e magazine
Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giới

09:22 | 17/07/2023

Với vẻ đẹp và giá trị đã được khẳng định trong đời sống xã hội và văn hóa của người Việt, Áo dài không chỉ được tôn vinh, lan tỏa trong đời sống sinh hoạt và phạm vi lãnh thổ Việt Nam, mà đã và đang được các "sứ giả" lan tỏa rộng rãi đến bạn bè quốc tế.

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giới

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giới

Những tà Áo dài trên mặt trận ngoại giao

Không phải chỉ bây giờ, hình ảnh những nhà ngoại giao nữ của Việt Nam trong trang phục Áo dài đã xuất hiện trên trường quốc tế cách đây hơn nửa thế kỷ. Trong hồi ký của mình, bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam – đã gọi ngoại giao là một mặt trận đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một nhiệm vụ nặng nề, “một trang rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động của tôi”. Hoạt động ngoại giao của bà Nguyễn Thị Bình bắt đầu từ những chuyến đi ra nước ngoài đầu thập niên 1960.

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giới

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh tư liệu)

Vào tháng 3/1963, đoàn đại biểu Việt Nam gồm 3 người do bà Nguyễn Thị Bình với danh nghĩa Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam dẫn đầu dự Đại hội phụ nữ thế giới tại Moscow (Liên Xô). Tại Đại hội, hàng nghìn đại biểu các nước trong hội trường đã sững sờ khi nghe những người phụ nữ Việt Nam mảnh mai trong tà Áo dài nói về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Cả hội trường lặng đi, sau đó là những giọt nước mắt xúc động.

Vào ngày 27/1/1973, trong trang phục Áo dài truyền thống, hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình – Bộ Trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã gây ấn tượng đặc biệt với giới báo chí và nhân dân các nước. Phong thái điềm đĩnh, nhẹ nhàng nhưng không kém phần rắn rỏi, mạnh mẽ của “nữ tướng” ngành ngoại giao Việt Nam khi đó đã góp phần kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.

Những hình ảnh vô cùng ấn tượng của các nhà ngoại giao nữ Việt Nam đối với truyền thông quốc tế khi đó đã truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ làm ngoại giao sau này. Với những người làm trong ngành ngoại giao, đặc biệt là các nhà ngoại giao nữ, việc mặc Áo dài dường như đã trở thành một thói quen. Đối với Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Áo dài là trang phục không thể thiếu trong bất cứ sự kiện quốc tế quan trọng nào.

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giới

Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn của các nhà báo sau khi dự phiên họp đầu tiên bàn về thủ tục của Hội nghị 4 đoàn tại Paris (Pháp) ngày 18/1/1969. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Nguyễn Phương Nga chia sẻ: “Áo dài của Việt Nam được bạn bè quốc tế rất yêu thích. Ai cũng khen “Áo dài đẹp quá”, “Áo dài Việt Nam vừa lịch sự, vừa tôn được vẻ đẹp của người phụ nữ và cũng rất sang trọng, uyển chuyển”. Nhiều bạn bè quốc tế nói rằng “hễ nhìn thấy Áo dài, là nhớ ngay đến con người, văn hóa Việt Nam”.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết, Áo dài cũng là một trong những hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với bạn bè quốc tế khi tới Việt Nam. Đại sứ chia sẻ, bà rất ấn tượng với hình ảnh nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) Irina Bokova luôn xuất hiện trong trang phục Áo dài khi tham dự các sự kiện tại Việt Nam. Bà Bokova luôn bày tỏ niềm vui và vinh dự mỗi khi được mặc Áo dài; đồng thời mong muốn lan tỏa cũng như giới thiệu cho thế giới biết thêm nữa về một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.

Tự hào khi được mặc Áo dài

Nói về lý do thường xuyên lựa chọn trang phục Áo dài khi tham gia các sự kiện quốc tế, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết: "Tôi rất tự hào khi mặc Áo dài tham gia các diễn đàn quốc tế, đến các nước, tham dự các sự kiện ngoại giao... Với tôi, mặc Áo dài là mang hình ảnh đẹp nhất của dân tộc đến với thế giới”.

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giới

Mỗi quốc gia, dân tộc đều có một trang phục của riêng mình, người Nhật có Kimono, người Hàn quốc có Hanbok, người Trung Quốc có Sườn xám…, còn người Việt Nam tự hào về chiếc Áo dài. Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc mà còn chứa đựng một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. “Khi được mặc Áo dài đại diện cho đất nước, việc đầu tiên tôi muốn làm là lan tỏa giá trị của Việt Nam, truyền thống của Việt Nam ra thế giới. Ngoài ra, Áo dài cũng nhắc nhở người mặc phải ứng xử cho xứng đáng với giá trị truyền thống và lịch sử hào hùng của đất nước”, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.

Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định Áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì Áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hoá của dân tộc Việt.

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giới

Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, “Áo dài Việt Nam xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bởi lẽ Áo dài gắn liền với lịch sử, quá trình phát triển của đất nước, với người phụ nữ Việt Nam; đồng thời là đại diện xuất sắc của Việt Nam trong làng thời trang quốc tế”. Đại sứ tin tưởng, Áo dài tiếp tục được tôn vinh, tiếp tục được phụ nữ Việt yêu mến, đồng thời bày tỏ mong muốn Áo dài Việt Nam sẽ ngày càng đẹp hơn, phổ biến hơn trên thế giới.

Để văn hóa Việt Nam lan tỏa trên nước bạn

Không chỉ có những nhà ngoại giao, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng chính là những “sứ giả” góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước sở tại, lan tỏa những giá trị độc đáo của Việt Nam đi khắp năm châu.

Áo dài Việt Nam dù ở bất kỳ đâu luôn đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, của văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài luôn trân trọng và gìn giữ, đồng thời tôn vinh tà Áo dài như một cách để quảng bá Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giới

Sinh viên Việt Nam tại Nga biểu diễn một tiết mục văn nghệ trong trang phục Áo dài và nón lá truyền thống của Việt Nam. (Ảnh: HH)

Với kiều bào sống xa quê hương, hình ảnh chiếc Áo dài Việt Nam luôn in đậm trong tâm trí với niềm tự hào “quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu”. Thế nên, “dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa”, các Đại sứ quán cùng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức rất nhiều hoạt động tôn vinh Áo dài.

Anh Ngô Bá Hoàng Hải, Bí thư thứ ba, Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ tại Liên bang Nga cho biết, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liên bang Nga, Áo dài thường được các nữ cán bộ, nhân viên, các phu nhân cán bộ ngoại giao mặc vào những dịp đặc biệt, như Tết cổ truyền, dâng hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh, các hoạt động mít tinh kỷ niệm và trong một số buổi tiếp xúc, chiêu đãi đối ngoại.

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giớiÁo dài luôn được các nữ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga mặc trong những dịp đặc biệt (Ảnh: HH)

Theo anh Ngô Bá Hoàng Hải, việc sử dụng trang phục truyền thống Việt Nam đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, đồng thời quảng bá hình ảnh con người Việt Nam và những nét đẹp trong văn hoá của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước. Các thế hệ người Việt tại Nga vẫn thường xuyên nhắc nhở con cháu trong việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Áo dài Việt Nam là một trong những nét đẹp truyền thống được rất nhiều người Việt Nam thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra trên đất Nga trân trọng mặc trong những dịp lễ, ngày kỷ niệm hay các hoạt động do chính quyền sở tại tổ chức.

Anh Hoàng Hải cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga trong thời gian qua đã tích cực đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hoá, đồng thời gìn giữ văn hoá, bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây. Tại một số hoạt động Ngày Văn hoá Việt Nam do các trường Đại học tại Liên bang Nga tổ chức, có thể thấy hình ảnh các sinh viên người Nga, sinh viên quốc tế mặc áo dài Việt Nam. Trang phục Áo dài truyền thống của người Việt Nam đã không còn xa lạ với bạn bè quốc tế nói chung và tại Liên bang Nga nói riêng.

Bạn Nguyễn Thị Dinh hiện đang là Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN), Uỷ viên Ban Cán sự Đoàn tại Liên bang Nga cho biết: “Bản thân em cũng như rất nhiều bạn du học sinh Việt Nam khi được cử ra nước ngoài học tập, trong hành trang mang đến nước Nga, Áo dài là vật không thể thiếu. Em luôn ý thức rằng đây là văn hoá, là nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, nên tại các dịp lễ hay hoạt động quan trọng, em đều chủ động mặc Áo dài. Việc mặc Áo dài với em không chỉ làm tôn lên nét đẹp của người con gái mà còn là dịp để tự hào với bạn bè Nga hay bạn bè quốc tế trong trường rằng mình là người Việt Nam”.

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giới

Bạn Nguyễn Thị Dinh cho biết, ngôi trường Đại học bạn đang theo học là ngôi trường có rất đông du học sinh các nước và nếu nhìn thoáng qua, sẽ rất khó để phân biệt các sinh viên đến từ quốc gia nào. Tuy nhiên, khi mặc Áo dài tại các sự kiện của trường, nhiều người có thể nhận ra ngay người Việt Nam. Có thể thấy, hình ảnh Áo dài Việt Nam đã rất thân quen với bạn bè quốc tế. Sắp tới đây, Dinh dự định sẽ mặc chiếc Áo dài Việt Nam tại buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ . “Đây là sự kiện quan trọng đối với bản thân em cũng như các bạn du học sinh được cử sang Nga học tập. Việc mặc Áo dài sẽ làm em thấy tự tin hơn với phần chuẩn bị của mình khi đứng trước hội đồng”, Dinh chia sẻ.

