Nỗi lo biển “nuốt” làng
Những năm qua, mỗi khi bước vào mùa mưa bão, nhìn những con sóng dữ liên tiếp đổ ập vào bờ, hàng trăm hộ dân sống ven bờ biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn đều nơm nớp lo âu. Dù đã hợp lực tìm mọi cách gia cố bờ biển bị sạt lở để giữ đất, giữ làng nhưng tất cả chỉ là giải pháp tình thế. Bao công sức của người dân các làng chài ở Bình Hải đều bị sóng dữ cuốn phăng. Biển vẫn cứ ngày một ăn sâu vào đất liền, uy hiếp nhiều khu dân cư.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Phạm Cầu cho biết, hiện nay, tại năm thôn ven biển thuộc xã đang bị sạt lở nặng, ảnh hưởng đến 226 hộ với 720 nhân khẩu. Trong đó, 31 hộ sống sát bờ biển có nguy cơ sạt lở cao, biển đã lấn đến sân, móng nhà và nhiều chỗ đang “ngoạm” vào nhà. Riêng tại thôn Phước Thiện, triều cường đánh sập đổ và hư hỏng nặng sáu ngôi nhà, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân, đồng thời xâm thực lấn sâu vào đất liền có đoạn từ 10-15 m làm hư hỏng nặng hơn 1 km bờ kè, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân xóm 9 và xóm 10.
Cả đời gắn bó với làng chài Phước Thiện, ông Dương Văn Tấn thất thần khi kể về đợt triều cường hung dữ tiến công làng chài Phước Thiện vào đêm 16 rạng sáng 17-12 vừa qua: “Nửa đêm, sóng biển bất ngờ dâng cao bốn đến năm mét, đánh phủ lên tới cả mái nhà. Quá hoảng sợ, gia đình tôi và các gia đình chung quanh phải tháo chạy trong đêm khuya để bảo toàn tính mạng. Hôm sau, quay về thì thấy nhà cửa đổ sập hoàn toàn, tài sản trong nhà bị cuốn trôi”.
Triều cường đánh sập nhiều nhà dân ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). |
Nhìn những ngôi nhà bị sóng đánh sập thành đống gạch vụn vỡ, bờ biển bị sóng “ngoạm” nham nhở, bà Võ Thị Liễu ở thôn Phước Thiện lo lắng: “Ban đêm sóng lớn đập ầm ầm vào bờ nghe ớn lạnh. Nằm ngủ mà cứ lo nhà cửa bị sóng đánh sập lúc nào không hay, cho nên nhiều người phải đi lánh nạn, chuyển những vật dụng trong nhà đến gửi tạm chỗ người thân”.
Trước tình hình đó, UBND xã Bình Hải đã tập trung chỉ đạo khắc phục, mua các dụng cụ, huy động lực lượng tại chỗ phối hợp các lực lượng chức năng chằng chống kè và nhà bằng bao cát, đá, cây gỗ... để giảm nhẹ thiệt hại. Song, theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Phạm Cầu, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đỗ Thiết Khiêm cho biết, huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương di dời khẩn cấp 31 hộ dân xã Bình Hải có nhà bị sạt lở, đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí khắc phục tạm thời các điểm bờ biển đã bị sạt lở rất nặng bằng phương pháp dùng rọ đá hộc, lưới chống gỉ gia cố các điểm xung yếu.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn, qua kiểm tra thực tế theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành chức năng xác định bờ biển khu vực xã Bình Hải tiếp tục sạt lở mạnh, ăn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến khoảng 170 hộ dân với chiều dài sạt lở khoảng 1.550 m. Trong đó, khoảng 1.200 m bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, đã gây sập đổ, hư hỏng chín ngôi nhà của người dân (thôn Phước Thiện sáu nhà và thôn An Cường ba nhà).
“Nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển xã Bình Hải là do ảnh hưởng của các cơn bão số 6, số 9 năm 2020 và triều cường kết hợp với sóng lớn do gió mùa đông bắc. Hiện nay, sạt lở vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến an toàn các khu dân cư tại thôn Phước Thiện và An Cường, có nguy cơ gây thiệt hại thêm 41 ngôi nhà”, đồng chí Nguyễn Mậu Văn thông tin và cho biết thêm: Qua kiểm tra mức độ sạt lở, đối chiếu với quy định của Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 4-1-2011 thì hai điểm sạt lở tại bờ biển thôn Phước Thiện và An Cường đều ở mức “Sạt lở đặc biệt nguy hiểm”.
Để kịp thời hạn chế sạt lở bờ biển tại xã Bình Hải, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đề xuất phương án xử lý, khắc phục trước mắt và lâu dài. Cụ thể, phương án xử lý trước mắt là đề nghị Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn chủ động tổ chức xử lý sạt lở bờ biển tại thôn Phước Thiện và An Cường, xã Bình Hải theo đúng quy định của Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, lưu ý các biện pháp như: Sơ tán khẩn cấp người, tài sản; thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; chỉ đạo các cơ quan chức năng và nhân dân dùng rọ đá, bao cát, vật liệu địa phương gia cố tạm thời để hạn chế sạt lở; tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đối với phương án xử lý để bảo đảm ổn định lâu dài, cần đầu tư xây dựng công trình kiên cố chống sạt lở bờ biển.
Do sạt lở vẫn đang có khả năng mạnh thêm (dự báo triều cường và sóng lớn do gió mùa đông bắc sẽ thường xuyên xảy ra trong thời gian tiếp theo), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tham mưu UBND tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp đối với tình hình sạt lở bờ biển tại thôn Phước Thiện và An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn để chính quyền địa phương có cơ sở và chủ động triển khai các biện pháp xử lý trước mắt theo quy định trong khi chờ đầu tư công trình kiên cố chống sạt lở. Ngoài ra, UBND tỉnh xem xét, bố trí khoảng 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở khẩn cấp bờ biển thôn Phước Thiện và An Cường với chiều dài kè khoảng 1.200 m, gồm hai đoạn: Đoạn bờ biển thôn Phước Thiện dài khoảng 800 m, đoạn bờ biển thôn An Cường dài khoảng 400 m và các công trình trên kè. Thời gian thực hiện hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2021.
Danh mục 7 chất được phép sử dụng trong vùng biển Việt Nam Ngày 15/12, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xác định danh mục 7 chất phân tán được phép sử dụng trong vùng biển Việt Nam. |
Hải quân Anh có thể điều nhóm tấn công tàu sân bay tới vùng biển gần Nhật Bản Đây là một điều bất thường khi có đã có một quốc gia khác trong khu vực, ở đây là Hải quân Hoa Kỳ, đã duy trì một tàu sân bay hoạt động thường xuyên ở Tây Thái Bình Dương. |