Phòng bệnh hô hấp lúc giao mùa ra sao?
Bệnh nhi nằm điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Những ngày qua số trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Nhiều người nghĩ đơn giản sổ mũi, viêm mũi, viêm họng chỉ là bệnh nhẹ và chủ quan dẫn đến bệnh nặng hơn là viêm phế quản, viêm phổi...
Chị X.H. có con đang điều trị viêm phế quản, lo lắng: "Bé nhà tôi được 10 tháng tuổi, gần đây thời tiết thất thường nên bé sổ mũi, viêm họng, sau đó ho liên miên mà không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù đã cho bé uống nhiều thuốc. Vì ho nhiều nên bé không ngủ được, thường xuyên tỉnh dậy giữa đêm".
Thời tiết thay đổi - "cửa ngõ" cho viêm họng
Họng là đường ăn và đường thở nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Theo các bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng, có nhiều tác nhân gây viêm họng như môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, không khí ô nhiễm...; các tác nhân gây bệnh như virút, vi khuẩn, vi nấm... và sự chủ quan của bản thân (uống nước lạnh thường xuyên, ăn nóng và cay, hút thuốc lá...).
TS Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn tai - mũi - họng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM - cho biết bệnh xuất hiện nhiều nhất khi thời tiết có sự thay đổi từ nắng nóng sang mưa lạnh hoặc ngược lại, lúc này độ ẩm trong không khí lúc tăng cao lúc hạ thấp nên cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virút, vi khuẩn hoạt động mạnh, thời tiết thay đổi chính là "cửa ngõ" cho viêm họng.
Đặc biệt, đối với trẻ em dưới 5 tuổi, vì hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém, cộng thêm đường thở của trẻ còn ngắn và hẹp nên virút, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Chính vì vậy, trẻ không đủ sức để chống chọi sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Triệu chứng
Bác sĩ Nguyễn Trương Khương (khoa tai - mũi - họng Bệnh viện FV TP.HCM) cho hay khi bệnh mới chớm, người bệnh thường bị ngứa mũi, hắt hơi, nóng trong họng, cảm giác đau rát ngày càng tăng lên khi nói và ho. Một số trường hợp có hạch gây sưng và đau cổ họng.
Sau đó, người bệnh có biểu hiện sốt cao 39 - 40 độ C, rát cổ họng, khàn tiếng, ớn lạnh, nhức đầu, uể oải khắp người, ăn ngủ kém... và có thể kèm theo những biểu hiện khác như trên bề mặt amiđan viêm to và có chất nhầy trong (có khi có màu trắng đục), hạch cổ sưng, ngạt mũi, khó thở, vì thế người bệnh lúc nào cũng muốn khạc, hắng giọng.
Điều trị thế nào?
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm họng. Tuy nhiên, bệnh do virút gây ra nên tất cả các phương pháp điều trị đều là điều trị triệu chứng.
Khi mới phát bệnh, người bệnh cần giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước, giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, tăng cường vận động, tránh những tác động của môi trường (khói bụi, mưa, gió...). Đồng thời sử dụng một số biện pháp hỗ trợ như uống trà gừng hoặc uống xirô thảo dược...
Khi áp dụng những biện pháp trên mà bệnh không thuyên giảm, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng thăm khám và điều trị kịp thời.
ĐBSCL: bệnh tay chân miệng lây lan nhanh Thời tiết thất thường khiến dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang tăng cao tại một số khu vực ĐBSCL, gây khó khăn cho quá trình kiểm soát dịch. Đặc biệt, mối lo của các địa phương là ổ dịch lây lan tại các trường mầm non, tiểu học, nếu không được phát hiện kịp thời. Tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, những ngày đầu tuần tiếp nhận điều trị khoảng 100 ca mắc tay chân miệng, phần lớn là trẻ em 2 - 9 tuổi đến từ Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang... Số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ, tính đến giữa tháng 10 đã ghi nhận trên 730 ca, tăng hơn 100 ca so với cùng kỳ năm 2016. Tại tỉnh Đồng Tháp đã ghi nhận trên 4.170 ca, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2016. Còn tại An Giang, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết đã có gần 2.000 ca được phát hiện, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2016. Tỉnh Vĩnh Long cũng có số ca mắc tăng gần 1.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016... Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ - dự báo đỉnh dịch tay chân miệng là tháng 9, 10 và kéo dài đến tháng 11. Do dịch lây lan nhanh trong các môi trường công cộng, trường học... nên cần chủ động tập huấn cho các trường cách phát hiện sớm ca bệnh, cách ly kịp thời. Thường xuyên vệ sinh tẩy rửa đồ dùng, đồ chơi ở trường, vệ sinh tạo môi trường sạch sẽ ở trường học... Bệnh lây qua đường miệng, ăn uống nên các gia đình cần chú ý giữ gìn vệ sinh nhà cửa, rửa đồ chơi của trẻ bằng xà phòng, cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, người nấu ăn cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh... Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông... thì phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh lây lan cho trẻ khác. |
Theo tuoitre.vn