Áo dài luôn gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước

Vô cùng xúc động và tự hào là cảm xúc của các nữ quân nhân tại Phái bộ An ninh Lâm thời Liên hợp quốc (UNISFA), khu vực Abyei, châu Phi mỗi khi khoác trên mình chiếc Áo dài truyền thống của quê hương để tham dự các lễ hội, hội nghị quan trọng.

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giớiCác nữ quân nhân của Đội Công binh số 1 của Việt Nam luôn cảm thấy xúc động, tự hào khi mặc Áo dài truyền thống trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại khu vực Abyei, châu Phi (Ảnh: Quang Tuyển)

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA khu vực Abyei có 21 nữ quân nhân trong đội hình Đội Công binh số 1. Trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, chị em phụ nữ trong Đội đã được may tặng 2 bộ Áo dài. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ trong thời gian vừa qua, những bộ Áo dài truyền thống của Việt Nam thường được các chị em mặc trong những dịp lễ, tết của dân tộc Việt Nam; khi đón tiếp khách quốc tế đến thăm đơn vị, khi tham gia giao lưu với các đơn vị bạn, hay trong các hoạt động nhân đạo, khánh thành các công trình nhân đạo….

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Quyên, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 1, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Đội công binh số 1 cho biết, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, trong đội hình Đội công binh số 1, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ chung của đội, chị có cơ hội được tham gia một số chương trình giao lưu văn hóa, ẩm thực giữa các nước trong Phái bộ, có cơ hội được hiểu biết thêm về nền văn hóa của các nước như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Ghanna,… Nhận thấy đây là một vinh dự nhưng cũng là cơ hội để chị giới thiệu với bạn bè quốc tế về văn hóa, con người Việt Nam.

Chị Quyên chia sẻ: “Trong các hoạt động giao lưu hữu nghị đó, một trong những dấu ấn văn hóa mà tôi cảm thấy rất thú vị và sinh động đó là sự đa dạng về trang phục dân tộc của các nước. Giữa muôn vàn sắc màu phong phú đa dạng, chiếc Áo dài Việt Nam luôn nổi bật với kiểu dáng vô cùng thanh lịch, chất liệu mềm mại tôn lên nét dịu dàng, cùng với họa tiết hoa sen tinh tế mang hồn đất nước. Bạn bè quốc tế luôn dành sự yêu mến đặc biệt với tà Áo dài duyên dáng của Việt Nam”.

Chị Quyên cho biết, bản thân chị cũng như các chị em phụ nữ nói chung mỗi khi được diện Áo dài sẽ luôn cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, cảm thấy đó không chỉ là trang phục thể hiện vẻ đẹp về hình thức mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn, cho sự dịu dàng nhưng rất đỗi kiên cường cũng như sức mạnh nội tâm mãnh liệt của người phụ nữ Việt Nam.

“Đây cũng chính là động lực tinh thần để tôi và các chị em khác trong Đội công binh cố gắng hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, thể hiện được tình yêu với quê hương đất nước, lòng yêu chuộng hòa bình, và sự chung tay với các lực lượng khác giúp đỡ người dân khốn khổ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh xung đột”, Trung tá Quyên chia sẻ.

Bài 3: Những "sứ giả" đưa Áo dài ra thế giới

Những khoảnh khắc đầy tự hào của Đội Công binh số 1 khi có cơ hội được giới thiệu với các đồng nghiệp quốc tế về trang phục truyền thống của dân tộc (Ảnh: ĐCB)

Cùng thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA, Trung tá Adnan Shahab (Phó trưởng Phòng Kế hoạch Phái bộ, Trợ lý Quân sự của Phó Tư lệnh Phái bộ) cho biết, anh biết đến Áo dài qua các sự kiện có tính giao lưu văn hóa tại Phái bộ. Anh thấy các nữ công binh Việt Nam khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc thì mang đến một hình ảnh khác lạ so với thường ngày mặc trang phục của Liên hợp quốc dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình. Đó là một hình ảnh rất duyên dáng, dịu dàng. Và đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều nước cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ, thì Áo dài chính là một “dấu hiệu nhận biết” về đất nước, con người Việt Nam.

