Phóng viên ảnh ghi lại chuyện "bếp núc" của chuyến bay đưa Phạm Tuân vào vũ trụ
Nhà báo Phạm Tiến Dũng khi đó là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Liên Xô.
Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Viktor Gorbatko trước chuyến bay. Ảnh: Phạm Tiến Dũng |
Phóng sự ảnh để đời
Đầu năm 1980, nhà báo Phạm Tiến Dũng được TTXVN cử sang Moscow làm nhiệm vụ hợp tác với Nhà xuất bản Progress của Nga để xuất bản Báo ảnh Việt Nam tiếng Nga. Cũng thời gian này, trong khuôn khổ Chương trình Intercosmos, năm 1980 đến lượt phi công vũ trụ Việt Nam bay lên vũ trụ cùng với phi công Liên Xô Viktor Gorbatko. Nhà báo Phạm Tiến Dũng được giao nhiệm vụ vào Trung tâm Đào tạo phi công vũ trụ, mang tên Gagarin ở thành phố Ngôi Sao, để ghi lại toàn bộ quá trình tập luyện chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ của hai phi công.
Tại đây, nhà báo Phạm Tiến Dũng đã ghi lại quá trình tập luyện đầy gian khổ của nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko và Phạm Tuân bằng những bức ảnh chân thực, sinh động. Ngoài ra, ông còn có những bức ảnh chụp đời sống riêng của họ với niềm vui khi hai gia đình gặp gỡ nhau, như bức ảnh vợ của nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko ôm thân thiết con gái của Phạm Tuân cùng những hoạt động vui chơi thể dục thể thao.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung tâm Đào tạo phi công vũ trụ tại thành phố Ngôi Sao. Ảnh: Phạm Tiến Dũng |
Đặc biệt, trong bộ ảnh này có bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ, đến thăm hỏi, động viên các nhà du hành vũ trụ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bộ ảnh còn có nhà ngoại giao Vũ Khoan (sau này trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ), khi ấy là Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô và Giáo sư, Viện sĩ Vật lý Nguyễn Văn Hiệu, người phụ trách tổ chức các thí nghiệm của Việt Nam sẽ thực hiện trên tàu vũ trụ.
Viktor Gorbatko và phu nhân thăm gia đình Phạm Tuân. Ảnh: Phạm Tiến Dũng |
Nhà báo Phạm Tiến Dũng cho biết, khoảnh khắc làm ông xúc động nhất là khi chứng kiến con tàu vũ trụ Liên hợp 37 được tên lửa đẩy đưa vào không gian, rất nhanh trở thành một đốm sáng trong bầu trời đêm ở Baikonur (Kazakhstan).
Đồng thời, trong năm 1980 nhà báo Phạm Tiến Dũng còn ghi vào ống kính ảnh đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên tham dự Olympic thế giới tổ chức ở Moscow. Ngồi ở sân vận động, ông được chứng kiến hình ảnh hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko gửi lời chào từ không gian đến các vận động viên và khán giả dự Lễ khai mạc Olympic Moscow.
Cả cuộc đời gắn bó với nhiếp ảnh
Nhà báo Phạm Tiến Dũng. Ảnh: Phạm Tiến Dũng |
Nhà báo Phạm Tiến Dũng là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên được được đào về ảnh báo chí tại Liên Xô. “Khi học dự bị đại học, tôi được ở cùng mấy anh học nghề quay phim. Những lúc rảnh rỗi, mấy anh lại dạy tôi vài nét cơ bản về chụp ảnh. Vậy là sau khi tốt nghiệp dự bị đại học, tôi được chuyển qua học Khoa Báo chí của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov. Khoa Báo chí có nhiều ngành nhưng vì đã làm quen với nhiếp ảnh nên tôi chọn nhiếp ảnh để học. Và từ đấy tôi theo đuổi nghề nhiếp ảnh báo chí cho đến bây giờ ”, ông chia sẻ.
Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1953) tại Phú Thọ. Ông từng là phóng viên thường trú của TTXVN tại Liên Xô và Campuchia. Ông từng giữ chức Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo ảnh Việt Nam, Trưởng ban Biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh (Hội NSNA Việt Nam). Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật, ông tham gia nhiều triển lãm ảnh ở trong và ngoài nước và giảng dạy về kỹ năng chụp ảnh báo chí nâng cao, ảnh báo chí cơ bản... tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam. |
Ông cho biết, để trở thành nhà báo, một phóng viên ảnh, lượng kiến thức nhà trường cung cấp cho sinh viên rất lớn để khi ra trường có kiến thức toàn diện ở mọi lĩnh vực, phục vụ cho công việc làm báo của mình. Với sinh viên học ảnh báo chí còn đòi hỏi năng khiếu và lao động miệt mài. “Chúng tôi thường xuyên đi chụp theo những đề tài được giao và tự đi chụp để nâng cao tay nghề. Tuy trường cấp máy ảnh và phim chụp nhưng chúng tôi vẫn phải dành đồng tiền học bổng ít ỏi để trang bị thêm ống kính, mua máy phóng ảnh, giấy ảnh về ký túc xá rồi lấy rèm che phòng lại để làm buồng tối”, nhà báo Phạm Tiến Dũng nhớ lại.
Giờ đây, dù đã bước sang tuổi 70, nhà báo Phạm Tiến Dũng vẫn rong ruổi khắp nơi để ghi lại những lát cắt của dòng chảy cuộc sống. Ống kính của ông đã ghi lại hàng ngàn tấm ảnh thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là tình hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga. Nhiều tấm ảnh trong đó đã được xuất hiện trong nhiều số của Tạp chí Bạch Dương (Tạp chí của Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga).
Một số hình ảnh về “chuyến bay lịch sử”:
Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Viktor Gorbatko trước chuyến bay. Ảnh: Phạm Tiến Dũng |
Hai nhà du hành vũ trụ tạm biệt người đưa tiễn để vào bệ phóng tại sân bay vũ trụ quốc tế Baikonur. Ảnh: Phạm Tiến Dũng |
Hai nhà du hành vũ trụ luyện tập điều khiển tàu vũ trụ. Ảnh: Phạm Tiến Dũng |
Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Leonid Breznhev trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân. Ảnh: Phạm Tiến Dũng |
Hơn 200 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga Ngày 6/4, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Nga với chủ đề “Việt Nam - Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng” với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp hai nước. |
Phó Thủ tướng Nga thăm các cơ sở giảng dạy tiếng Nga tại Hà Nội Ngày 7/4, Phó Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko đã đến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội và Phân viện Puskin tại Hà Nội. |