Nỗi đau người mẹ 84 tuổi dùng nhà tình thương để nhốt con tâm thần suốt hơn nửa thế kỷ ở Hà Nội
Sinh 6 người con thì 3 người mắc chứng bệnh tâm thần
Những ngày Hà Nội mưa rả rích, căn nhà bé xíu của bà Đỗ Mai (84 tuổi, ngõ 135, Hoàng Hoa Thám) liên tục bị nước dột vào bên trong. Ngồi giữa gian nhà, bà Mai nhìn khắp xung quanh, dáng vẻ bất lực tiều tụy và ở gian buồng kế bên, cậu con trai cả liên tục gọi tiếng mẹ ơi mãi không ngớt.
Cảnh sống này với bà đã quá quen thuộc. Hơn 50 năm qua, không một ngày nào, bà không nghe thấy tiếng gọi não nề của con trai. Thương con nhưng bà Mai không đủ can đảm để mở khóa, trao quyền tự do cho con vì sợ rằng đứa con ấy sẽ đi lạc không tìm thấy đường về.
Bà Mai (84 tuổi) người mẹ già đang phải nuôi cùng lúc 2 người con trai mắc bệnh tâm thần.
Nhắc lại ký ức đã qua, bà Mai tỏ ra buồn bã. Đôi mắt nhìn ra xa xăm, bà kể rằng từ khi lấy chồng, bà sinh hạ được tất cả 6 người con, 4 trai, 2 gái thì có tới 3 người con trai bị mắc bệnh tâm thần.
Người con bà đang nhốt tại nhà tên là Nguyễn Ngọc Tâm (SN 1953). Trước đây, ông Tâm là một đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh và rất hiếu thảo. Năm học lớp 7, ông vẫn được các thầy cô chọn vào đội tuyển học sinh giỏi toán của trường nhưng rồi chỉ trong một lần ẩu đả tập thể, ông Tâm không may bị bạn đánh vào đầu, từ đó dần sinh bệnh, trở nên ngớ ngẩn.
Bà Mai chuẩn bị sẵn tiền để đóng viện phí cho con trai út.
Cậu con trai thứ 2 của bà tuy vẫn nhận biết được mọi chuyện, làm nghề vá xe đạp kiếm sống qua ngày nhưng tính tình hung bạo, hay nổi khùng và không được nhanh nhẹn, minh mẫn như mọi người. "Mỗi khi lên cơn, nó hay quát mắng thậm chí có lúc đánh người nên vợ nó không chịu được, đã bỏ đi cách đây 5 năm", bà Mai kể.
Mắc bệnh nặng nhất là người con trai út Nguyễn Ngọc Thắng (SN 1971). Theo lời bà Mai, ông Thắng bị chứng tâm thần phân liệt, đầu óc hay sinh ra hoang tưởng, dễ bị người khác sai khiến hoặc hành động không kiểm soát. Bác sĩ nói bệnh này rất nguy hiểm, có thể làm việc xấu hoặc gây hại cho người xung quanh. Vì thế, cách đây hơn chục năm, bà Mai phải đưa con vào Bệnh viện tâm thần ở Trâu Quỳ (Gia Lâm) để các bác sĩ chạy chữa và chăm sóc.
Bà Mai nói niềm mong ước lớn nhất là có thể xây hoặc sửa lại căn nhà dột nát.
Theo lời bà Mai, tiền thuốc thang và khoản phí ăn uống, đi lại hàng tháng để nuôi con ở Bệnh viện tâm thần hết khoảng hơn 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, bà còn phải lo chăm sóc cho cậu con trai bị nhốt ở nhà. 2 con gái của bà Mai đi lấy chồng xa, không đủ sức đỡ đần mẹ và các anh em bị bệnh. Cách đây khoảng 1 năm, chồng bà lại mất vì bệnh tật nên kinh tế càng lao đao. Với số tiền trợ cấp 1,5 triệu đồng hàng tháng dành cho 2 người con tâm thần nặng và khoản tiền lương hưu 2,7 triệu, bà Mai vẫn không đủ để xoay sở.
