Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự gặp mặt các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức Pháp ngữ
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào đón các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam. |
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Nhóm NSHN Việt Nam - Pháp, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc gặp mặt.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cuộc gặp mặt diễn ra ngay trước thềm những hoạt động quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ. Trong tháng 11 này, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 được tổ chức tại Djerba, Tunisie với những định hướng chiến lược mới cho tương lai của cộng đồng. Về phía Quốc hội Việt Nam, tới đây, Phân ban Việt Nam trong APF sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Vùng châu Á - Thái Bình Dương trong APF từ ngày 28 – 30/11/2022 tại Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết, đầu tháng 12, Quốc hội Việt Nam sẽ đón tiếp Chủ tịch Thượng viện Pháp thăm chính thức Việt Nam. Việc tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng Pháp ngữ và triển khai quan hệ với các nước thành viên Pháp ngữ khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu |
Khẳng định Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và các nước thành viên trong Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là: hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa - ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Đây cũng là những mục tiêu mà Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, sau hơn hai năm ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đến nay cơ bản kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thành quả này có được, bên cạnh quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, là nhờ sự ủng hộ, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước thành viên Pháp ngữ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong tổng thể hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam; đã góp phần tăng cường sự hiểu biết của bạn bè quốc tế về Việt Nam, đẩy mạnh quan hệ hợp tác liên nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện các nước, thông qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước, xác lập vị thế của Quốc hội Việt Nam trong nền ngoại giao nghị viện thế giới hiện nay. Trong thành công chung đó, có sự đóng góp tích cực của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam qua các nhiệm kỳ của Quốc hội.
Quang cảnh cuộc gặp mặt. |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, thông qua hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, các đại biểu Quốc hội Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với Nghị sĩ các nước, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam và hoạt động của Quốc hội Việt Nam, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, hợp tác văn hóa, khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, giao lưu và thúc đẩy hợp tác địa phương. Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước đã triển khai nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các đối tác của Quốc hội các nước, hoạt động giao lưu giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với các đoàn khách quốc tế thăm Việt Nam, với đoàn ngoại giao các nước. Từ đó đã thiết lập một kênh quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội hoan nghênh những sáng kiến và sự tích cực của Nhóm NSHN Việt Nam - Pháp, Phân ban Việt Nam trong APF, cùng với sự đóng góp tích cực của các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, đã triển khai những hoạt động hết sức có hiệu quả. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng chắc chắn rằng, cuộc gặp gỡ sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội và các đối tác; đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước và mở ra những trao đổi, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. |
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong những năm gần đây, nhiều hoạt động quan trọng của APF đã được tổ chức ở Việt Nam như: Hội nghị cấp Ủy ban của APF, các hội thảo chuyên đề. Tháng 2.2019, Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chứ thành công Hội nghị của Ủy ban Giáo dục, truyền thông, văn hoá và Hội nghị Mạng lưới nữ nghị sĩ. Đây là lần đầu tiên một Phân ban trong APF có sáng kiến tổ chức hai hoạt động cấp Ủy ban, mạng lưới. Ngay tiếp đó, Phân ban Việt Nam trong APF đã tổ chức hội thảo chuyên đề, tạo sự quan tâm, thu hút đông đảo đại biểu quốc tế, các tổ chức, thể chế Pháp ngữ trong khu vực tham dự. Sáng kiến về mô hình tổ chức này được APF đánh giá cao và được nhiều Phân ban khác trong APF học hỏi cách thức tổ chức.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, APF đánh giá cao vị trí quan trọng của Việt Nam trong tổ chức, góp phần tăng cường sự hiện diện của APF, nâng cao vao trò của Cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về hoạt động của Nhóm NSHN Việt Nam - Pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Nhóm đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác, tăng cường hiểu biết, sự tin cậy lẫn nhau; là kênh trao đổi thường xuyên, cầu nối tích cực đóng góp hiệu quả vào việc hoạch định và thực thi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Tại cuộc gặp mặt, các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam đánh giá cao hoạt động của Phân ban Việt Nam trong APF và Nhóm NSHN Việt Nam - Việt Nam trong việc góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ. Các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức Pháp ngữ cũng cho rằng, cuộc gặp mặt là dịp để hai bên trao đổi phương hướng phối hợp nhằm mở rộng mạng lưới hợp tác, tạo cơ chế tham vấn thường xuyên, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật và các lĩnh vực cùng quan tâm.