Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thuê dịch vụ Công nghệ thông tin, vướng nhất là trong tư tưởng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin (CNTT) 2006. (Ảnh: VGP/Đình Nam)
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin (CNTT) 2006, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Luật CNTT năm 2006 lần đầu tiên đề cập tới đầy đủ các trụ cột, khái niệm về CNTT như ứng dụng CNTT, hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp CNTT… như của thế giới. Nhờ vậy, CNTT từ hạ tầng đến ứng dụng, nguồn nhân lực, công nghiệp đều có bước phát triển. Tuy nhiên, không thể hài lòng vì CNTT còn nhiều vướng mắc từ khung khổ luật pháp, đến nhận thức, thói quen sử dụng CNTT trong bộ máy hành chính, người tiêu dùng, hay của chính người làm CNTT.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù CNTT được coi là nền tảng của nền tảng, tạo động lực cho các lĩnh vực khác, nhưng tốc độ thực hiện rất chậm, trước hết là trong cơ quan hành chính các cấp.
Phó Thủ tướng cho rằng, không phải tất cả là lỗi của những người làm CNTT, bởi để ứng dụng CNTT quan trọng nhất là phải chấp nhận thay đổi, chấp nhận mọi thứ phải được công khai minh bạch. Ví dụ trước đây chuyên viên xử lý tài liệu chậm không ai biết, không ai nói, ngâm cả tháng, cả năm thì đưa CNTT sẽ biết ngay hiệu quả làm việc của từng người. Sẽ không có chuyện cán bộ, công chức hôm nay giải quyết hồ sơ ghi “đồng ý” vào hồ sơ, hôm sau lại viết thêm “cần lưu ý”.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thuê dịch vụ CNTT thay vì thói quen “tự làm tất cả”.
“Làm sao các trung tâm tin học, các vụ, cục CNTT tự làm được các sản phẩm đủ cập nhật với thị trường? Các đồng chí có thể thu hút được một số người giỏi vào làm, nhưng chỉ sau mấy năm những người đấy cũng không thể cập nhật bằng bên ngoài. Vì thế, Chính phủ khuyến khích, quy định phải thuê DN CNTT cung cấp dịch vụ đến khâu cuối cùng. Có những cơ quan chủ trương thuê máy, thuê phần mềm thay là không đúng. Thuê ở đây là thuê dịch vụ cuối cùng”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: “Trong thuê dịch vụ CNTT có vướng mắc về quy định luật pháp, giá thuê, chi phí thuê nhưng vướng nhất là trong tư tưởng”. Đối với những băn khoăn liên quan đến an toàn, an ninh thông tin khi thuê dịch vụ CNTT, Phó Thủ tướng cho rằng phải bỏ cách nghĩ “thuê DN thì không bảo đảm an toàn”. Đây là vấn đề phải đặt ra ngay từ nêu đầu bài cho DN. Kinh nghiệm tại một số bộ, ngành cho thấy chưa tính đến lộ lọt thông tin, mà chỉ riêng tình huống hệ thống gặp sự cố sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải quyết công việc. Tham mưu đầy đủ, trung thực cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về vấn đề an toàn, an ninh thông tin phải là trách nhiệm của những người làm CNTT.
“Các tỉnh, thành phố hãy thuê dịch vụ CNTT đến từng dịch vụ công. Nếu bộ máy hành chính ứng dụng CNTT tốt sẽ lan toả tới DN, ra ngoài xã hội. Số lượng các dịch vụ công cấp 3, 4 được cung cấp tại các địa phương là chỉ số quan trọng để xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-truyền thông (ICT Index)”, Phó Thủ tướng gợi mở và cho rằng đây là cơ sở đẩy mạnh “hạ tầng mềm” cho CNTT, nhất là dữ liệu lớn, bên cạnh “hạ tầng cứng” là đường truyền cáp quang, tổng đài, máy tính…
Dẫn lại bài học từ các đề án tin học hoá trong quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết khi thuê dịch vụ CNTT thì DN cung cấp dịch vụ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để triển khai thay vì những đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách.
