Nỗi lòng của cô giáo tiếng Việt xa trường lớp vì chiến tranh
Tiếng rao kem đọng lại trong người Việt trẻ xa xứ Đối với nhiều người Việt trẻ tuổi xa xứ, mùa hè quê nhà không chỉ là nắng gắt, hoa phượng hay sen hồng mà còn là mùa của đầy ắp kỷ niệm: Hình ảnh về ba mẹ thân thương hay đơn giản chỉ là tiếng rao kem quen thuộc buổi trưa hè. |
Lớp học chắp cánh cho tiếng Việt Sau hai năm tạm hoãn vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã được mở lại dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội. |
Nhà thơ, nhà giáo Đỗ Thị Hoa Lý bắt đầu dạy tiếng Việt như một gia sư cho con em kiều bào Ukraine từ năm 2017. Đến năm 2018, chị dạy ở Trung tâm Ngoại ngữ Up & Go của Hội Người Việt Nam tại Kiev. Khi dịch Covid 19 bùng phát, trung tâm ngoại ngữ đóng cửa, chị trở thành giáo viên chính thức của Trường Hồ Chí Minh (Trường Chuyên ngữ số 251 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Kiev, Ukraine).
Từ khi gắn bó với bục giảng, ngày khai giảng năm học mới luôn là ngày đặc biệt với chị. Những giờ lên lớp trò chuyện và dạy các em học sinh học chữ là những ngày vui của chị. Dù là ngày gió, ngày mưa, thậm chí là mưa tuyết, chị vẫn đến lớp đều đặn. Song từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, gia đình chị sang Đức lánh nạn. Từ đó, chị đành chia tay trường lớp và những em học sinh thân yêu.
Mùa khai giảng năm nay, khi Facebook nhắc lại kỷ niệm năm rồi, chị không khỏi bùi ngùi nhớ thương những tháng ngày êm ả dưới mái trường mang tên Bác Hồ kính yêu cùng những em học sinh thân yêu.
Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý, áo dài tím, và học trò trong ngày khai giảng tháng 9/2021 tại Trường Hồ Chí Minh (Trường Chuyên ngữ số 251 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Kiev, Ukraine) |
Chị kể, ngày lên lớp cuối cùng của tôi là ngày 23/2. Khi dạy xong, tôi ra bến xe đón xe bus về nhà. Mọi thứ lúc ấy vẫn bình thường, xe cộ vẫn tấp nập vào ra thành phố. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu nghe những tiếng nổ lớn như tiếng tên lửa. Tình hình mỗi lúc một xấu đi, chúng tôi chuẩn bị đồ đạc mọi thứ với tâm lý sẵn sàng sơ tán. Dùng dằng mãi đến ngày 4/3, gia đình tôi mới lên tàu sang Ba Lan rồi đến Đức. Mới đó, mà cũng hơn 6 tháng rồi. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, và chính sách nhân đạo cho người tị nạn của nước bạn, chúng tôi được cấp thẻ cư trú, thẻ bảo hiểm y tế, khám bệnh miễn phí, được cấp nhà ở và trợ cấp sinh hoạt…
Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý và học sinh trong lớp dạy tiếng Việt |
Cuộc sống không đến nỗi quá khó khăn, chỉ có điều nhớ nhà, nhớ cuộc sống bình yên cũ. Đặc biệt là nhớ trường lớp, nhớ phòng học tiếng Việt với những sách giáo khoa, giáo trình hằng ngày. "Tôi cũng nhớ phòng Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi tôi thường dẫn học sinh đến kể cho các em nghe những câu chuyện về Bác. Tôi không sao quên được các em học sinh, đồng nghiệp của mình. Dù ở xa nhau nhưng cô trò chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với nhau. Có những em đã sơ tán sang Áo, nhưng nhất định đòi quay về Ukraine để học", chị chia sẻ.
Dù sống ở nước ngoài hơn 30 năm nhưng nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý có rất nhiều bài thơ đăng trên các báo, tạp chí của Việt Nam. Thơ của chị, chủ yếu viết về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước… Ngoài làm thơ, chị còn dịch thơ, làm cầu nối giới thiệu, lan tỏa tình yêu thơ ca giữa hai nước Việt Nam và Ukraine. Chị được công nhận là thành viên của Viện hàn lâm văn học nghệ thuật Thế giới Ukraine vào tháng 6/2017 và đã vinh dự nhận Giải thưởng văn học nghệ thuật Ukraina mang tên Mikola Gogol tháng 4/2018… |