Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đi nước ngoài không phải để vui vẻ vài hôm rồi về
Ngày 29/8, tại Hà Nội, trong buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự đề xuất để phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã, thì cho phép tổ chức này được tham gia đoàn công tác Trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia và được phép tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác địa phương; cho phép Liên minh Hợp tác xã được nhận các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành của Chính phủ...
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã cũng đề nghị Chính phủ, các ban, bộ, ngành tạo điều kiện cho Liên minh Hợp tác xã mở rộng quan hệ quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường, kêu gọi các nguồn lực tài chính, dự án ODA viện trợ hoàn lại và không hoàn lại. Liên minh Hợp tác xã đề xuất được cử một số đoàn nghiên cứu kinh tế hợp tác một số nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Indonesia, Nga...
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Thành Chung
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc tổ chức các chuyến đi công tác nước ngoài không phải để vui, mà phải thực sự hiệu quả. “Phải đi trên tinh thần tiết kiệm, đã đi phải có hiệu quả, chứ không phải đi nước ngoài để vui vẻ dăm ba hôm rồi về!”
Đáp lại đề nghị của lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn: “Các đồng chí hoạt động hiệu quả thì đi nước nào cũng được, đó là việc đối ngoại của các đồng chí, sao phải xin phép Chính phủ. Tuy nhiên, phải đi trên tinh thần tiết kiệm, đã đi phải có hiệu quả, chứ không phải đi nước ngoài để vui vẻ dăm ba hôm rồi về!”.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, tài chính cho các chuyến đi này phải là từ nguồn xã hội hóa, chứ không thể từ ngân sách Nhà nước.
Từ năm 2012, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu hạn chế tối đa việc đi công tác nước ngoài, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các lãnh đạo cần dành thời gian chỉ đạo, xử lý công việc theo nhiệm vụ được giao. Trường hợp đi công tác nước ngoài phải bảo đảm hiệu quả thiết thực và thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại thực sự cần thiết.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện cả nước có hơn 150.000 tổ hợp tác với trên 2 triệu thành viên; 43 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 29 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả.
Từ khi triển khai Luật hợp tác xã năm 2012, đã có 3.043 hợp tác xã thành lập mới. Đến đầu tháng 7/2016, có 9.189 hợp tác xã chuyển tiếp, đăng ký lại theo Luật hợp tác xã, chiếm 64% tổng số hợp tác xã cần chuyển tiếp, đăng ký lại.
Theo VnExpress