"Chồng tôi khi còn sống có lương hưu giống tôi, từ ngày ông mất, tôi khổ hơn nhiều. Người con trai khỏe mạnh duy nhất trong gia đình giờ đang là trụ cột. Mỗi tháng nó làm thuê lương chỉ 5-6 triệu nhưng phải lo nuôi anh, nuôi em nên vợ chồng chỉ dám sinh duy nhất 1 đứa con. Mỗi lần nghĩ đến tôi thấy tủi lắm, sinh 4 người con trai mà chỉ có duy nhất 1 cháu nội".
Hơn nửa thế kỷ ăn những bữa cơm cho khỏi chết, đêm đến lại thức trắng vì con
Bà Mai đặt mâm cơm ở giữa nhà, đồ ăn trưa của bà và người con trai tâm thần chỉ có độc 2 gói cháo đỗ đen. Bà bảo, bao năm qua, bà chỉ ăn để cầm hơi, sống qua ngày. Những bữa cơm chủ yếu là rau, cháo hoặc ăn cùng với đủ các loại lạc, vừng do bà tự tay làm và dự trữ.
"Mỗi tuần tôi chỉ ăn thịt 2 bận. Chủ yếu là mua cho cậu con trai chứ tôi giờ già rồi, ăn uống không đáng là bao".
Bà Mai cho chúng tôi xem bữa ăn trưa của mình.
Không chỉ ăn uống kham khổ, bao năm qua, chưa đêm nào bà Mai được yên giấc. Có những ngày trời lạnh căm, vừa nằm ấm chăn mà nghe tiếng con gọi, bà Mai liền bật dậy, đi ra sau nhà. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đều đặn hơn 50 năm, kể từ ngày con phát bệnh tâm thần, bà Mai luôn là người ở bên, chăm sóc con từng miếng ăn, giấc ngủ.
Bà bảo chăm sóc cậu con trai cả là việc vô cùng vất vả. Dù đã 64 tuổi rồi nhưng ông Tâm không thể tự làm bất cứ việc gì từ mặc quần áo cho đến tắm gội. "Lúc nào đói, khát hay cần đi vệ sinh hoặc thấy khó chịu trong người là nó đều kêu mẹ ơi không ngớt".
Bà Mai bảo cậu con trai cả ngày càng trở nên ngớ ngẩn, tính tình rất trẻ con. Mỗi lần muốn dẫn con đi cắt tóc hay tắm gội, bà phải dỗ dành, thuyết phục mất cả tuần trời.
Bà Mai nhớ mãi một lần cách đây rất lâu, cậu con trai phát bệnh đi lang thang, lạc xuống cánh đồng ở Hà Đông, cách nhà khoảng hơn chục km. "Lúc đó khó khăn, nó đi xin ăn mà người ta cũng không có gì để cho. Mấy ngày gia đình tôi bỏ hết mọi việc đi tìm thì thấy nó đói khát, nằm bẹp ở giữa cánh đồng".
Sau lần đó, bà Mai phải nhốt con lại trong nhà. Mỗi lần nhìn cảnh sống của con trai tù túng trong gian buồng chật hẹp, tối tăm, bà lại cảm thấy buồn. Có đôi lúc muốn mở cửa cho con ra ngoài nhưng lại nghĩ đến chuyện cũ nên thôi.
Căn nhà tình thương chật hẹp, đồ đạc chất ngổn ngang của gia đình bà Mai.
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, gia đình bà Mai được xây một căn nhà tình thương cơi nới từ gian bếp nhỏ 12m2. Nơi đây là chỗ sinh hoạt của bà, vợ chồng con trai thứ 3 và cháu nội. Căn buồng nhỏ kế bên, bà dành để nhốt người con trai cả. Cuộc sống khó khăn, kinh tế eo hẹp lại phải sinh hoạt chung trong cảnh sống bí bách nên không lúc nào bà Mai cảm thấy yên lòng.
"Bây giờ nếu có điều ước tôi chỉ mong xây lại được căn nhà vững chãi hơn, đỡ dột nát để các con có chỗ sinh hoạt. Có như vậy, tôi chết cũng được yên lòng còn 2 người con tâm thần nặng, đành nhờ cậu con trai khỏe mạnh duy nhất trong nhà chăm sóc giúp".
Thu Hường