PCI 2017: Quảng Ninh vượt Đà Nẵng, vươn lên vị trí dẫn đầu
Quảng Ninh lần đầu vươn lên dẫn đầu
Xếp sau Quảng Ninh và Đà Nẵng (70,11 điểm) và Đồng Tháp (68,76 điểm). Quảng Ninh, Đà Nẵng và Đồng Tháp cũng là những địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh xếp ở mức rất tốt duy nhất tại lần lượt 3 miền Bắc, Trung, Nam. Năm ngoái, Đà Nẵng là địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất, xếp thứ 2 là Quảng Ninh. Năm nay, thứ tự đã thay đổi khi Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu.
Xếp sau 3 tỉnh dẫn đầu là các tỉnh Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam… Hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM xếp lần lượt là vị trí thứ 8 và 13.
Ở chiều ngược lại, Đắk Nông là tỉnh có chỉ số PCI thấp nhất cả nước (55,12 điểm). Xếp áp chót là Bình Phước (56,7 điểm) và Kon Tum (58,53 điểm). Đáng chú ý, nhiều tỉnh xếp nhóm cuối bảng chủ yếu đến từ vùng miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu…
Trong 5 lần được xếp hạng PCI, đây là lần đầu tiên Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng. Năm 2013 tỉnh này xếp thứ 4, năm 2014 xếp thứ 5, năm 2015 xếp thứ 3, năm 2016 xếp thứ 2 và năm 2017 vươn lên dẫn đầu.
Theo điều tra của VCCI, phần lớn các chỉ số thành phần đánh giá PCI của Quảng Ninh đều tăng điểm trong năm 2017 (7/10 chỉ số). Quảng Ninh đứng đầu chỉ số thành phần Gia nhập thị trường trong PCI 2017, với chỉ 6% doanh nghiệp phải chờ đợi trên một tháng cho việc có đủ các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động và trên 80% doanh nghiệp đánh giá thủ tục niêm yết công khai, cán bộ am hiểu chuyên môn, hướng dẫn rõ ràng, có thái độ thân thiện trong giải quyết đăng ký mới hay thay đổi thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Các chỉ số tăng điểm là tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…
Có 3 chỉ số của Quảng Ninh giảm điểm so với năm trước là gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết để đạt vị trí như hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực bền bỉ. Tuy nhiên, dư địa cải cách còn lớn, mục tiêu của Quảng Ninh phải tiếp tục phấn đấu tăng điểm bình quân chung, cải thiện các điểm số chưa cao.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, bức tranh PCI 2017 vừa được công bố có nhiều khởi sắc. Điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của Báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình. Điều này phản ánh rõ môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ. Hành trình chuyển lửa về các địa phương đã mang lại kết quả tích cực.
Ở cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện mạnh mẽ cho thấy tín hiệu tích cực về kết quả của nỗ lực phòng chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính mà Đảng, Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp đang thực hiện.
Doanh nghiệp cần nâng cấp về quản trị
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy. Theo khảo sát, có 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.
Vinh danh 5 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2017. (Ảnh: Huy Thắng)
Đáng chú ý, trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều bứt phá, rút ngắn một cách ngoạn mục khoảng cách với các tỉnh/thành phố thuộc nhóm tiên phong. Tác động cải cách đã lan tỏa. Trong đó, 5 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đầu tàu kinh tế của cả nước: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đã có cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành và lần đầu tiên đã góp mặt đầy đủ trong tốp 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm qua.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng môi trường kinh doanh theo PCI vẫn còn những điểm tối mà chúng ta chưa thể hài lòng. Đó là tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...
Vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, 28% DN vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức. Doanh nghiệp cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất.
Điều này cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính ở cấp các bộ ngành Trung ương cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở.
“Theo hướng này, chúng ta kỳ vọng yêu cầu cải cách cắt giảm bắt buộc tối thiểu 30-50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các bộ ngành theo Nghị quyết của Chính phủ sẽ là một giải pháp quan trọng”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn và có tính cạnh tranh hơn, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan, chính quyền các cấp mà còn ở chính cộng đồng doanh nghiệp. Chính quyền phải đẩy mạnh cải cách thể chế còn doanh nghiệp phải nâng cấp về quản trị để bắt kịp với những chuẩn mực toàn cầu.
Bảo Giang (t/h)