Phiến quân FARC ở Colombia bắt đầu giao nộp vũ khí
Cuối năm ngoái, FARC chính thức ký kết thỏa thuận hòa bình lịch sử với chính phủ Colombia, chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đây cũng là xung đột dai dẳng nhất các nước Mỹ Latin, khiến hơn 220.000 người chết và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.
Phát biểu hôm 28/2, một ngày trước khi phiến quân FARC giao nộp vũ khí, Cao ủy LHQ về hòa bình Colombia, ông Sergio Jaramilo cho hay: "Đó là sự khởi đầu của quá trình giải trừ quân bị, bao gồm việc giao nộp và tiêu hủy vũ khí, cất giữ vũ khí phụ".
Theo Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, tất cả lực lượng FARC sẽ giải giáp vào tháng 6. Tuy nhiên, một số quan chức FARC và LHQ cho rằng tiến trình giải trừ vũ khí có thể bị trì hoãn, trong bối cảnh cần giải quyết các vấn đề về hậu cần.
Một nhóm phiến quân FARC hoạt động tại Llanos del Yari, vùng Caqueta, Colombia. (Ảnh: Reuters)
Từ nhiều tuần qua, phiến quân FARC đã bắt đầu di chuyển trên bộ hoặc bằng thuyền, từ các căn cứ trong rừng núi, tới 26 khu giám sát của nhân viên LHQ để tiến hành giải giáp - Reuters cho hay.
Trả lời họp báo, lãnh đạo FARC Ivan Marquez thừa nhận có sự chậm trễ "rõ ràng" trong việc giải trừ vũ khí. Dù vậy, ông Marquez khẳng định: mọi thành viên FARC đều sẽ giao nộp vũ khí theo đúng kế hoạch ban đầu.
Theo các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình với chính phủ Colombia, FARC - khởi đầu là một cuộc nổi dậy của nông dân từ 52 năm trước - sẽ bỏ vũ trang và thành lập một đảng phái chính trị riêng tại quốc gia Nam Mỹ.
Phần lớn người dân Colombia ủng hộ thỏa thuận, nhưng cũng có một số thành phần phản đối. Những người này chỉ trích thỏa thuận đã quá khoan dung cho quân nổi dậy khi không đưa ra xét xử, phạt tù cho các hành động trước kia của FARC.
Hồng Anh