Nội dung mới trong dự thảo Luật Nhà ở cho người nước ngoài và kiều bào
Đây là thông tin do ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết tại hội thảo quốc tế Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam tổ chức ngày 13/7 tại Hà Nội.
Theo ông Hải, kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho đến nay, số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.765), TP.HCM (850), Bắc Ninh (110), Bình Dương (210), Bà Rịa - Vũng Tàu (50)...
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Ảnh: Nhà đầu tư). |
Qua đó cho thấy việc Luật Nhà ở quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với các điều kiện được mở rộng về phạm vi, đối tượng, loại nhà, số lượng nhà ở được mua… đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn FDI.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cá nhân nước ngoài không thuộc đối tượng được mua, sở hữu đất ở tại Việt Nam. Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng chưa đề cập đến việc sử dụng đất của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Do vậy, TS Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết: Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên như dự thảo Luật về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư), đồng thời Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của UBTVQH bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê.
"Các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài được luật hóa theo hướng rõ ràng, cụ thể tạo sự yên tâm về điều kiện sinh sống làm việc tại Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế mà không ảnh hưởng đến chính sách nhà ở cho các đối tượng xã hội", TS Hoàng Hải chia sẻ.
Trong khi đó, GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ông rất ủng hộ chế độ tiếp cận nhà ở của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Bởi Việt Nam bây giờ rất cần một khối lượng nhân sự có trình độ cao mà một trong những nguồn phù hợp là những người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, để đạt được điều đó, họ phải có một cuộc sống ở đây tốt đẹp, tức là họ phải được mua nhà.
GS.TS Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Nhà đầu tư). |
"Lần này tôi cho rằng Luật Nhà ở đã đưa ra một khung pháp luật rộng hơn trước nhưng dự thảo gần đây nhất thì lại không cho người nước ngoài được tiếp cận. Quyền sử dụng đất ở tức là được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở hay nói cách khác là bán ở cho người nước ngoài là chỉ bán cái xác nhà thôi.
Giống như báo cáo của Bộ Xây dựng, người nước ngoài mua chủ yếu là nhà chung cư chứ không phải nhà nhà riêng lẻ. Bởi vì từ trước đến nay, Luật Đất đai 2013 là đã không phù hợp với Luật Nhà ở về chuyện bán nhà ở cho người nước ngoài. Đến bây giờ, dự thảo Luật Đất đai mới nhất cũng không có, thậm chí là chỉ cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài là được tiếp cận nhà ở Việt Nam, còn còn người nước ngoài là không được. Điều này dẫn đến người nước ngoài họ không muốn mua",GS.TS Đặng Hùng Võ chia sẻ.
GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng cái gốc của vấn đề là trong các luật liên quan đến bất động sản, trong đó có đất đai, nhà ở, lâm nghiệp, luật quản lý và sử dụng tài sản công, cùng các nghị định của chính phủ về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp. Điều quan trọng nhất chúng ta phải nói rằng quản lý là quy định của luật đất đai, Luật Đất đai không quy định về sử dụng, còn tất cả những luật về sử dụng đất làm việc gì đó, ví dụ như xây dựng nhà ở thì quy định ở tất cả các luật khác. Chứ theo kiểu không rõ đâu là sử dụng, đâu là quản lý thì nó "chập" nhau là điều chắc chắn.