Ông Modi "biệt đãi" Thủ tướng Nepal, học giả TQ mỉa mai: Ấn Độ làm sao đọ kinh tế được với TQ
Từ ngày 23/8, Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ trong thời gian 5 ngày. Đây là chuyến công du Ấn Độ đầu tiên kể từ khi ông Deubu được bầu làm Thủ tướng Nepal.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn nguồn tin Ấn Độ cho biết, chuyến thăm này, ông Deuba đã dẫn đầu đoàn đại biểu hùng hậu của Nepal với 59 người, bao gồm 4 Bộ trưởng và 12 thành viên chính phủ. Ngoài ra, con có một phái đoàn đại diện thương mại đặc biệt.
The Paper (Trung Quốc) tiết lộ, trước cuộc hội đàm chính thức dự kiến diễn ra vào 24/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gây bất ngờ khi tiến hành một cuộc tiếp xúc không chính thức quy mô nhỏ với Thủ tướng Nepal vào ngày 23/8.
Theo báo Trung Quốc, cuộc gặp không chính thức này là "bước đệm", "bước khởi động làm nóng" giúp hai bên tiến hành thuận lợi cuộc hội đàm chính thức vào ngày thứ hai.
"Điều này được coi là một cách "biệt đãi" [đối với Nepal]", The Paper nhận định.
Đáng chú ý, tại buổi họp báo chung ngày 24/8, Thủ tướng Deuba khẳng định rằng: "Nepal sẽ không cho phép xảy ra sự việc làm tổn hại đến Ấn Độ - nước láng giềng thân thiết". Trong khi đó, Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại Ấn Độ S. Jaishankar tiết lộ, hai nhà lãnh đạo không đề cập đến vấn đề Trung-Ấn trong hội nghị.
Hoàn cầu cho biết, truyền thông Ấn Độ đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Nepal là cơ hội tốt, giúp New Delhi tìm kiếm sự đảm bảo của Nepal về những vấn đề nhạy cảm và dự đoán, "nhằm giành sự ủng hộ của Nepal, chính phủ Ấn Độ sẽ thông qua một loạt dự án lớn song phương".
Tuy nhiên, báo Trung Quốc dẫn lời chuyên gia nước này cho rằng, "Ấn Độ dùng sức ảnh hưởng truyền thống và cách thức liên kết kinh tế để tăng cường quan hệ song phương không phải là kế sách lâu dài; hơn nữa, New Delhi lại thường hứa suông".
"Về sức mạnh kinh tế, New Delhi e rằng không thể so sánh được với Bắc Kinh", học giả Trung Quốc chê bai.
Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh cuộc đối đầu Trung-Ấn leo thang căng thẳng, sự ủng hộ của các quốc gia láng giềng như Bhutan, Nepal... đối với Bắc Kinh hoặc New Delhi đều mang ý nghĩa quan trọng và có thể tạo bước ngoặt đáng kể.
Trước đó, ngày 14/8, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Uông Dương cũng tiến hành chuyến công du tới Nepal và ký kết loạt hồ sơ dự án kinh tế, kỹ thuật với số vốn tương đối lớn. Một số ý kiến cho rằng, chuyến công du của ông Uông chính nhằm lôi kéo nước này về với Bắc Kinh.
Mới đây, Trung Quốc đã đề nghị cung cấp gói hỗ trợ kinh tế lên tới 10 tỷ USD cho Bhutan với hy vọng Thimphu sẽ nhượng bộ trong tranh chấp lãnh thổ, từ đó loại bỏ sự hiện diện của quân đội Ấn Độ ở cao nguyên Doklam/Donglang.
Thủy Thu