Những tòa nhà, căn nhà xui xẻo nhất thế giới
Tòa nhà xui xẻo khiến người sống bên trong mắc trọng bệnh
Tòa nhà số 7 trên phố Gvardeytsiv Kantemirovtsiv (nay là Phố Mariyi Pryimachenko) ở Kramatorsk, Ukraine, nổi tiếng là nơi bị nguyền rủa vì khiến cư dân mắc bệnh bạch cầu nguy hiểm.
Được trang bị thang máy và nước nóng, khu chung cư này toát lên vẻ sang trọng khác lạ với hầu hết ở các tòa nhà dân cư thời Xô Viết.
Gia đình đầu tiên chuyển đến đây vào năm 1980. Họ rất hài lòng về điều kiện sống ở đó. Nó được cho là một trong những căn hộ tốt nhất trong thành phố. Tuy nhiên, niềm vui của họ lại rất ngắn ngủi.
Chỉ một năm sau khi đến nhà mới, cô con gái 18 tuổi bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu và qua đời trong vòng vài tháng. Gia đình chưa kịp nguôi ngoai thì cậu con trai 16 tuổi lại mắc căn bệnh tương tự và qua đời. Tiếp theo, người mẹ là nạn nhân thứ ba trong gia đình này tự nhiên đổ bệnh. Họ tự hỏi liệu căn hộ có bị nguyền rủa hay không.
Ban đầu, giả thuyết bí ẩn đó đã không nhận được sự quan tâm của công chúng. Và các bác sĩ cho rằng căn bệnh này là do di truyền. Những người còn lại trong gia đình sớm chuyển đi và ủy ban điều hành thành phố đã giao chìa khóa căn hộ cho một gia đình khác.
Năm 1987, bi kịch lại ập đến. Cậu con trai đang tuổi thiếu niên của gia đình thứ hai lại qua đời vì bệnh bạch cầu. Em trai của cậu cũng rơi vào tình trạng nguy kịch. Người cha quá đau lòng đã thúc đẩy một cuộc điều tra về tòa nhà này.
Phải đến hai năm sau, nhà chức trách địa phương mới đồng ý cử một đội điều tra mang theo máy đo phóng xạ đến tòa nhà số 7 phố Gvardeytsiv Kantemirovtsiv. Họ phát hiện ngưỡng phóng xạ cao trong căn hộ này. Đặc biệt, mức độ tại căn phòng nơi bọn trẻ ngủ vượt gấp nhiều lần ngưỡng cho phép.
Tòa nhà số 7 phố Mariyi Pryimachenko ngày nay. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Các nhà điều tra cuối cùng đã dò ra nguồn hóa chất độc hại phát ra từ các bức tường. Cư dân của tòa nhà nhanh chóng được sơ tán còn bức tường bị phá bỏ. Khối bê tông được gửi đến Viện Nghiên cứu Hạt nhân Kiev, nơi các nhà khoa học tìm thấy một viên nang nhỏ chứa chất phóng xạ cao Caesium 137, loại được sử dụng trong máy đo bức xạ.
Từ số sê-ri được khắc trên viên nang, người ta xác định rằng viên nang này đã bị thất lạc từ một mỏ đá, nơi cung cấp sỏi để xây dựng căn hộ. Vô tình, viên nang chứa phóng xạ bị trộn lẫn với bê tông và mắc kẹt trong các bức tường giữa căn hộ 85 và 52. Nó nằm gần giường của trẻ nhỏ và gây ra thảm kịch khiến 4 người thiệt mạng. Cuối cùng, 17 người khác được xác nhận đã nhiễm phóng xạ ở mức độ khác nhau.
Cho đến nay, tòa nhà số 7 vẫn còn tồn tại và có người sống bên trong. Mức độ phóng xạ hiện đã trở lại bình thường.
Ngôi nhà 1 năm bị 48 lần ô tô đâm
Chỉ trong vòng 1 năm mà ngôi nhà ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc phải hứng chịu 48 lần bị ô tô đâm vào và xứng đáng giữ danh hiệu "ngôi nhà xui xẻo nhất quả đất".
