Nợ xấu Hy Lạp: Đến thần Zeus cũng phải bó tay!
Đỉnh Olympus vỡ nợ
Hầu như mọi người trên thế giới đều biết đến những câu chuyện thần thoại Hy Lạp cùng nền văn minh cổ đại của nước này. 12 vị thần linh thiêng của nền văn minh rực rỡ ngự trị thế gian trên đỉnh Olympus.
Tuy nhiên, có lẽ giờ đây ngay cả vị vua của các vị thần, thần Zeus cũng không thể cứu được người Hy Lạp với núi nợ công và nợ xấu của quốc gia này.
Trích lập dự phòng nợ xấu ngân hàng Hy Lạp (triệu Euro)
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc khủng hoảng năm 2008 khiến nền kinh tế Hy Lạp suy thoái. Tồi tệ hơn, việc chính phủ nước này che giấu khoản nợ công khổng lồ đã tác động mạnh đến niềm tin thị trường, gây ra cuộc khủng hoảng lớn trong hệ thống tài chính.
Trong suốt khoảng 2010-2016, Hy Lạp đã có 12 vòng tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, tái cơ cấu hệ thống tài chính, gây ra hàng loạt những cuộc biểu tình và biến động trên toàn quốc. Bất chấp những cố gắng đó, Hy Lạp vẫn cần cầu cứu sự trợ giúp từ Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào các năm 2010, 2012 và 2015 cũng như đàm phán với chủ nợ để cắt giảm 50% nợ cho các ngân hàng tư nhân.
Đặc biệt, việc thất bại trong đàm phán gói cứu trợ năm 2015 đã khiến hàng loạt ngân hàng đóng cửa, gây náo loạn trên toàn Hy Lạp. Tại thời điểm đó, quê hương của thần Zeus là quốc gia đầu tiên thất bại trong việc trả nợ cho IMF với tổng nợ 323 tỷ Euro và bình quân mỗi người dân phải gánh 30.000 Euro tiền nợ.
Nợ xấu tràn lan
Bỏ qua vấn đề nợ công đã quá nổi tiếng của Hy Lạp, giờ đây chính phủ nước này đang phải cố gắng giải quyết vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng, bước cản lớn nhất trên con đường đối phó nợ nần.
Năm 2013, chính phủ đã phải bơm 48,2 tỷ USD vào ngành ngân hàng để giải cứu họ khỏi những khoản nợ khổng lồ cùng làn sóng rút tiền của người dân. Đổi lại, chính phủ nắm giữ thêm cổ phần của các ngân hàng này để sau đó bán lại ra thị trường khi tình hình đã ổn định lại. Khoản tiền này được vay mượn từ những chủ nợ Châu Âu nhằm cam kết giữ vững ổn định thị trường tài chính cho toàn khu vực.
ECB nhận định ngành ngân hàng Hy Lạp trong trường hợp xấu nhất cần 14,4 tỷ Euro tài chính để giải quyết khủng hoảng nợ xấu
Dự kiến, 3 ngân hàng lớn của Hy Lạp là NBG, Alpha và Piraeus sẽ mua lại tất cả cổ phiếu này từ chính phủ, bắt đầu từ năm 2013 đến hết năm 2017. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu của những ngân hàng mà chính phủ mua lại ngày càng rẻ trên thị trường nên tiến trình này đang diễn ra rất chậm. Cho đến hiện nay, ngân hàng Alpha mới là người mua nhiều nhất với 2,4% số cổ phiếu từ tay chính phủ Hy Lạp. Trước tình hình đó, Hy Lạp dự định sẽ bán lại số cổ phần này cho những nhà đầu tư khác nếu qua thời hạn tháng 12/2017.
Vào năm 2014, Hy Lạp có đợt bán cổ phiếu đợt 2 cho các nhà đầu tư cá nhân. Tính đến thời điểm đó, chính phủ nước này dự tính thu về khoảng 27,3 tỷ Euro trong số 48,2 tỷ Euro cứu trợ từ việc bán cổ phiếu ngành ngân hàng. Tại thời điểm này, các định chế tài chính Châu Âu đồng ý cho Hy Lạp bán rẻ cổ phiếu 80% so với giá mua trước đó để có thể giải quyết các khoản nợ xấu. Đến quý I/2015, Hy Lạp đã trả 11,4 tỷ Euro cho các chủ nợ Châu Âu để thanh toán cho khoản vay trước đó.
Trên thực tế vào cuối năm 2014, ngành ngân hàng Hy Lạp tiếp tục cầu cứu khi họ cần thêm 22 tỷ Euro để thanh toán các khoản nợ đáo hạn. Tuy nhiên, những bất ổn chính trị và việc các chủ nợ Châu Âu không đồng ý chi thêm tiền đã dẫn đến việc hàng loạt ngân hàng phải tạm đóng cửa hoạt động cũng như thiếu tiền mặt trầm trọng.
Những thiệt hại từ nợ xấu sẽ khiến các ngân hàng Hy Lạp mất vốn (tỷ Euro)
Kể từ đó đến nay, chính phủ Hy Lạp đã phải buộc tuân theo quan điểm của các chủ nợ Châu Âu là bán dứt điểm những cổ phiếu ngân hàng còn nắm giữ, tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư để giải quyết triệt để nợ xấu. Các biện pháp này khiến người dân Hy Lạp phải sống thắt lưng buộc bụng cũng như khiến nhiều ngân hàng lao đao nhưng bù lại các chủ nợ không cần phải nơm thêm quá nhiều tiền.
Bất chấp những cố gắng của ngành ngân hàng Hy Lạp cũng như chính phủ, các khoản nợ xấu vẫn chiếm hơn 50% tổng dư nợ.
Bắt đầu từ năm 2008 với tổng nợ xấu lên tới 14,5 tỷ Euro, tương đương 5,5% tổng nợ, ngành ngân hàng của Hy Lạp tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng với 106,9 tỷ Euro nợ khó đòi, tương đương 50,5% tính đến tháng 6/2016.
Nợ xấu ngành ngân hàng khiến lượng gửi tiền giảm, buộc chính phủ phải can thiệp hạn chế người dân rút tiền (tỷ Euro)
Trong 3 tháng đầu năm nay, Hy Lạp đã giảm được số nợ khó đòi này xuống 103,9 tỷ Euro, vượt mức kế hoạch giảm nợ xuống 105,2 tỷ Euro trước đó.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng của nước này đã phải xóa sổ 1,3 tỷ Euro nợ xấu do không thể đòi lại và số tiền này dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới khi Hy Lạp đẩy mạnh giải quyết nợ xấu trên thị trường tín dụng.
Hiện vẫn chưa rõ các chính sách cải cách của Hy Lạp sẽ đi đến đâu và bao giờ nợ xấu ngành ngân hàng tại đây mới được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, điều rõ ràng là quốc gia này sẽ cần rất nhiều thời gian để có thể giải quyết triệt để nợ xấu khi các chủ nợ không chịu bơm thêm tiền trong khi nền kinh tế tăng trưởng không mạnh. Trong quý I/2017, nền kinh tế Hy Lạp chỉ tăng trưởng 0,4%.
Tăng trưởng GDP của Hy Lạp (%)
BT