Nữ anh hùng ngăn nạn tảo hôn ở Ấn Độ
Được biết, thông qua tổ chức thiện nguyện Saarthi Trust mà mình tự lập ra, Kriti còn giúp đỡ xóa bỏ 29 cuộc hôn nhân của trẻ em ở tuổi vị thành niên, và đang hướng tới khôi phục quyền lợi xã hội cho hơn 6.000 trẻ em gái và 5.500 phụ nữ.
“Công việc này rất có ý nghĩa với tôi. Tôi nguyện dành trọn cuộc đời mình để giúp đỡ những đứa trẻ vốn không thể tự bảo vệ bản thân trước sức ép của gia đình” – Kriti tâm sự.
Nỗ lực hết mình vì sự tiến bộ của phụ nữ
Kriti Bharti bên những cô, cậu bé được giải cứu khỏi hôn nhân trẻ em
Mặc dù tảo hôn bị cho là bất hợp pháp, thống kê cho thấy hơn 40% số đám cưới “trẻ con” xảy ra ở Ấn Độ. Tình trạng này càng đặc biệt phổ biến ở Rajasthan – nơi Kriti đang tìm mọi cách để giải cứu các “cô dâu nhí” và cho các em cơ hội sống tốt đẹp hơn.
Kriti nhấn mạnh: “Sau khi bạn ngăn chặn một vụ tảo hôn, những bé gái bị đối xử như thành phần ở ngoài lề xã hội. Điều quan trọng là phải khôi phục quyền lợi của các em, và giúp các em hòa nhập với xã hội một lần nữa”.
Nhờ tổ chức Saarthi Trust (ST), trẻ em, gia đình và thậm chí là các hội đồng làng đều được tư vấn. Tình nguyện viên của ST đến các trường học và những nơi công cộng để giáo dục người dân về hậu quả của tảo hôn, đồng thời cung cấp đường dây nóng tiếp nhận mọi thông tin về bất cứ đám cưới “trẻ con” nào ở Rajasthan.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hủy bỏ các cuộc hôn nhân của trẻ vị thành niên, bởi việc này cần sự hợp tác của cả “cô dâu” và cha mẹ “chú rể”, cũng như các già làng. Trong một số trường hợp khó khăn nhất, Kriti và nhóm của cô thậm chí còn bị tấn công.
Mới đây nhất, Kriti đã đánh cược cả mạng sống để giải cứu một cô dâu 17 tuổi khỏi ông chồng lớn tuổi suốt ngày say xỉn, và đưa bé gái này tới nơi an toàn hơn. “Khi tôi phát hiện ra cô gái trẻ này, cô bé đang trốn sau một cái cây lúc 4 giờ sáng, giữa vùng sa mạc Rajasthan trong sợ hãi. Bé chẳng thể nói được gì, chỉ biết khóc thôi” – Kriti kể lại.
Kriti (ngoài cùng bên trái) bên cạnh các tình nguyện viên của tổ chức Saarthi Trust do chính cô sáng lập
Mối quan tâm chính của Kriti là giữ cho các bé gái được an toàn, đồng thời nỗ lực hết mình nhằm bãi bỏ những cuộc hôn nhân trẻ em. Đối với cộng đồng Bhandiawas ở địa phương, hủ tục giết người vì danh dự vẫn khá phổ biến, đe dọa mạng sống của nhiều thiếu nữ.
Cùng với đội ngũ tình nguyện viên, Kriti trò chuyện, tư vấn và thuyết phục gia đình 2 bên để xóa bỏ hôn ước giữa những đứa trẻ. Một số gia đình cuối cùng cũng hiểu ra vấn đề và chấp nhận hủy hôn ước, nhưng nhiều người khác thì không. Khi ấy, Kriti đành nhờ tới sự can thiệp của pháp luật.
Người hùng vươn lên từ gian khó
Được biết, tuổi thơ của Kriti vốn chẳng mấy êm đềm như bao bạn bè đồng trang lứa. Cha cô – một bác sĩ – đã bỏ rơi mẹ con Kriti ngay trước khi cô ra đời. Người thân đã khuyên mẹ của Kriti bỏ cái thai và tìm cách kết hôn với người khác, nhưng may mắn thay, việc đó đã không xảy ra.
Lúc còn là một đứa trẻ, Kriti còn bị đầu độc và buộc phải nghỉ học sau đó. Thế rồi, cuối cùng cô cũng có cơ hội để tiếp tục con đường học vấn, và đang chuẩn bị nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Bảo vệ và Giữ an toàn cho trẻ em.
Kriti được coi như tấm gương sáng cho phụ nữ Ấn Độ noi theo
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và lòng dũng cảm phi thường, Kriti cũng nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có một học bổng của chính phủ Anh.
Thành quả của Kriti còn được ghi nhận trong Sách kỷ lục Limca của Ấn Độ như là “người xóa bỏ các đám cưới trẻ con theo cách hợp pháp nhanh nhất”, cũng như “người đầu tiên ngăn chặn nạn tảo hôn”. Câu chuyện đầy cảm hứng của Kriti được thuật lại cho trẻ em trên toàn quốc, giống như một phần của chương trình giảng dạy tiêu chuẩn.
“Miễn là tôi có thể, tôi sẽ giải cứu các nạn nhân khỏi nạn tảo hôn. Đó là một hủ tục cần được chấm dứt, và chúng ta phải tuyên truyền tới những người dân ở vùng nông thôn và chỉ cho họ thấy rằng, có cách tốt hơn. Chúng tôi có nhiệm vụ phải thay đổi điều này” – Kriti hùng hồn khẳng định.