Phong trào Không liên kết tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện Đại sứ quán các nước tham gia Phong trào Không liên kết; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, học giả và đại diện một số tổ chức hữu nghị quốc tế tại Việt Nam.
Hội thảo kỷ niệm 62 năm Hội nghị Bandung là dịp để tăng cường và thúc đẩy tình hữu nghị, mối quan hệ hợp tác Á-Phi và hợp tác Nam-Nam (châu Á và châu Mỹ-Latin), đồng thời góp phần tích cực vào việc kiến tạo hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo – Phó Giám đốc Học viện CTQG HCM cho biết: Cách đây 62 năm, Hội nghị Bandung diễn ra tại thành phố Bandung, Indonesia từ ngày 18-24/4/1955 với sự tham gia của 29 nước Á-Phi (23 nước châu Á, 6 nước châu Phi), đã đặt dấu mốc lịch sử cho việc ra đời của Phong trào Không liên kết (Non-Aligned Movement_NAM) ngày nay gồm 120 thành viên và 17 quan sát viên. Hội nghị đã đưa ra 10 nguyên tắc Bandung, làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở 2 châu lục, trong đó các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế...
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo – Phó Giám đốc Học viện CTQG HCM phát biểu khai mạc hội thảo
Việt Nam là một trong 29 quốc gia tham dự Hội nghị Bandung, đồng thời luôn là một quốc gia đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào quá trình kiến tạo hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Với vai trò là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và thành viên chính thức của nhiều định chế quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu… đồng thời cũng là một thành viên của NAM, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực, có hiệu quả và thiết thực vào việc duy trì, củng cố và thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới dựa trên các nguyên tắc nền tảng của Liên hợp quốc cũng như 10 nguyên tắc của Hội nghị Bandung.
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh, hội thảo cũng là cơ hội tốt để các vị đại sứ, nhà ngoại giao và các nhà khoa học tích cực trao đổi và tập trung làm nổi bật những đóng góp của Hội nghị Bandung đối với sứ mệnh xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác gắn bó truyền thống tốt đẹp giữa các quốc gia Á-Phi và châu Mỹ-Latin trong bối cảnh hiện nay.
Đông đảo Đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước tham gia Phong trào Không liên kết tham dự hội thảo
Theo ông Tô Anh Dũng, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, các nguyên tắc Bandung đã hòa quyện theo tính chất đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam; trong đó, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác với các nước Á-Phi. Trên thực tế, quan hệ Việt Nam với các nước Á-Phi đã có những bước phát triển tích cực trong thời gian qua trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực và thực chất cho sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới; đề cao sự tôn trọng luật pháp quốc tế và xây dựng những chuẩn mực chung của khu vực và quốc tế.
Đại sứ Cộng hòa Boliva Venezuela Jorge Rondón Uzcátegui chia sẻ, những quyết định từ Hội nghị Bandung đã tạo nên hình dáng và tính quốc tế cho NAM; cho phép Phong trào này tiếp cận các diễn đàn quốc tế khác nhau, góp phần giải quyết các vấn đề then chốt cho các thành viên như: hỗ trợ cho tự quyết, đối lập với phân biệt chủng tộc, không tuân thủ đa phương các hiệp ước quân sự, giải trừ quân bị, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, tăng cường hợp tác Liên hợp quốc, dân chủ hóa quan hệ quốc tế và phát triển kinh tế xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những giá trị và đóng góp quan trọng, ý nghĩa của Hội nghị Bandung đối với phong trào giải phóng dân tộc, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, khẳng định quyền tự quyết của mỗi quốc gia/ dân tộc, cũng như hòa bình, an ninh và phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Triển lãm "Kỷ niệm 62 năm Hội nghị Bandung" được trưng bày tại hội thảo
Các đại biểu cho rằng, cùng với cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, đấu tranh bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc luôn là mục tiêu hàng đầu trong quá trình tồn tại của phong trào. Trong hoàn cảnh lịch sử mới, khi mà khái niệm độc lập dân tộc không ngừng được bổ sung thêm những nội dung mới thì cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc cũng thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú hơn. Bảo vệ độc lập dân tộc không chỉ là bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà còn bao hàm cả những vấn đề sâu sắc hơn như bảo vệ quyền lựa chọn định hướng phát triển, quyền bảo tồn các giá trị-bản sắc văn hóa truyền thống, quyền được đối xử bình đẳng trong quan hệ quốc tế… Tiếp tục đấu tranh cho độc lập dân tộc và bình đẳng hóa quan hệ quốc tế vẫn là một xu hướng chủ đạo chi phối toàn bộ hoạt động của NAM ngày nay.
Sự vận động của các xu hướng chủ yếu của NAM sẽ quy định triển vọng phát triển của Phong trào giai đoạn trước mắt cũng như sau này. Với những chuyển biến tích cực, NAM nhất định sẽ tiếp tục giữ được vị trí xứng đáng trong đời sống chính trị thế giới và quan hệ quốc tế sôi động hiện nay.
Thùy Linh