Núi lửa Agung phun trào, 150.000 người dân Indonesia phải sơ tán
Núi lửa Agung trên đảo Bali, Indonesia từng phun trào hồi năm 1963, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và nhiều ngôi làng bị tàn phá bởi dung nham, tro núi lửa và bùn đá trong thảm họa này.
Đài CNN dẫn thông tin từ Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia cho biết cảnh báo núi lửa đã được nâng lên mức cao nhất - mức 4, cho thấy núi lửa Agung, sau khi ngủ yên 54 năm qua, có khả năng sẽ "thức giấc".
CNN mô tả các cột khói từ đỉnh Agung bốc cao đến hàng ngàn mét, trong khi video quay được tại hiện trường cho thấy bùn đá (lahar) bắt đầu tuôn trào từ sườn núi. Lớp bùn này có lẫn với đá to, có thể làm hư hại nhà cửa, cầu đường trên đường nó quét qua, theo Hãng tin Reuters.
Cột khói cao khoảng 5km từ đỉnh núi lửa Agung. (Ảnh: Reuters)
"Các cột khói thường là báo hiệu của hiện tượng 'phun nổ' và các tiếng nổ có thể vang xa đến 12km tính từ đỉnh núi" - Cơ quan giảm thiểu thảm họa (BNPB) Indonesia cảnh báo.
Sau khi phun nổ, nhiều khả năng núi lửa Agung sẽ tiếp tục phun trào dung nham. Hiện tại, Chính quyền Indonesia đã tiến hành di tản khoảng 150.000 người. Cơ quan khẩn cấp Indonesia cho biết công tác sơ tán tới nay vẫn diễn ra trong trật tự, không hoảng sợ.
Thông cáo của Bộ giao thông Indonesia dẫn nguồn tin từ cơ quan quản lý hàng không địa phương cho biết các đường bay đã phủ đầy tro bụi phun ra từ ngọn núi lửa Agung.
Vì vậy, Bộ giao thông Indonesia thông báo kéo dài thời gian đóng cửa sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai thêm 24 tiếng vì ảnh hưởng tro bụi từ núi lửa Agung. Với thông báo này, sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai sẽ đóng cửa tới 7 giờ sáng giờ địa phương ngày 29/11.
Ước tính, ngành du lịch đảo Bali sẽ chịu thiệt hại ít nhất 110 triệu USD do tác động phun trào của núi lửa Agung.
Tuệ Lâm (t/h)