Có thể nói, Áo dài với vẻ đẹp nữ tính điển hình đang là “đại sứ” không lời, lặng lẽ quảng bá hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới. Trải qua bao đổi thay của xã hội và thời đại, chiếc Áo dài vẫn luôn là biểu tượng tuyệt đẹp của nền văn hóa dân tộc, là niềm tự hào, biểu tượng của con người Việt Nam, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/bai-3-nhung-su-gia-dua-ao-dai-ra-the-gioi-641274.html

Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tin bài liên quan

Ra mắt Câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam tại Bỉ

Ra mắt Câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam tại Bỉ

Câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam tại Bỉ đã thực sự đánh thức niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người Việt xa xứ. Đồng thời, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Giới thiệu nhiều ấn phẩm văn học Việt Nam đến bạn bè Hong Kong (Trung Quốc)

Giới thiệu nhiều ấn phẩm văn học Việt Nam đến bạn bè Hong Kong (Trung Quốc)

Đa dạng các ấn phẩm, từ truyện thơ cổ điển bằng chữ Quốc ngữ, chữ Nôm như: “Truyện Kiều”, “Lục Vân Tiên”, đến các tác phẩm văn học nổi bật như: “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Trò Đời”, “Giông tố”, “Bỉ vỏ”… được trưng bày tại Hội chợ sách Hong Kong lần thứ 34 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 17-23/7.
Sâu đậm ấn tượng Việt Nam tại Lễ hội văn hóa dân tộc Bagnara ở Italy

Sâu đậm ấn tượng Việt Nam tại Lễ hội văn hóa dân tộc Bagnara ở Italy

Ẩm thực và văn hóa Việt Nam đã trở nên khá quen thuộc tại thị trấn Bagnara di Romagna, tỉnh Ravenne thuộc vùng Emilie Romagna, miền Bắc Italy. Ấn tượng về Việt Nam của những người tham dự Lễ hội văn hóa dân tộc Bagnara lần thứ 16, được tổ chức trong các ngày 27 - 30/6, càng sâu đậm hơn nhờ những điểm nhấn đặc biệt.

Tin mới

Giới thiệu 39 bức tranh của các nghệ sĩ đương đại bậc thầy về nghệ thuật thế giới

Giới thiệu 39 bức tranh của các nghệ sĩ đương đại bậc thầy về nghệ thuật thế giới

Từ ngày 11-21/10/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, Việt Nam) sẽ diễn ra Triển lãm nghệ tụ Việt Nam – Hồng Kông (Trung Quốc). Triễn làm trưng bày 39 bức tranh của các nghệ sĩ đương đại bậc thầy về nghệ thuật thế giới và các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam
Ngoại giao văn hóa: Cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới

Ngoại giao văn hóa: Cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đã coi việc xây dựng, quảng bá hình ảnh như một chiến lược sức mạnh mềm quan trọng nhằm nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Tin khác

Nước mắm, mắm nêm lọt top 100 loại nước chấm ngon nhất thế giới

Nước mắm, mắm nêm lọt top 100 loại nước chấm ngon nhất thế giới

Chuyên trang ẩm thực Taste Atlas vừa công bố danh sách 100 loại nước chấm ngon nhất thế giới, trong đó Việt Nam ghi danh với hai loại nước chấm là nước mắm và mắm nêm.
Khách du lịch Hàn Quốc đứng đầu các quốc gia bị thu hút bởi ẩm thực Việt Nam

Khách du lịch Hàn Quốc đứng đầu các quốc gia bị thu hút bởi ẩm thực Việt Nam

Dữ liệu của khảo sát của Agoda vừa công bố, du khách Hàn Quốc đứng đầu các quốc gia bị thu hút bởi ẩm thực Việt Nam, xếp theo sau là Nhật Bản và Thái Lan.
Cà Mau đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch từ Famtrip

Cà Mau đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch từ Famtrip

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau vừa tổ chức đoàn Famtrip gồm các cơ quan thông tấn báo chí; doanh nghiệp du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh tham gia khảo sát tuyến du lịch tại các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn các huyện: Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời nhằm giới thiệu điểm đến du lịch Cà Mau với các đơn vị lữ hành và du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2024”.
Khoảnh khắc ghi dấu ấn mới trong hành trình thần tốc của đại học tinh hoa VinUni

Khoảnh khắc ghi dấu ấn mới trong hành trình thần tốc của đại học tinh hoa VinUni

Ngày 05/10/2024, Trường Đại học VinUni được Tổ chức xếp hạng giáo dục uy tín QS - Quacqurelli Symonds (Anh Quốc) trao chứng nhận QS 5 sao toàn diện trong Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Sự kiện đánh dấu năm thứ 5 VinUni chính thức đi vào hoạt động và trở thành trường đại học trẻ tuổi nhất với tốc độ nhanh nhất thế giới đạt được danh hiệu danh giá trong lịch sử của QS.
Phiên bản di động