Những ngôi nhà đất của người Nùng Phàn Slình Lạng Sơn thời nay
Về nguồn gốc của những ngôi nhà đất, ông Lý Văn Ỏn, dân tộc Nùng, sinh năm 1932, tại bản Nà Lẹng, thôn Nà Lệnh, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Chẳng biết những ngôi nhà đất đã có từ bao giờ, lúc tôi còn nhỏ đã nghe các cụ kể rằng nhà đất có từ lâu lắm rồi”. Những gia đình có 2 người con trai trở lên, sau khi lấy vợ cho con, bố mẹ sẽ làm nhà cho con cái ra ở riêng. Từ đó, ngôi nhà sẽ gắn bó với người đó cho tới khi lìa đời. Theo ông Lý Văn Ỏn, người Nùng Phàn Slình quan niệm được chút hơi thở cuối cùng trong căn nhà của mình là một điều gì đó rất thiêng liêng, vậy nên dù lúc ốm đau có đi viện khám chữa, nhưng khi biết không qua khỏi, người ta thường xin bệnh viện cho về nhà để được nhắm mắt trong ngôi nhà của mình.
Tường của ngôi nhà trình tường ở Lạng Sơn. Ảnh: Dương Công Bao |
Nhà của người Nùng Phàn Slình ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là nhà đất, với 2 loại chủ yếu là nhà trình tường và nhà gạch mộc. Cả 2 loại hình nhà đều được làm từ nguyên liệu trong tự nhiên sẵn có như bùn đất, đá, gỗ…
Nhà trình tường tiếng Nùng Phàn Slình gọi là “hờn xình” (hờn = nhà, xình = tường = trình tường). Tường được làm bằng đất, độ dày khoảng từ 50 - 60cm. Khi trình tường, người ta dùng hai tấm ván dày làm khuôn ép hai bên, cho đất sét vào trong khuôn, mỗi lớp tường cao khoảng 40 - 50cm, các lớp tường được gắn với nhau bởi thanh tre đã được ngâm nước. Sau khi đổ đất và cho thanh tre vào khuôn, người ta dùng dầm để nện kỹ đất, sau đó tháo ván ra, để tường khô rồi làm tiếp lớp khác.
Bản trình tường của người Nùng ở Lạng Sơn. Ảnh: Dương Công Bao |
Nhà gạch mộc, tiếng Nùng Phàn Slình gọi là “hờn chên” (hờn = nhà, chên = gạch mộc). Tường nhàđược xếp bằng gạch sống, gạch hình vuông, với kích thước khoảng 30 - 40cm. Các lớp gạch được kết dính với nhau bởi một lớp bùn non. Tường thường cao khoảng 3 - 3,5m. Phía ngoài tường nhà người ta thường chát một lớp bùn trộn với phân trâu, một số nhà còn quét một lớp vôi bên ngoài.
Mái nhà đất được lợp bằng cỏ tranh hoặc mái ngói âm dương, cách lợp cứ 1 hàng ngửa 1 hàng úp, rìa của hàng nọ phủ lên lòng của hàng kia, người ta phải lợp làm sao cho ngói hai hàng ngoài cùng phải úp
Làm nhà gạch mộc. Ảnh: ST |
Ông Lý Văn Ỏn cho biết thêm, trước đây, để làm một ngôi nhà truyền thống, từ khi chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành phải mất vài tháng đến nửa năm. Trong thời gian làm nhà, mọi người trong cộng đồng bản đều cố gắng giúp đỡ hoặc là bằng vật chất, hoặc là bằng ngày công, với tinh thần “bát mưng bát câu” (có đi có lại). Qua đó, việc dựng nhà là phương tiện để người dân trong bản đoàn kết với nhau hơn.
Theo Nhà nghiên cứu Dân tộc học Hoàng Hoa Toàn “Theo truyền thống của người Nùng, việc làm nhà cửa là dịp tương trợ nhau trong làng bản. Khi gia đình nào đó có ý định làm nhà thì mọi người trong bản giúp việc lên rừng khai thác gỗ. Đủ gỗ rồi vận chuyển về nhà, lại đưa xuống ao, suối ngâm để chống mối mọt… rồi vớt lên, rồi cưa, bào, đục, đẽo…”.
Nhà gạch mộc nhìn từ phía trước. Ảnh: Lý Viết Trường |
Sau khi làm xong nhà, gia chủ sẽ làm lễ “khảu hờn mau” (vào nhà mới), với mục đích rước rửa vào nhà và dựng bàn thờ tổ tiên. Lễ vào nhà mới của người Nùng Phàn Slình bắt buộc phải do thầy cúng (tào, mo) tiến hành. Đồng bào quan niệm, thầy cúng là người có sức mạnh siêu nhiên, có khả năng giao tiếp với thần linh. Ngoài ý nghĩa về mặt tín ngưỡng, lễ vào nhà mới còn mang ý nghĩa cố kết cộng đồng sâu sắc. Trong lễ vào nhà mới, gia chủ sẽ mời tất cả những người họ hàng, hàng xóm đã giúp đỡ gia đình trong quá trình làm nhà đến cùng ăn bữa cơm chia vui với gia đình. Khách mời tham dự lễ vào nhà mới đáp lại tình cảm của gia chủ bằng những lời chúc, những bài sli mừng nhà mới, ca ngợi vẻ đẹp của ngôi nhà và sự hiếu khách của gia chủ.
Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế và văn hóa đang biến đổi mạnh mẽ, nhà cửa truyền thống đang mai một dần, thay vào đó là những ngôi nhà bê tông hiện đại. Việc bảo tồn hay phá bỏ nhà truyền thống để xây dựng những ngôi nhà hiện đại đang là bài toán khó, yêu cầu các nhà làm chính sách và người dân cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.
Độc đáo tục cưới hỏi của người Pa Dí ở Lào Cai |
Cờ bạc "đại náo" vùng biên: Ném tiền vào ổ bạc |
Những nghề chỉ ở vùng giáp biên mới có |