Những lưu ý khi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Du khách thích thú với công nghệ sa bàn 3D mapping tái hiện các trận đánh thời xa xưa (Ảnh: Bảo tàng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) |
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng tại khu vực Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, từ năm 2019. Với diện tích rộng tới 386.600m², bảo tàng hiện lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, bao gồm 4 bảo vật quốc gia quý giá. Kiến trúc hiện đại của bảo tàng không chỉ để trưng bày về các giai đoạn lịch sử của chiến tranh mà còn là một không gian giao lưu, nơi khách tham quan có thể trải nghiệm và hiểu sâu hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thiết kế trưng bày của bảo tàng ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như sa bàn 3D mapping, các màn hình tra cứu thông tin và thuyết minh tự động audioguide. Khách tham quan có thể quét mã QR để tìm hiểu chi tiết về hiện vật và xem hơn 60 video giới thiệu về các chiến dịch lịch sử, trận đánh, cũng như những nhân vật anh hùng. Ngoài ra, bảo tàng còn nổi bật với tòa tháp Chiến thắng cao 45m ở sân trước và khối nhà chính có diện tích sàn rộng 64.640m2, mang đến diện mạo đặc trưng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Nhiều du khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu về lịch sử quân sự Việt Nam (Ảnh: Bảo tàng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) |
Trong khuôn viên bảo tàng có các khu vực trưng bày ngoài trời, chia thành hai phần: bên trái là các vũ khí và trang bị của Quân đội Việt Nam, như pháo 85mm, pháo cao xạ 57mm, xe tăng PT67, máy bay MiG 17 và SU22; bên phải là các vũ khí của quân đội Pháp và Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Nổi bật trong số này là pháo tự hành M-107 cỡ nòng 175mm và các loại máy bay Mỹ như A37, F5E, CH47, và C130, cùng nhiều loại bom đạn.
Phía trong bảo tàng, các hiện vật trưng bày theo 6 chủ đề lịch sử từ thời kỳ dựng nước và giữ nước đến hiện đại. Các hiện vật này được trưng bày theo trình tự thời gian, có chú thích chi tiết và tích hợp các hình thức truyền tải đa phương tiện như hình ảnh, màn hình thông tin, thuyết minh tự động. Đặc biệt, chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324, biểu tượng của lực lượng không quân Việt Nam, được treo trên trần bằng dây cáp, tái hiện hình ảnh nó đang xuất kích bảo vệ Tổ quốc.
Các khu trưng bày ngoài trời và các biểu tượng hòa bình, như cây xanh và cánh chim bồ câu, là điểm nhấn khác trong kiến trúc của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Điều này thể hiện khát vọng hòa bình của Việt Nam và tinh thần của các thế hệ chiến sĩ trong suốt lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc.
Toàn bộ không gian bảo tàng là sự kết hợp giữa các hiện vật, công nghệ trình chiếu và mô hình sống động, giúp khách tham quan cảm nhận rõ rệt tinh thần anh hùng của quân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hứa hẹn mang đến những trải nghiệm đa chiều, sâu sắc cho những ai yêu thích lịch sử và văn hóa quân sự của Việt Nam.
Khách tham quan Bảo tàng cần lưu ý những điều sau - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ mở cửa đón du khách tham quan miễn phí đến hết tháng 12/2024. - Khung giờ mở cửa tại Bảo tàng: Sáng từ: 8h-11h; Chiều từ: 13h -16h30. Bảo tàng sẽ tạm đóng cửa vào các ngày thứ 2, thứ 6 hàng tuần. - Từ trung tâm Hà Nội, du khách có thể đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bằng xe bus. Một số tuyến bus thuận tiện như 71B, 74, 107 sẽ đưa du khách đến gần địa điểm bảo tàng. Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, có thể đi dọc theo Đại lộ Thăng Long để đến Bảo tàng, thời gian di chuyển khoảng 30 phút tính từ trung tâm Hà Nội. - Trang phục lịch sự, nên mang theo mũ, nón. - Khách tham quan không tì tay lên kính, không chạm tay hay trèo lên hiện vật. Khi quay phim, chụp ảnh phải hỏi ý kiến nhân viên Bảo tàng để biết được phạm vi cho phép. Không dùng đèn flash để chụp ảnh hiện vật Bảo tàng. - Khách tham quan phải chịu trách nhiệm nếu gây ra bất cứ tổn thất nào cho Bảo tàng. - Các cơ quan, đơn vị, trường học… đến tham quan theo đoàn cần liên hệ đăng ký trước. |
Ấn tượng triển lãm "Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia" Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967-24/6/2022), ngày 22/6, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Thư viện Quân đội tổ chức khai mạc triển lãm "Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia". |
Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Campuchia: Lời kể của những hiện vật Tập bài hát, đĩa hát Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk tặng bộ đội Trường Sơn; chứng minh thư của ông Nguyễn Thế Bôn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7; chiếc đài của Trung tướng Nguyễn Chức... Đó là một số hiện vật trong tổng số hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu được trưng bày tại triển lãm "Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia". |