“Bằng việc đặt hàng thiết lập hệ thống tin học quản lý bảo hiểm giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, một cơ sở dữ liệu của hơn 90 triệu người Việt Nam với hơn 10 trường dữ liệu cơ bản đã được hình thành. Và chỉ cần có quy định quyền quản lý, sở hữu cơ sở dữ liệu là của cơ quan Nhà nước”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Tuy nhiên, để phát huy được nguồn cơ sở dữ liệu này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý “dữ liệu mà không liên thông, không sử dụng thì thành dữ liệu chết, manh mún”. Thực tế, hầu hết các đơn vị hiện nay đều có dữ liệu, nhưng ngay trong một bộ, ngành cũng không chia sẻ hoặc rất khó khăn. Nếu giải quyết được vấn đề này, kết nối được đây sẽ là nguồn tài nguyên vô cùng quý để mọi người dân, DN, DN khởi nghiệp sáng tạo cũng khai thác, phát triển các ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ KH&CN xây dựng Đề án kết nối dữ liệu tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Liên quan đến đào tạo nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng cho biết Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH đã ban hành các văn bản hướng dẫn rất cụ thể, đổi mới mạnh mẽ công tác này. Thay vì áp dụng các quy định như những ngành khác, giờ đây các cơ sở đào tạo CNTT liên kết chặt chẽ với DN. Những người làm CNTT trong DN nếu đủ các tiêu chuẩn có thể tham gia giảng dạy trong nhà trường. Sinh viên, học viên các ngành học khác nếu có nguyện vọng sẽ được tạo điều kiện chuyển sang học CNTT theo hướng học tại trường, làm tại DN.
Phó Thủ tướng “chốt lại” 3 yêu cầu khi tổng kết việc thực hiện Luật CNTT. Trước hết phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật về CNTT nói chung và đưa ra những khuyến nghị không chỉ liên quan đến Luật CNTT mà các luật khác. Trên cơ sở luật cơ bản, luật khung cần tiến tới xây dựng các luật chuyên sâu đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, không để “luật đợi nghị định, nghị định đợi thông tư”. Đồng thời, các xu thế phát triển mới của CNTT phải được nghiên cứu, kiến nghị đầy đủ.
Trong chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự lễ khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ LĐTB&XH.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng thực hiện nghi thức khai trương. (Ảnh: VGP/Đình Nam)
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết Đào Ngọc Dung quá trình triển khai Cổng Dịch vụ công trực tuyến được thực hiện theo phương thức thuê dịch vụ CNTT.
Giới thiệu về một số tính năng cơ bản của Cổng dịch vụ công trực tuyến, ông Đỗ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ LĐTB&XH) cho biết, Cổng là địa chỉ duy nhất đối với toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại Bộ LĐTB&XH.
Cho đến nay, Cổng đã kết nối với 5 dịch vụ công trực tuyến triển khai trong năm 2016 thuộc 3 lĩnh vực: Quản lý lao động ngoài nước; An toàn lao động; Việc làm.
Dự kiến trong thời gian tới, Cổng dich vụ công trực tuyến của Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục triển khai theo lộ trình: Năm 2017, kết nối lĩnh vực quan hệ lao động; Năm 2018, kết nối lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Từ năm 2019, kết nối toàn bộ các lĩnh vực còn lại.
Cùng với đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ sẽ triển khai việc chia sẻ dữ liệu liên thông với các bộ ngành và sẵn sàng liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ LĐTB&XH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến thể hiện “tinh thần tầm nhìn xa và việc làm rất cụ thể” khi Bộ LĐTH&XH quản lý về lao động và phúc lợi xã hội là 2 trong 6 lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến liên quan nhiều nhất đến người dân. Các lĩnh vực còn lại là giáo dục, y tế, tài chính, môi trường, tài nguyên.
“Các đồng chí đã thực hiện đúng theo tinh thần thuê dịch vụ CNTT, xây dựng một nền tảng chung để các DN khác cùng kết hợp, tham gia”, Phó Thủ tướng ghi nhận và mong muốn Bộ LĐTB&XH nhanh chóng mở rộng, cung cấp thêm nhiều dịch vụ công cấp độ 4, bắt đầu từ những dịch vụ người dân quan tâm nhất, có liên quan đến thanh toán. Đồng thời tiếp thu ý kiến phản hồi để cải tiến hệ thống, giao diện thuận lợi nhất cho người dùng.
Bên cạnh việc triển khai 242 dịch vụ thuộc thẩm quyền của mình, Bộ LĐTB&XH cần hướng dẫn đến tỉnh, huyện, xã, tiến tới kết nối và cổng dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, Chính phủ.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành tham khảo kinh nghiệm xây dựng cổng dịch vụ trực tuyến tương tự như Bộ LĐTB&XH để có thể triển khai đồng loạt dưới sự quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về kiến trúc, chuẩn kết nối và tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan. Từ đó sẽ kết nối được cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia để mọi tổ chức, cá nhân có thể sử dụng thuận lợi nhất.
Tuệ Lâm (t/h)