Số vụ tai nạn đâm vào nhà quá nhiều khiến mọi người đều tò mò và cố gắng lý giải nguyên nhân của nó. Ngôi nhà nằm ở tỉnh Hắc Long Giang, phía bắc Trung Quốc, ngay trên con đường dẫn đến đường cao tốc. Đặc biệt, vị trí của ngôi nhà ở ngay một ngã ba góc 90 độ, do đó, xe ô tô gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảm tốc độ sau khi ra khỏi đường cao tốc, dẫn đến mất lái và đâm thẳng vào ngôi nhà.
Chỉ trong 1 năm, 48 chiếc xe tải và ô tô con các loại đã đâm vào ngôi nhà "xui xẻo" này. |
Chủ nhà, chị Xu Renxiang, 29 tuổi, và chồng, anh He Haijun, đã sống trên mảnh đất này từ trước khi con đường được xây dựng. Chị Xu ước tính có hơn 100 vụ tai nạn xảy ra ở sân trước của gia đình kể từ khi con đường làm xong cách đây 7 năm và năm ngoái quả thật quá mệt mỏi với gia đình anh chị khi có tới gần 50 vụ đâm xe vào hàng rào của ngôi nhà. Chị đã phải cấm con gái mình chơi trong sân vì nỗi lo sợ một chiếc ô tô bất thình lình lại lao vào sân nhà mình bất cứ lúc nào.
Sau quá nhiều vụ tai nạn xảy ra, chị Xu đã phải xây hẳn một bức tường gạch kiên cố bao quanh sân nhà mình để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
"Nếu chúng tôi biết rằng chính quyền địa phương sẽ làm một lối rẽ uốn cong trước nhà như thế này, chúng tôi chắc chắn sẽ xây nhà xa hơn một chút nữa", chị Xu chia sẻ.
Dinh thự xui xẻo ở Ấn Độ
Nằm ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, có diện tích lên tới 5.500 m2 với đầy đủ phòng hội nghị, phòng ăn, ngủ và cả một bãi cỏ rộng như sân bóng đá… nhưng tòa dinh thự trong khu dân cư Civil Lines lại bị bỏ hoang hàng chục năm.
Lý do: Đây là tòa nhà xui xẻo, chuyên “ám” người đến ở dù giá trị của nó lên tới hàng triệu USD. Civil Lines do thực dân Anh xây dựng để quan chức cấp cao cư ngụ và theo người dân địa phương, tòa nhà trên thành hình vào những năm 1920.
Sau khi Ấn Độ độc lập, vị thống đốc đầu tiên của Delhi, ông Chaudhary Brahma Prakash, chọn làm nhà ở vào năm 1952. Vào những năm 1990, một thống đốc khác là ông Madan Lal Khurana cũng dọn vào ở. Điểm chung của 2 ông là đều mất chức trước khi hết nhiệm kỳ.
Dinh thự triệu USD được sửa sang lại cho những người chủ mới Ảnh: BBC |
“Sau khi ông Khurana về vườn, tin đồn ngôi nhà bị ám lan rộng và các thống đốc Delhi khác từ chối vào ở” - nhà báo kỳ cựu Sujay Mehdudia của tờ The Hindu nhớ lại.
Trải qua cả chục năm hoang phế, năm 2003, dinh thự đón chủ nhân mới là ông Deep Chand Bandhu, một bộ trưởng của vùng Delhi đã cương quyết bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn của trợ lý và người quen biết. Nhà báo Mehdudia kể: “Nhưng không lâu sau, ông ấy bị viêm màng não rồi chết trong bệnh viện”.
Lại thêm 10 năm tòa nhà bị bỏ không cho đến khi quan chức chính phủ cấp cao Shakti Sinha đến ở và… tiếp tục mất chức sớm.
Giờ đây, người dân New Delhi đang chờ xem ngôi nhà “sẽ làm gì” những người chủ mới sau khi nó trở thành trụ sở của Ủy ban Đối thoại Delhi từ ngày 9-6 qua. Tòa nhà nay đã thơm mùi sơn mới, cửa sổ được gắn rèm, cầu thang lát lại đá, phòng họp thêm bàn ghế và bồn phun nước ở sân sau lại róc rách.
Khi được hỏi có thấy con ma nào không, ông Ashish Khetan, phó chủ nhiệm ủy ban trên, hài hước: “Chúng tôi đang tìm vài con đây, nếu tìm thấy sẽ mời làm việc luôn. Chúng tôi đang thiếu nhân viên”. Theo ông, Ấn Độ đã bước vào thời đại công nghệ và phóng được vệ tinh lên vũ trụ nên không được để mê tín còn đất sống.