Phim, tiểu phẩm hài nhảm tràn ngập thị trường giải trí
Hài trở thành món ăn chính trong thực đơn tiếp thị của các đơn vị làm nghệ thuật. Sự lạm dụng quá mức yếu tố gây cười trong các chương trình giải trí khiến khán giả chán ngán với những câu chuyện vừa nhàm, vừa nhảm.
Diễn viên chính kịch cũng chuyển qua diễn hài
Trước khi phim hài làm mưa làm gió ở các rạp chiếu, hàng loạt game show có sự tham gia của các danh hài đã rầm rộ trên truyền hình, từ "Gặp nhau cuối tuần" đến "Chém chuối cuối tuần", "Thách thức danh hài", "Ơn giời cậu đây rồi" đến "Diêm vương xử án", "Hội quán tiếu lâm", "Câu chuyện đêm chủ nhật", "Cười là thua"…
Các chương trình này đều chiếm những khung giờ phát sóng quan trọng trên các đài truyền hình Trung ương và địa phương. So với miền Bắc, miền Nam vẫn là thị trường hoạt động nghệ thuật sôi nổi với hàng chục, hàng trăm bộ phim, chương trình truyền hình khai thác yếu tố hài hước để phục vụ khán giả.
Một số diễn viên hài gạo cội như Bảo Chung, Hồng Tơ từng khẳng định sẽ không bao giờ xuất hiện trên gameshow vì chúng nhàm chán và nhảm nhí. Nhưng trước lời mời hấp dẫn từ nhà sản xuất, họ sau đó đều lần lượt tham gia gameshow với tư cách người chơi, chịu đủ thử thách oái ăm của những người họ từng coi là đàn em.
"Chúng tôi quay lại để đáp ứng yêu cầu của khán giả. Hơn nữa, tôi thích những chương trình tương tác không có sẵn kịch bản. Chúng thể hiện sự nhanh trí của người chơi chứ không phải những hành động bông đùa nhảm nhí chọc cười người khác hoặc để cho người khác đánh giá mình", Bảo Chung giải thích về lý do anh tham giam chương trình "Hội quán tiếu lâm".
Game show hài quy tụ từ nghệ sĩ gạo cội đến nghệ sĩ trẻ.
Trào lưu làm phim hài cũng tạo ra một loạt tên tuổi diễn viên, kịp tỏa sáng với cátxê cao ngất ở tuổi còn rất trẻ như Trấn Thành, Trường Giang, Anh Đức, Thu Trang… Nhu cầu cần diễn viên hài cao đến mức một số nghệ sĩ từng ra nước ngoài định cư, cũng thường xuyên trở về trong nước hoạt động như Việt Hương, Thúy Nga.
Một số nghệ sĩ khác, ngoài cát - xê lên tới hàng trăm triệu đồng một gameshow hay hàng tỷ đồng cho một lần xuất hiện trên phim điện ảnh, còn có quyền đưa ra những đòi hỏi vô lý mà nhà sản xuất phải đáp ứng. "Hoài Linh tối kỵ hai chữ giả gái khi xuất hiện trên báo. Trong hợp đồng ký với nhà sản xuất bao giờ cũng có điều khoản này, dù thực tế, trên sân khấu khán giả thấy rõ anh đang hóa trang thành phụ nữ", đại diện một nhà sản xuất cho biết.
Trào lưu phim hài, gameshow hài rầm rộ đến mức nhiều diễn viên chính kịch nổi tiếng cũng trở thành diễn viên hài. NSƯT Việt Anh cho biết, nhiều năm nay anh không diễn kịch mà chủ yếu tham gia phim truyền hình, phim điện ảnh. Trước đó, trên lĩnh vực sân khấu, anh gây dấu ấn mạnh mẽ trong các vở Lôi Vũ, Dạ cổ hoài lang…
Nhiều năm nay, khán giả màn ảnh nhỏ quen với những vai ông già tưng tửng, "khùng không giống ai" của Việt Anh. Đóng hài thường xuyên, Việt Anh vẫn khao khát có được vai chính kịch, vai bi để đời. "Sân khấu nhiều năm nay không có vở hay. Nếu có vai diễn hay, tôi sẵn sàng từ chối những vai hài bên phim ảnh để được một lần sống chết với nghệ thuật", Việt Anh tâm sự.
Hữu Châu trong vai ông già khó tính phim “Bếp của mẹ”.
Ngoài Việt Anh, một loạt nghệ sĩ chuyên trị vai chính kịch trước kia cũng chuyển qua hài. Phương Dung từng nổi danh với vai phản diện Tào Thị trong phim "Phạm Công Cúc Hoa" giờ được lựa chọn cho những vai ô sin, mẹ chồng ghê gớm, tưng tửng và đỏng đảnh. Hữu Châu, Lê Bình cũng trở thành cái tên ưu tiên cho vai những ông già độc thân khó tính, ẩm ương với những phát ngôn "bá đạo" trong các bộ phim truyền hình.
Thị trường giải trí TP Hồ Chí Minh luôn hào phóng với các nghệ sĩ hài. Từ những thập kỷ của thế kỷ trước, hàng loạt ngôi sao cải lương thất thế, các diễn viên ngôi sao thời "mỳ ăn liền" đều sống được nhờ tấu hài trên các sân khấu như Tiểu Bảo Quốc, Tấn Beo, Ngọc Giàu, Lý Hùng, Công Hậu, Phương Dung… Nhu cầu của khán giả miền Nam nhìn chung vẫn cởi mở, dễ dãi hơn khán giả miền Bắc.
