Nữ Đại sứ nước ngoài nói về bình đẳng giới ở Việt Nam
Đại sứ Ann Måwe và hai bạn gái được trao quyền đảm nhiệm vị trí Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam trong 1 ngày. (Nguồn: ĐSQ Thụy Điển tại Việt Nam) |
Đại sứ Thụy Điển: Việt Nam đi đúng hướng trong đảm bảo bình đẳng giới
Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong đảm bảo bình đẳng giới và đang đi đúng hướng trong lĩnh vực này.
Bà Ann Måwe chia sẻ, trong Hiến pháp năm 1946, bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam sau khi giành độc lập, quyền bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ đã được hiến định trong Điều 9 “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” và vào năm 2006, Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới. Chủ đề bình đẳng giới cũng được chú trọng và thể hiện trong quá trình xây dựng pháp luật như Luật Dân số, Luật Hôn nhân và gia đình…
Đánh giá cao “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030” của Việt Nam, nhà ngoại giao Thụy Điển cũng ấn tượng về mục tiêu khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp. Việt Nam phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc hoặc chủ doanh nghiệp đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Chiến lược cũng hướng tới giảm thời gian làm việc nhà của phụ nữ so với nam giới xuống 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030, cũng như lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào chương trình học các cấp.
Tại Việt Nam, phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia vào thị trường việc làm khá cao, đạt gần 70% và tương đương với tỷ lệ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), bao gồm Thụy Điển. Trong cơ cấu lực lượng lao động, phụ nữ chiếm gần một nửa, tạo ra khoảng 40% giá trị của cải cho đất nước - theo bà Ann Måwe, đây là một con số ấn tượng.
Nhà ngoại giao Thụy Điển cho rằng những nỗ lực của Việt Nam trong xóa bỏ bất bình đẳng giới thời gian qua rất đáng được ghi nhận.
Tuy nhiên, bà cũng khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cải thiện một số khía cạnh như bạo lực giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế-xã hội, hay tăng tỷ lệ nữ Bộ trưởng trong Chính phủ.
Thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1969, Thụy Điển triển khai hiệu quả nhiều chương trình hỗ trợ, hợp tác đa dạng với Việt Nam, trong đó có bình đẳng giới.
Trong thời gian tới, đất nước Bắc Âu tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam thông qua Liên hợp quốc và các sáng kiến khu vực của Tổ chức Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) và thúc đẩy bình đẳng giới vẫn là một trong những lĩnh vực ưu tiên giữa hai nước.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie (giữa) chụp ảnh cùng các nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam, tháng 10/2021. (Nguồn: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) |
Đại sứ Australia: Phụ nữ Việt Nam có thể ghi dấu ấn nhiều hơn nữa
Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie đánh giá cao sự hiện diện của phụ nữ trong Quốc hội và cho rằng Luật bình đẳng giới của Việt Nam là một ví dụ điển hình về cam kết của Chính phủ đối với mục tiêu bình đẳng giới.
Bà Robyn Mudie bày tỏ tin tưởng phụ nữ Việt Nam có thể ghi dấu ấn và hiện diện nhiều hơn nữa, đặc biệt với các vị trí Bộ trưởng, Thứ trưởng và các vị trí cấp cao trong các cơ quan, ban, ngành của Chính phủ.
“Khi phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo về chính trị, các chính sách sẽ được định hình dựa trên việc phản ánh nhu cầu và nguyện vọng của nữ giới, hay nói cách khác các vấn đề có liên quan đến phụ nữ, như chênh lệch tiền lương và bạo lực trên cơ sở giới sẽ được giải quyết một cách tôn trọng”.
Nữ Đại sứ cho biết, để đạt được sự bình đẳng ở các cấp cao hơn đòi hỏi một đội ngũ phụ nữ trẻ được truyền cảm hứng và trang bị kiến thức cũng như kỹ năng để đảm nhận các vị trí lãnh đạo.
Việc xây dựng đội ngũ này cần phải bắt đầu sớm, thông qua việc truyền tải thông điệp tích cực, tạo ra và thúc đẩy cơ hội cho trẻ em gái từ khi còn trên ghế nhà trường.
Về tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ điều hành, Australia có 35% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tương đương với tỷ lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, Đại sứ Robyn Mudie khuyến nghị cần tăng cường hơn nữa sự hiện diện của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong nền kinh tế và đây là vấn đề cấp thiết.
Theo nhà ngoại giao Australia, dù tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và làm chủ của Việt Nam cao so với các nước láng giềng. Song các doanh nghiệp này thường có quy mô hoạt động nhỏ hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ và gặp nhiều thách thức hơn trong việc tiếp cận nguồn tài chính để mở rộng và hỗ trợ hoạt động bền vững, có khả năng chống đỡ trước cú sốc kinh tế...
Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ là ưu tiên hàng đầu và lâu dài trong mối quan hệ giữa Australia với Việt Nam.
Bà Robyn Mudie khẳng định, sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực kinh tế hỗ trợ đẩy nhanh tăng trưởng đồng đều và bền vững ngày càng được công nhận trên thế giới. Điều này cần áp dụng ngay trong quá trình hồi phục sau những tác động kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.
Các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo thường sử dụng nhiều lao động nữ, cung cấp dịch vụ và sản xuất các sản phẩm cho phụ nữ. Điều này tạo ra một vòng tròn khép kín có ý nghĩa về mặt đạo đức, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phụ nữ.
Trong 5 năm qua, việc hỗ trợ phụ nữ trong kinh doanh đóng vai trò trung tâm trong quan hệ ngoại giao và hợp tác phát triển của Australia đối với Việt Nam.
Đại sứ Robyn Mudie cho biết có hai chương trình thể hiện rõ nhất sự ủng hộ của Australia đối với Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đó là Chương trình Đầu tư vào phụ nữ góp phần thay đổi tư duy trong hỗ trợ đầu tư tài chính phục vụ tăng trưởng kinh doanh của phụ nữ và Chương trình GREAT của Australia với mục đích thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại Sơn La và Lào Cai.