Nước mắt hạnh phúc của mẹ già 36 năm nuôi con trai khờ, lớn tồng ngồng mà chỉ biết ú ớ cười đùa trong lồng sắt
Sau một tuần đăng tải bài viết: "Câu chuyện xúc động về mẹ: 36 năm nuôi con trai lớn tồng ngồng vẫn ngây dại bên mẹ già bệnh tật", trao đổi với chúng tôi ngày 11/9, bà Sơn Thị Quăn (72 tuổi, ngụ ấp Giữa, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) cho biết đã nhận được rất nhiều điện thoại thăm hỏi, giúp đỡ của mạnh thường quân từ khắp nơi để lo thuốc men, cơm nước cho anh Thạch Vọ (36 tuổi, bị viêm não thần kinh).
Nhờ có sự giúp đỡ của mọi người, hai mẹ con bà Quăn không còn cảnh chạy vạy cho từng bữa ăn nữa.
Nụ cười hạnh phúc của anh Vọ khi được ăn đồ ăn ngon.
Theo bà Quăn, tính đến thời điểm hiện tại, số tiền gia đình bà nhận được để trang trải cuộc sống, lên TP.HCM chữa bệnh cho cả hai mẹ con lên đến 60 triệu đồng. Đây là một số tiền vô cùng lớn đối với gia đình bà bởi trước đó, để có cơm ăn mỗi bữa, bà phải góp nhặt bán từng tấm vé số cho bà con xóm giềng.
"Bà mừng quá, trước giờ có bao giờ có được số tiền lớn như vầy đâu, nó giống như một phép màu vậy. Cái bụng bà sưng to lâu rồi nhưng mãi không có tiền để đi khám, cứ ngày nào cũng phải đi bán vé số cả, nghỉ một ngày là thằng Vọ phải nhịn đói. Nhiều lúc muốn mua một bữa cơm đầy đủ cá thịt cho con mà không đủ tiền. Nó lớn vậy chứ y như con nít, khờ khạo có biết gì đâu", bà Quăn nghẹn lời.
Dù đã 36 tuổi nhưng mọi hoạt động của anh Vọ đều được bà Quăn chăm sóc một cách chu đáo.
Sống cùng với đứa con trai khờ khạo, bà Quăn chỉ mong có được sức khỏe thật tốt để chăm con.
Nhìn đứa con trai lớn tồng ngồng, trần truồng trong lồng sắt khoảng 3m vuông, bước lại gần con, bà Quăn khẽ lau nước mắt. Dù đã 36 tuổi nhưng anh Vọ chỉ biết ú ớ cười đùa, đòi ăn mỗi ngày. "Mấy bữa nay được người ta cho đồ ăn ngon, thằng Vọ cũng đỡ quậy phá rồi. Nó còn biết làm duyên, xoa xoa cái bụng khoe được ăn cá thịt nữa. Nó có khùng điên gì cũng là con mình, bà già cả rồi, có thằng Vọ cũng đỡ buồn. Chỉ sợ là một mai bà chết đi, không biết nó sẽ sống như thế nào. Còn bây giờ bà hạnh phúc lắm", bà Quăn tâm sự.
Chiếc lồng sắt rộng khoảng 3m vuông là nơi anh Vọ ăn uống, tắm rửa mỗi ngày.
Để có tiền trang trải, bà Quăn phải đi bán từng tấm vé số ở khắp con xóm nhỏ.
Dù có tới 7 người con (1 người đã chết) nhưng đều đi làm ăn xa rồi có gia đình riêng, hoàn cảnh cũng khó khăn nên ở cái tuổi xế chiều, bà Quăn vẫn phải chăm sóc thuốc men, lo cơm nước cho người con trai út bệnh tật. Bệnh của anh Vọ tái phát từ năm 3 tuổi, anh bị sốt cấp tính viêm não thần kinh. Sau khi được gia đình đưa đi bệnh viện cứu chữa nhưng không khỏi, anh Vọ như một đứa trẻ, chỉ biết ú ớ cười nói suốt ngày.
Sau khi chồng mất, để có tiền trang trải cuộc sống, lo cơm nước, thuốc men cho anh Vọ, mỗi ngày bà Quăn phải thức dậy từ sáng sớm để lang thang khắp xóm để bán từng tấm vé số. Bất kể trời mưa hay nắng, bà Quăn chẳng một ngày nào dám ngơi nghỉ bởi bà biết, một ngày không đi làm là ngày đó anh Vọ sẽ không có cơm ăn.
Anh Vọ không chịu mặc quần áo, cứ mặc vô là xé bỏ, hay la hét khiến bà Quăn nhiều lúc cũng buồn lòng.
Vì tình thương con, bà Quăn cố gắng chịu đựng tất cả để chăm sóc tốt nhất cho anh Vọ.
Mưu sinh vất vả, cộng với tuổi già sức yếu, mấy tháng trở lại đây, bà Quăn bị bệnh, cái bụng ngày một sưng to nhưng không có tiền để đi bệnh viện chữa trị. Cũng nhờ có sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, sau khi chúng tôi chia sẻ thông tin về gia đình bà Quăn, nhiều người đã tìm đến hỗ trợ cho hai mẹ con bà Quăn tổng cộng khoảng 60 triệu đồng.
Rưng rưng nước mắt, bà Quăn xúc động nói: "Bà sẽ đi lên bệnh viện để khám bệnh, chứ cái bụng ngày một đau nhức, không chịu được nữa. Hi vọng bà sẽ không bị làm sao để tiếp tục mà lo cho thằng Vọ. Giờ chỉ còn mỗi hai mẹ con, phải nương tựa nhau mà sống".
Bà Quăn cho biết sau khi nhận giúp đỡ của mọi người, bà sẽ đi khám bệnh ở bụng bởi nó ngày một sưng to.
Hi vọng anh Vọ sẽ ngày một khỏe mạnh để giúp những ngày tháng cuối đời của người mẹ già có thêm nhiều niềm vui.
Có lẽ đối với bà Quăn, đến cái tuổi xế chiều, khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người, bà đã bớt phần nào cơ cực để chạy vạy lo cho từng bữa ăn của hai mẹ con. Hi vọng bằng tình yêu thương của bà dành cho con, anh Vọ sẽ ngày một mạnh khỏe, tỉnh táo hơn. Để lỡ sau này bà Quăn có mất đi, anh Vọ cũng có thể tự chăm sóc cho chính bản thân mình. Xin chân thành cảm ơn quý độc giả gần xa đã quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ hai mẹ con bà Quăn rất nhiều.
Văn Tiên