Phó chủ tịch xã chưa học hết cấp 2 vẫn có bằng đại học
Trụ sở UBND xã Hoà Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: VTC News
Tất cả đều là giả
VTC News ngày 15/12/2015 đưa tin nhiều cán bộ địa phương và người dân thôn Kim Phát, xã Hoà Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã có đơn thư tố cáo ông Phó Chủ tịch xã khai man lý lịch.
Người dân địa phương cho biết, ông Đinh Công Thiện sinh ra và lớn lên ở xã Hoà Hiệp, bạn bè của ông và người dân trong xã ai cũng biết ông Thiện còn chưa học hết cấp 2, vậy mà lại "lên" được đến chức Phó Chủ tịch xã.
"Ông ấy còn chưa học xong THCS, cả xã này ai mà không biết, thế mà ổng vẫn có bằng tú tài ở Nam Định đấy", một người dân cho hay.
Tong báo cáo về lý lịch của ông Phó Chủ tịch xã Đinh Công Thiện có 2 văn bằng, một của hệ tại chức do sở giáo dục tỉnh Nam Định cấp ngày 20/9/1999 và một của trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cấp ngày 15/2/2007.
Tuy nhiên, theo điều tra của PV, cả hai đơn vị trên đều khẳng định không có tên ông Đinh Công Thiện ở Đắk Lắk trong danh sách cấp bằng. Nghĩa là cả 2 tấm bằng trên đều là giả.
Trả lời PV về vụ việc này, ông Lê Văn Hiệp - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Hiệp cho hay: "Phản ánh của người dân địa phương là đúng sự thật, ông Thiện cũng đã thừa nhận với cơ quan là sử dụng văn bằng giả trong suốt quá trình công tác. Đảng ủy cũng đã gửi văn bản yêu cầu ông Thiện viết tường trình".
Hồi tháng 8/2015, ông Thiện được đề cử vào chức vụ phó Bí thư Đảng uỷ nhưng do có nhiều đơn thư tai tiếng nên lãnh đạo huyện uỷ Cư Kuin đã không phê chuẩn.
Ông Lê Thái Dũng - Bí thư huyện uỷ huyện Cư Kuin xác nhận, lãnh đạo huyện đã khẳng định 2 tấm bằng của ông Thiện không có giá trị.
Bên cạnh đó, đơn phản ánh của người dân ngoài việc tố cáo ông Đinh Công Thiện khai man nhiều điểm trong lý lịch để được vào làm việc trong cơ quan Nhà nước, được kết nạp Đảng và thăng tiến nhiều vị trí quan trọng; thì còn "tố" ông này trong khi giữ chức Chủ tịch HTX Công nghiệp và Dịch vụ xã Hoà Hiệp đã có hành vi chiếm đoạt, làm thất thoát số tiền lớn do nhân dân đóng góp, không công khai tài chính, không thoái trả tiền điện cho nhân dân thôn Kim Phát.
Cũng theo VTC News, huyện Cư Kuin đang hoàn tất quy trình xác minh, kiểm điểm, sau đó sẽ ra kết luận, xử lý nghiêm minh.
Phó bí thư và Phó Chủ tịch HĐND phường cùng xài bằng giả
Người Lao Động cũng từng đưa tin vào chiều 22/4/2015, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Phú Vang đã tiến hành họp nhằm báo cáo với thường vụ huyện ủy Phú Vang về 3 trường hợp là cán bộ thuộc xã Phú Mỹ và Phú Thượng có hành vi sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp.
Theo ông Mai Xuân Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Phú Vang, cơ quan này đã xác định 3 cán bộ có bằng giả là: ông Lê Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng; ông Đào Hữu Truyền, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ và ông Hoàng Công Phương, Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Mỹ.
Ngày 7/4, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản xác minh văn bằng tốt nghiệp gửi Công an huyện Phú Vang, khẳng định bằng tốt nghiệp THPT của ông Kiên vào năm 2014 không hợp pháp.
Theo đó, ông Kiên không dự thi tốt nghiệp THPT khóa ngày 2/6/2014 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế; bằng tốt nghiệp THPT của ông Kiên mang số hiệu A09883 với số vào sổ cấp bằng 09883/BS_2014 không phải do sở này cấp phát. Năm 2013, ông Kiên đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và mặt chính quyền do sử dụng bằng giả tốt nghiệp THPT ghi năm 1988. Ông Nguyễn Tấn Lý, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, cho biết sau khi bị kỷ luật, tập thể UBND xã Phú Thượng đã tạo điều kiện cho ông Kiên đi học một năm để thi tốt nghiệp nhưng không hiểu vì sao tấm bằng thứ 2 lại là bằng không hợp pháp.
Theo bản tự kiểm điểm gửi cấp trên, ông Kiên thừa nhận sau khi bị kỷ luật ông không đi học tại trường nào mà tự mua tài liệu ôn thi. Đến khoảng tháng 4/2013, ông Kiên gặp lại một người bạn cũ tên là Hồ Kỳ Nh., trú TP Huế, tại một trung tâm luyện thi nên kể về việc mình muốn thi tốt nghiệp. Sau đó, ông Nh. bảo ông Kiên đưa cho mình hồ sơ cùng 3,2 triệu đồng. “Đến ngày thi, ông Nh. nói rằng tôi là người lớn tuổi, đã đi bộ đội nên được xét đặc cách tốt nghiệp mà không cần thi” – ông Kiên kể.
Ông Kiên khẳng định ông và Nh. cùng đến Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế lấy bằng tốt nghiệp nhưng ông chỉ ngồi ngoài chờ. “Việc này tôi đã trình bày với cấp trên và đề nghị làm rõ xem phôi bằng của mình là thật hay giả”- ông Kiên nói.
Tương tự, bằng của ông Đào Hữu Truyền được cấp vào năm 1998 cũng được xác nhận là giả. Ông Truyền thừa nhận tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó ông dự thi tại hội đồng thi huyện Phú Vang nhưng bị thiếu điểm nên trượt tốt nghiệp.
Ông Mai Xuân Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Phú Vang, khẳng định những cán bộ này đều do thường vụ huyện ủy Phú Vang quản lý nên việc xử lý kỷ luật sẽ do cơ quan này quyết định, báo Người Lao Động cho biết.
PV tổng hợp