Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Thách thức lớn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN là đại dịch COVID-19
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc về hợp tác ứng phó COVID – 19. |
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Năm 2020 - năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, là một năm rất đặc biệt với nhiều thách thức lớn, trong đó nổi bật là sự lây lan nhanh chóng và tác động sâu rộng trên quy mô toàn cầu của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, năm 2020 cũng nổi lên nhiều thách thức phức tạp khác như cạnh tranh nước lớn quyết liệt, chủ nghĩa đa phương gặp nhiều khó khăn, luật pháp quốc tế không được tôn trọng ở nhiều nơi…”.
Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ ra rằng ASEAN là một trong những khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cũng là khu vực chịu nhiều tác động từ cạnh tranh nước lớn và các thách thức về địa-chiến lược khác. Bối cảnh thế giới, khu vực, yêu cầu tăng cường hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác đặt ra cho Việt Nam-Chủ tịch ASEAN 2020 nhiều nhiệm vụ nặng nề để củng cố đoàn kết nội khối, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, đối phó hiệu quả với các thách thức, mà trực tiếp nhất là những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Hợp tác ASEAN năm 2020 đã bị ảnh hưởng do tác động của COVID-19. Một số hội nghị, cuộc họp bị hoãn, hủy. Một số tiến trình đàm phán, trong đó có đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), chưa đạt tiến triển như mong muốn. Một số sự kiện như triển lãm quốc phòng và hoạt động duyệt binh hàng hải quốc tế 2020 đã không được tổ chức theo kế hoạch. "Dù vậy, do chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình mới, về cơ bản, ASEAN đã đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2020", Phó thủ tướng đánh giá.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (Ảnh: VGP/Hải Minh) |
Chia sẻ về việc tất cả các cuộc họp của ASEAN năm 2020 đều được tổ chức trực tuyến và những khó khăn, thách thức Việt Nam để đảm bảo họp trực tuyến hiệu quả, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, cách thức chuẩn bị, thu xếp về nội dung, chương trình, hậu cần, kỹ thuật, truyền thông…đều phải có những thay đổi so với tổ chức họp trực tiếp. Điều này đặt ra một số yêu cầu cần giải quyết như đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật, bố trí đường truyền ổn định với tốc độ cao; Đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin; và thu xếp, hài hòa thời gian và chương trình nghị sự của các hoạt động vì liên quan đến nhiều múi giờ trên toàn cầu.
“Với quyết tâm cao và sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các đối tác trong và ngoài ASEAN, Việt Nam đã khắc phục được các khó khăn về kỹ thuật, công nghệ; tổ chức thành công và hiệu quả tất cả các Hội nghị, cuộc họp quan trọng của ASEAN bằng hình thức trực tuyến, đảm bảo trang trọng, thực chất, an toàn” - ông Phạm Bình Minh khẳng định.
Đánh giá về thành tựu quan trọng nhất mà ASEAN đạt được trong năm 2020, Phó thủ tướng nhấn mạnh "đoàn kết nội khối được củng cố, vai trò và uy tín của ASEAN được nâng cao, các ưu tiên hợp tác của ASEAN tiếp tục được thúc đẩy và có nhiều bước tiến mới".
Theo đó, đà xây dựng Cộng đồng ASEAN vẫn được giữ vững, các mục tiêu và kế hoạch đề ra cho năm ASEAN 2020 đều cơ bản hoàn tất: Hoàn thành kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng ASEAN ở cả 3 trụ cột chính trị; an ninh; inh tế và văn hóa-xã hội. ASEAN đã đưa ra định hướng soạn thảo tầm nhìn ASEAN sau 2025; xác định phạm vi rà soát việc kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN sau 12 năm có hiệu lực; gắn phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển vào các chương trình hợp tác của ASEAN.
Phối hợp tốt trong chống Covid và phục hồi kinh tế: chính thức vận hành Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, hoàn thành xây dựng khung phục hồi tổng thể ASEAN và kế hoạch triển khai; lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
Vai trò trung tâm của ASEAN được tăng cường, ASEAN đóng vai trò ngày càng tích cực trong thúc đẩy hòa bình và duy trì ổn định ở khu vực. Lập trường cơ bản của ASEAN về các vấn đề hòa bình, ổn định và an ninh khu vực được duy trì vững chắc và nhất quán. ASEAN đã phát huy vai trò tích cực trong các vấn đề nóng của khu vực và quốc tế như Biển Đông, Bang Rakhine, Myanmar, tình hình Bán đảo Triều Tiên, hòa bình ở Trung Đông…Các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM + tiếp tục phát huy vai trò tích cực, nội dung ngày càng thực chất hơn.
Quan hệ đối ngoại ASEAN tiếp tục phát triển. Trong năm 2020, ASEAN đã kết nạp thêm 3 thành viên tham gia Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện Đông Nam Á (TAC) gồm Cuba, Nam Phi và Colombia. ASEAN cũng đã thông qua việc trao quy chế Đối tác Phát triển cho Pháp và Italia. Quan hệ ASEAN-EU được nâng lên tầm Đối tác chiến lược.
Liên kết kinh tế, tự do thương mại đa phương được tiếp tục thúc đẩy với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực được ký kết bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 sau 8 năm đàm phán khó khăn, minh chứng cho cam kết và niềm tin của ASEAN vào hệ thống thương mại đa phương rộng mở, minh bạch và công bằng.