Nông dân Campuchia lao đao vì biến đổi khí hậu
Mùa khô kéo dài khiến nông dân Campuchia gặp khó khăn trong sản xuất. Ảnh: vsointernational |
Trapaing Thmar đóng vai trò là nguồn nước quan trọng nhất cho hàng nghìn nông dân trồng lúa và các hộ gia đình ở huyện Phnom Srok (cách thủ đô Phnom Penh hơn 400km) và các khu vực lân cận khác.Trapaing Thmar - hồ chứa nước hay dự án tưới tiêu lớn nhất được xây dựng vào giai đoạn 1977 - 1978 tại huyện Phnom Srok, tỉnh Bantaey Meanchey thuộc vùng tây bắc Campuchia đang khô cạn trong đợt hạn hán tồi tệ.
Hồ chứa Trapaing Thmar cũng là môi trường sống của nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm cả sếu Sarus - một loài chim bay cao nhất thế giới. Tại khu vực này, nông dân đã đánh cá và bơm nước lên ruộng lúa từ những ao nhỏ rải rác - là tất cả những gì còn lại của hồ chứa rộng hơn 12.000ha.
Một con sông tại tỉnh Bantaey Meanchey từng trơ đáy vì khô hạn. Ảnh: phnompenh |
Ping Chantrea - một nông dân ở huyện Phnom Srok cho biết, việc trồng lúa năm nay gặp rất nhiều khó khăn do thiếu mưa, cả trong mùa mưa và mùa khô, cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn. Điều này chưa từng xảy ra trước đây.
Mùa mưa Campuchia thường đến vào tháng 5, kết thúc vào tháng 10 và mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4. Nông dân Ping Chantrea cho biết, ở đây trời chỉ mưa hai đợt trong mùa mưa năm ngoái. Rồi từ đầu năm đến nay chẳng có giọt mưa nào. Hạn hán, thiếu mưa, thiếu nước trong các hồ dự trữ khiến việc canh tác của nhà nông gặp rất nhiều khó khăn.
Một nông dân khác - Laing Thom nói nhiệt độ trái đất đang tăng lên và những cơn mưa không còn thường xuyên như trước đây nữa. “Bây giờ chỉ mới khoảng 8 giờ sáng, nhưng trời rất nóng” - ông Thom nói. Ông Thom cũng cho biết không thể thu hoạch được nhiều gạo như trước đây trong trang trại rộng 2,6ha của mình. Thậm chí, chất lượng gạo cũng kém đi, giá thấp hơn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Campuchia là một trong số các quốc gia khu vực Đông Nam Á dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.
Cuộc sống của hàng triệu người dân Campuchia dựa vào sản xuất nông nghiệp; những thay đổi thời tiết khiến đất nước này thường xuyên gánh chịu cả hạn hán và lũ lụt bất thường. Năm 2018, Campuchia được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nông nghiệp mạnh mẽ chưa từng có.
Nói chuyện với hàng nghìn công nhân tại trung tâm thương mại Chengdu Bayi ở tỉnh Kandal, quận Ang Anguu vào tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, theo thông tin từ Bộ Tài nguyên nước và khí tượng, Campuchia sẽ phải đối mặt với hạn hán và thiếu nước trong năm nay.
Do đó, ông kêu gọi tất cả cơ quan chức năng vận động tất cả mọi người không nên làm lúa mùa khô nhiều vụ, thay vào đó chỉ làm lúa một vụ trong năm nay chỉ vì không có đủ nước do hạn hán. Đặc biệt, Campuchia sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi hiện tượng El Nino, điều này sẽ khiến nhiệt độ tăng lên 40 - 42 độ C vào tháng 4, tháng 5 tới.
Em Dara - trợ lý kỹ thuật của Bộ Tài nguyên nước và khí tượng Campuchia, người giám sát hồ chứa nước cho biết, khoảng 5.000ha đất đã bị ảnh hưởng cho đến nay trong khi nước dữ trữ trong hồ giảm mạnh, tác động đến hàng nghìn hộ gia đình. Nhiều người trong số đó không có nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng và cạn kiệt nguồn cá trong hồ. Khí hậu trái đất thay đổi dẫn đến tình hình khô hạn tồi tệ nhất trong vòng 10 năm qua đang diễn ra ở một số khu vực./.