Nội bộ Đảng lục đục, Thủ tướng Anh có nguy cơ bị phế truất
Nước Anh đang trải qua quãng thời gian đầy khó khăn và biến động từ khi quyết định bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: Evening Standard)
Theo tờ Sunday Times, hàng chục nghị sỹ từ Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May đang liên kết với những người ủng hộ trong việc kêu gọi cách chức Thủ tướng. Nếu có thêm 8 nghị sỹ nữa nhất trí ký tên vào bức thư, điều này sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, với khả năng Thủ tướng May có thể bị phế truất và thay thế bằng một lãnh đạo Đảng bảo thủ khác. Nó cũng diễn ra sau một tuần bất ổn với chính phủ Anh, với sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề nhân đạo Priti Patel.
Tờ Sunday Times cho hay, các quan chức cấp cao EU đã cảnh báo rằng cuộc đàm phán với Anh sẽ được đưa vào "chế độ khủng hoảng", và có nhiều khả năng, thỏa thuận sơ bộ về Brexit sẽ không thể ký kết vào tháng 12, như dự định trước đây.
Thủ tướng May đang phải vất vả duy trì uy tín trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền của mình, kể từ sau cuộc bầu cử sớm vào mùng 8/6 vừa qua với việc đảng của bà mất thế đa số trong Quốc hội. Hiện các nghị sĩ trong Đảng cũng đối mặt với chia rẽ liên quan đến dự luật Brexit với việc ấn định chính thức thời điểm Anh rời khỏi EU vào 11 giờ đêm ngày 29/3/2019.
Với những chia rẽ trong nội bộ nước Anh, giới quan sát cho rằng, đột phá trong các cuộc đàm phán Brexit sẽ là một lợi thế để giúp bà vượt qua khủng hoảng hiện nay. Hiện có nhiều mong đợi rằng Thủ tướng Anh có thể đạt được những bước tiến trong các cuộc đàm phán Brexit, sau đó đưa ra các đề xuất ngân sách và có thể là tiếp tục cải cách Nội các. Điều này có thể giúp bà tiếp tục tại nhiệm và vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, có nhiều bước cản khiến Thủ tướng khó đạt được những mục tiêu này.
Reuters hôm 12/11 dẫn lời ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán của EU về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, cho biết đang lên kế hoạch khẩn cấp nhằm chuẩn bị cho khả năng các cuộc đàm phán Brexit thất bại.
Ông Barnier theo đó khẳng định đây không phải là lựa chọn mà ông mong muốn, song nó có khả năng xảy ra và cần chuẩn bị kế hoạch cho điều này. Ông nhắc lại nếu không có thỏa thuận nào về các điều khoản thương mại hậu Brexit, EU và Anh có thể phải quay lại hệ thống thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trước đó, ngày 10/11, ông Barnier đã ra tối hậu thư yêu cầu Anh trong 2 tuần phải đưa ra các nhượng bộ về thỏa thuận "ly hôn" nếu muốn tiến tới giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán trong tháng 12 tới.
Theo ông, việc nước Anh tăng đề nghị chi trả "biên lai" rời EU - mà các quan chức cấp cao EU đưa ra ở mức 60 tỷ euro (tương đương 70 tỷ USD) - có ý nghĩa "sống còn" trong việc mở ra các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại trong tương lai.
Đây là một trong 3 vấn đề then chốt mà EU yêu cầu đạt được tiến bộ đáng kể để chấp nhận mở ra giai đoạn đàm phán thứ hai về mối quan hệ thương mại song phương. Các vấn đề này bao gồm quyền của các công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh, vấn đề thanh toán "các hóa đơn" Brexit và biên giới tương lai giữa Ireland với vùng Bắc Ireland của Anh.
An Nhi