“Nóng” việc sắp xếp, sáp nhập sở, ngành tại địa phương
Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ mà Bộ Nội vụ đang đưa ra lấy ý kiến, đã được rất nhiều địa phương tiến hành. Quảng Ninh đã tự sắp xếp, sáp nhập khi chưa Nghị định chưa có hiệu lực. Trong khi đó, một số địa phương thì vẫn lúng túng trong hành trình sắp xếp để tinh giản bộ máy.
Nhiều “sếp” hơn “quân” thì sắp xếp thế nào?
Tất nhiên, họ chỉ gặp vướng mắc khi Nghị định đang dự thảo, còn khi Nghị định có hiệu lực rồi, chắc chắn điều đó sẽ được khắc phục.
Chuyện ở Hải Dương, Vĩnh Phúc và một số tỉnh khác, số lượng cán bộ làm công tác quản lý, tức “sếp” nhiều hơn “quân” tại một số sở, ngành chắc chắn đang là nỗi lo lắng của những người tiến hành sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn.
Ảnh minh họa trên internet.
Ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương bày tỏ trên Vietnamnet: “Nên quy định cứng bao nhiêu nhân viên trong 1 phòng thì có bao nhiều cấp phó. Nếu quy định có 7 nhân viên trở lên thì quy định cấp phó là bao nhiêu, còn 7 nhân viên trở xuống thì quy định rõ được 2 hay 1 cấp phó”.
Thế mới biết, cái chuyện bổ nhiệm quá nhiều cán bộ quản lý phòng, ban của sở, ngành trong khi nhân viên ít “làm khổ” thủ trưởng cấp trên thế nào? Việc ông Tỏ băn khoăn là đúng, song điều quan trọng là trước khi bổ nhiệm cán bộ quản lý, chính các sở, ngành đó cũng không có kế hoạch, dẫn đến tình trạng giờ phải xin ý kiến, phải chờ văn bản, thực tế là gây khó khăn cho quá trình sắp xếp, tinh giản bộ máy.
Thi tuyển không đạt thì…
Thực tế, việc sắp xếp, sáp nhập sở, ngành có nhiều cán bộ quản lý phòng, ban không quá khó khăn bằng có nhiều chức danh phó giám đốc sở, giám đốc sở ngành tương đương.
Phấn đấu để được đề bạt làm phó giám đốc và phó ngành tại địa phương là cả một quá trình. Sau khi sáp nhập, họ không được làm vị trí đó nữa thì sẽ sắp xếp như thế nào? Nhất là đối với những đối tượng chưa đủ tuổi nghỉ chế độ, còn trẻ…
Theo ông Tỏ, với vị trí giám đốc, trưởng ngành thì tổ chức thi tuyển. Vậy, 2 hoặc 3 sẽ chọn 1 số còn lại ra sao? Bố trí sắp xếp như thế nào cho phù hợp? Nếu thi không đạt thì có xuống làm phó được không? Vậy, có tổ chức thi không? Nếu thi, không trúng tuyển thì sẽ thế nào?
Ảnh minh họa trên internet.
Đây cũng là vấn đề mà Nghị định cần phải có điều khoản điều chỉnh cứng để tránh tình trạng mỗi địa phương làm một phách.
Hiện tại vẫn là tự nguyện
Ông Nguyễn Văn Hương, chuyên viên cao cấp của Ban Tổ chức Trung Ương, đã về hưu nhận xét: Hiện tại các địa phương vẫn đang tự nguyện thực hiện chứ chưa chỉ tiêu cụ thể. Nếu có chỉ tiêu tinh giản, có Nghị định hướng dẫn, chắc chắn các địa phương thực hiện được.
Cũng theo ông Hương, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong công tác tinh giản, sáp nhập, làm rất tốt và qua theo dõi, không thấy “động chạm” gì. Các cán bộ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp ủy. Có được điều này, phải khẳng định rằng, trước đó, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý của Quảng Ninh rất chặt chẽ, rõ ràng về tiêu chí. Chính vì thế, số lượng cán bộ quản lý phòng, ban trực thuộc sở, ngành không bị dôi dư nhiều nên có thể sắp xếp được công việc phù hợp cho họ.
Ông Hương phân tích: “Địa phương gặp khó khăn, cứ phải chờ quy định cụ thể mới sắp xếp, tinh giản, sáp nhập được sở ngành vì có quá nhiều cán bộ quản lý cấp phòng, ban, phó giám đốc là do công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ của họ trước đó làm không tốt. Phòng có 4 nhân sự thì có đến 1 trưởng, 1 phó thì làm sao mà chẳng dư thừa, khó sắp xếp”.
Ông Hương cũng cho rằng, đối với phó, trưởng phòng thuộc sở, ngành, cần thông báo trước cho họ lộ trình sáp nhập, tinh giản bộ máy. Tự họ có kế hoạch để không bị “sốc” khi không còn chức danh quản lý.
Cần Thơ đã giảm 35 đơn vị sự nghiệp công lập
Theo TTXVN, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 39, Nghị định 108, Quyết định số 2218 của Thủ tướng Chính phủ về công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Cần Thơ đã đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể, thành phố đã sắp xếp, sáp nhập, giảm được 35 đơn vị sự nghiệp công lập và 11 phòng chuyên môn tại các cơ quan hành chính. Trong đó, Sở LĐ,TB&XH đã sắp xếp giảm từ 9 phòng xuống còn 6 phòng. 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế chuyển từ tự chủ một phần sang tự chủ toàn bộ, cắt giảm 815 biên chế trong năm 2018.
Lộ trình của Cần Thơ là phấn đấu từ nay cho đến năm 2025 giảm 113 đơn vị sự nghiệp công lập, 4.799 biên chế.
H.Phương