhận những việc tôi có thể làm nhưng sẽ có thể lấy đi ưu tiên đó, …. thành ra công việc cũng xếp hạng sau. Mà thực tế, sự nghiệp của tôi là gia đình mà. Nhưng được cái, tôi đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị tốt cho việc các con tôi khá tự lập và ủng hộ mẹ. Công việc của tôi cũng phần nhiều bổ trợ cho việc giáo dục con. Đấy là một may mắn của tôi.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ bên chồng và hai con. |
- Một người phụ nữ ít khi đụng tới việc nhà, liệu có thể vẫn chăm lo cho gia đình tốt hay không, thưa chị?
Với tôi, thì việc tạo ra môi trường, động lực để những người trong gia đình cùng làm, làm thay mình những việc đó trong sự tự nguyện và vui vẻ là quan trọng nhất. Không phải để tôi nhàn, tôi không phải làm, mà là để thực sự tốt cho mỗi người, cho cả nhà. Tôi lấy ví dụ ở gia đình tôi. Bố mẹ tôi đã rèn cho chúng tôi biết làm việc nhà từ rất nhỏ, nên chúng tôi đều biết làm đỡ mẹ việc dọn dẹp, nấu nướng, đi chợ, …Một mặt giúp mẹ tôi bớt nhiều thời gian cho công việc nội trợ, nhưng thực ra chúng tôi được nhiều hơn. Chúng tôi trở nên nhanh nhẹn, chăm chỉ, kỉ luật, vượt khó và nhất là rất hòa đồng.
Tôi cũng làm như thế cho các con mình. Đến nay các cháu chưa trưởng thành đâu (một cháu học lớp 6, một cháu học lớp 4), nhưng tôi đã không phải rửa bát, nấu cơm lâu rồi. Bây giờ nhiệm vụ quan trọng của tôi là tổng đạo diễn thôi. Tức là tôi vẫn phải nghĩ thực đơn, phân bổ tiền, và thỉnh thoảng làm mẫu. Những hôm tôi mệt, các cháu cũng đã tự lên thực đơn, đi chợ, chăm sóc cho mẹ được rồi. Các cháu biết tự đến trường, tự giác học tập, tôi không phải nhắc nhở nhiều. Mặc dù, hồi các cháu còn nhỏ, tôi khá vất vả để rèn các cháu vào nề nếp. Thế nên, quá trình cùng nhau tạo ra nề nếp gia đình tốn công sức, tạo ra sự mệt mỏi mà không phải ai cũng chịu được. Sự “tặc lưỡi” trong những năm đầu sẽ khiến chúng ta vất vả về sau. Tôi hy vọng sự “nhàn” này của tôi sẽ được dài lâu.
- Phụ nữ có sự nghiệp thành công, ắt sẽ có một gia đình hạnh phúc, chị nghĩ sao về quan điểm này?
Tôi thì lại cho rằng ngược lại: người phụ nữ có một gia đình hạnh phúc ắt sẽ có sự nghiệp thành công. Tôi muốn bổ sung thêm hạnh phúc gia đình không có từ sự cam chịu, thui thủi làm để hoàn thành trách nhiệm, mà là sự đồng lòng của tất cả những thành viên, sự gần gũi, sự cảm thông, cả sự thứ tha nữa. Thế nên người phụ nữ cần phải vận dụng cả khối óc và trái tim, phải thông thạo cả thế giới bên ngoài để không tự mình định nghĩa hạnh phúc trong cô đơn hạn hẹp.
- Phụ nữ ngoài việc cơ quan, còn hàng tá những công việc không tên, nhưng thường thì đàn ông coi đó là điều hiển nhiên và không coi trọng lắm. Theo chị thì nguyên này dẫn đến việc này là từ đâu? Và chính phụ nữ nên thay đổi như thế nào để luôn “kiêu hãnh” về những công việc mà xã hội vốn coi là “tủn mủn, vặt vãnh”?
Tôi cũng thấy bực mình khi gặp những người đàn ông luôn coi một số việc hiển nhiên thuộc về phụ nữ. Cá nhân tôi phản đối chuyện này, và cũng từng bị chỉ trích khi có suy nghĩ đó. Nhưng tôi không chấp nhận việc đó, tôi rất rành mạch trong công việc và phát huy thế mạnh của giới. Chẳng thể ép buộc người phụ nữ làm việc gì đó chỉ bởi vì họ là phụ nữ cả, cũng như không bắt ép đàn ông làm vì họ là đàn ông.
Tôi cho rằng thành kiến “việc này của phụ nữ”, “phụ nữ phải thế này thế kia”, … có từ lề lối gia trưởng, trọng nam khinh nữ, thiếu tôn trọng đồng nghiệp. Ngay trong gia đình, nhiều người cho rằng con trai thì không cần học việc này, không cần làm việc kia, … dẫn đến khi lớn lên, các bạn ấy bị ám thị trong suy nghĩ đồng thời cũng trở nên thụ động trước một xã hội hiện đại, đa phần cởi mở với giới tính vì bây giờ chỉ còn sự tôn trọng qua công việc, qua các mối quan hệ.
Tôi thiết nghĩ tôi làm việc theo nguyên tắc đúng người, đúng hoàn cảnh sẽ đủ “kiêu hãnh” cho mỗi việc mình làm. Chúng ta không nên làm bởi vì bị bắt ép và định sẵn chỉ nên như thế, và phải như thế. Khi chúng ta có sự am hiểu và sẵn sàng chịu trách nhiệm, chúng ta có thể làm được nhiều hơn, nhất là lấy được sự tôn trọng của những người khác.
- Xin cảm ơn chị!