Ở góc nhìn của khán giả, Thiên Ân, sinh viên Trường Sân khấu điện ảnh cho rằng, đã gọi là giải trí thì phải chạy theo nhu cầu khán giả. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, người dân chỉ thích thưởng thức những sản phẩm nhẹ nhàng, gây cười càng tốt để xả hết những stress trong ngày do công việc mang lại.
"Việc các bộ phim, chương trình hài lên ngôi đều xuất phát từ thực tế có cung thì có cầu. Đến một giai đoạn nào đó, sẽ lại có loại hình nghệ thuật khác lên ngôi tương ứng với nhu cầu khán giả", Thiên Ân nhận định. Khi trào lưu hài lên ngôi, sân khấu chính kịch bị cạnh tranh khán giả gay gắt.
Chỉ cần ngồi nhà, người xem không mất tiền vẫn có thể thưởng thức hàng loạt bộ phim, game show khiến họ cười sảng khoái. Muốn tồn tại, các sân khấu buộc phải thay đổi thực đơn vở diễn, từ kinh dị đến hài - kinh dị hoặc hài hoàn toàn trong một vở diễn. Bà bầu Hồng Vân của Sân khấu Kịch Phú Nhuận từng thừa nhận, một năm, sân khấu chỉ làm vài vở chính kịch để đi hội diễn, còn lại, thù lao nuôi sống diễn viên vẫn là những vở giải trí mang yếu tố kinh dị và hài.
Diễn viên Hữu Nghĩa - người đạo diễn nhiều vở kịch kinh dị của Sân khấu Kịch Sài Gòn khẳng định, ở giai đoạn hiện tại, giải trí là để phục vụ khán giả, còn những tác phẩm nghệ thuật chỉ để mang dự thi. "Bên cạnh hài, kinh dị cũng là đề tài được khán giả ưa chuộng. Chúng tôi kết hợp hài - kinh dị trong các vở kịch nên sân khấu vẫn sống khỏe, không đến nỗi khắc khoải như nhiều người nghĩ", anh nói.
"Bật tivi là thấy gameshown hài, phim hài, ra rạp cũng đầy poster phim hài, thậm chí sân khấu cũng tận dụng triệt để diễn viên hài để dựng vở", một biên kịch, đạo diễn truyền hình cho biết.
Muôn vàn kiểu khai thác tiếng cười
Khi nhấn vào đề tài đồng tính, các đạo diễn thường chú trọng khai thác hình thể, ngôn ngữ của nhân vật để tạo ra tiếng cười. Cũng vì mục đích này mà hình ảnh người đồng tính thường bị làm quá trên màn ảnh. Từ má mì của Anh Vũ trong "Gái nhảy", hình ảnh của người đồng tính trong phim thường được mặc định là ăn mặc, trang điểm lòe loẹt, cử chỉ ẻo lả, ngôn ngữ lả lướt, hay hờn dỗi hoặc sẵn sàng nổi khùng khi bị trêu chọc.
Tạo hình của Thái Hòa trong phim “Để Mai tính”.
Đến "Để mai tính", Thái Hòa nhập vai người đồng tính đạt đến mức nhiều người lầm tưởng ngoài đời anh cũng gặp vấn đề về giới tính, nhất là sau sự kiện anh và vợ, nghệ sĩ Cát Phượng chia tay.
Việc khai thác hình thể, ngôn ngữ nhân vật khiến các bộ phim dễ bị đánh giá là hài nhảm bởi câu chuyện rời rạc, trong khi nhân vật bị làm lố so với thực tế. Mới đây, khi "Hy sinh đời trai" ra rạp, quy tụ hơn 30 tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng, người xem đi từ thất vọng này đến thất vọng khác bởi câu chuyện nhạt nhẽo, diễn viên đóng phim như diễn tuồng, nhân vật chính lúc nào cũng ôm khư khư cây đàn trên vai như các hiệp sĩ ngày trước đeo kiếm để chứng tỏ mình là võ sĩ.
Phim "Hy sinh đời trai"
Rút kinh nghiệm từ các bộ phim thất bại, một số nhà sản xuất tập trung khai thác yếu tố hài hước dựa trên tình huống của nhân vật. Cách làm này có ưu điểm là cần một kịch bản có đường dây chặt chẽ, diễn viên thông minh, biết ứng biến với mọi tình huống trong kịch bản nên phim đỡ dở hơn so với hài hình thể.
Lật mặt" có thể được coi là bộ phim thành công khi khai thác mọi tình huống gây cười do Trường Giang và Lý Hải tương tác với nhau. Dù mô típ khai thác có nhiều yếu tố bắt chước phim nước ngoài, bị chê là "bựa", phim vẫn khiến người xem bị cuốn hút, không thấy nhàm chán so với những bộ phim từng được quảng bá rầm rộ như "Bộ ba rắc rối", "Siêu nhân X"…
Xu hướng hài dự báo sẽ còn tiếp tục lên ngôi trong các năm tới khi một số gameshow ca nhạc trịnh trọng mời các nghệ sĩ hài ngồi ghế giám khảo. Diễn viên trẻ mới ra trường, chưa xin được việc cũng nô nức nhập nhóm đi tấu hài trên sân khấu hội chợ, tại các quán cà phê nhỏ. Các sân khấu bắt đầu chuyển mình khi tập trung chuyển thể nhiều tiểu phẩm trào phúng của các tác giả Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan thành hài kịch…
Chạy theo nhu cầu của khán giả có lẽ là điểm mấu chốt khiến thị trường giải trí miền Nam sôi động hơn miền Bắc.
Theo Công An Nhân Dân