Những hồi ức còn mãi về Cuộc gặp gỡ nhân dân Việt – Mỹ tại Bratislava
Tham dự Lễ kỷ niệm có: nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến cùng đại diện lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam. Đặc biệt, có sự tham dự của Họa sỹ George Burchett, con trai Nhà báo nước ngoài nổi tiếng Wilfred Burchett, dành rất nhiều tâm huyết và tình yêu cho đất nước và con người Việt Nam, người đã thực hiện bộ phim tài liệu: “Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Toàn cảnh buổi lễ. (Ảnh: Phi Yến)
Cách đây đúng nửa thế kỷ, tháng 9/1967 tại thủ đô Bratislava của Tiệp Khắc, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa nhân dân tiến bộ hai nước Việt - Mỹ đã diễn ra trong những ngày sôi nổi của phong trào phản chiến ở Mỹ thập niên 60. Đây là cuộc gặp gỡ có ý nghĩa quan trọng, đem đến cho các bạn Mỹ niềm tin vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Năm 1967, dù bị sa lầy trên chiến trường Việt Nam nhưng Mỹ vấn tiếp tục mở rộng quy mô cuộc chiến. Điều đó càng khiến dư luận Mỹ căm phẫn, châm ngòi cho sự bùng nổ hàng loạt phong trào phản chiến. Nhiều đại biểu của các phong trào phản chiến Mỹ này đã chủ động liên hệ với đoàn thể nhân dân Việt Nam để phối hợp trong phong trào chống chiến tranh.
Tháng 9/1967, cuộc gặp gỡ giữa đại biểu của các phong trào phản chiến Mỹ và đoàn đại biểu từ hai miền của Việt Nam - đoàn miền Bắc do ông Nguyễn Minh Vỹ dẫn đầu, đoàn miền Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu), diễn ra tại Bratislava - đã giúp nhân dân Mỹ hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam, giúp Việt Nam hình thành mặt trận đấu tranh thứ hai ngay trong lòng nước Mỹ.
Chủ tịch Hội Việt - Mỹ Nguyễn Tâm Chiến phát biểu khai mạc. (Ảnh: Phi Yến)
Nhấn mạnh về ý nghĩa của Cuộc gặp gỡ đại diện nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ tại Bratislava năm 1967, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến nêu rõ, sự kiện cũng cho thấy sự đúng đắn của đường lối kháng chiến của Việt Nam Nam về tiến hành cùng lúc cuộc chiến đấu trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao để đánh bại sức mạnh vũ khí hiện đại và ý chí xâm lược của kẻ thù. Phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, rút quân đội Mỹ về nước và tình đoàn kết và sự ủng hộ của các tầng lớp tiến bộ trong xã hội Mỹ và nhân dân thế giới đối với Việt Nam là nhân tố góp phần quan trọng đưa đến chiến thắng hiển hách của Việt Nam.
Nhớ lại hồi ức của 50 năm về trước, Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, khi ấy là Trưởng đoàn Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trong cuộc gặp gỡ Việt - Mỹ tại Bratislava đánh giá: Tuy sự kiện tại Bratislava không phải là diễn đàn đối thoại đầu tiên giữa nhân dân hai nước, song nó là dấu mốc lịch sử hết sức quan trọng trong công tác đối ngoại nhân dân, bởi sự tham gia của nhiều thành phần, nhiều tầng lớp và sắc tộc (bao gồm: thanh niên, sinh viên, mục sư, phóng viên, người da màu).
“Bratislava là cuộc gặp gỡ có tính bước ngoặt trong phong trào hòa bình, đoàn kết và có ảnh hưởng sâu sắc tới mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ”, bà nói. Tại Bratislava, trong bầu không khí cởi mở, thân thiện, trước sự có mặt của 80 đại biểu tham dự, bà Bình đã khẳng định: Người Việt Nam không hề muốn chiến tranh, nhưng bắt buộc phải cầm súng khi đất nước bị xâm lược.
Bà Nguyễn Thị Bình ( đứng) chia sẻ những kỷ niệm tại Hội nghị. (Ảnh: Phi Yến)
Bà Bình vô cùng xúc động khi nhắc lại một kỷ niệm đẹp, đó là tại hội nghị Bratislava, bà đã có dịp được biết đến các tổ chức đoàn kết vì Việt Nam ở những đất nước rất xa xôi mà bà lần đầu tiên được biết tên.
Nhân dịp này, bà cũng nhấn mạnh sự đóng góp của những người bạn Mỹ trong phong trào hòa bình, như giáo sư , Tiến sỹ Thomas N. Gardner, một người bạn vẫn luôn đồng hành ủng hộ cho Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua, người mà bà lần đầu tiên gặp tại Hội nghị Bratislava với vai trò thủ lĩnh sinh viên Mỹ yêu chuộng hòa bình.
Xúc động khi được xem lại bộ phim của cha mình về chiến tranh Việt Nam, họa sỹ George Burchett chia sẻ: “Qua nhiều năm, tôi đã gặp nhiều nhà hoạt động chống chiến tranh của Mỹ. Hầu hết họ đều cho biết họ học về Việt Nam từ các bài báo và sách của bố tôi, nhà báo người Australia Wilfred Burchett. Tôi lớn lên cùng với cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đối với tôi, có hai cuộc chiến tranh, một là cuộc chiến tranh du kích với những anh hùng là thanh niên và phụ nữ, trong những khu rừng nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam, một cuộc chiến khác của những người trẻ tuổi tại đường phố của nhiều thủ đô của các nước trên thế giới chống lại chiến tranh ở Việt Nam. Những người trẻ tuổi của Việt Nam đã đứng lên cầm vũ khí, hi sinh mạng sống, chiến đấu đến cùng để bảo vệ và thống nhất đất nước. Nhiều người trẻ tuổi trên khắp thế giới đã đồng lòng với những người anh em Việt Nam chiến đấu cho lẽ phải trên đường phố Washington, New York, Chicago, Paris, London, Berlin, Tokyo và nhiều thành phố khác”.
Cựu đại tá CIA Andre Sauvageot. (Ảnh: Phi Yến)
Còn với Cựu đại tá CIA Andre Sauvageot, ông thừa nhận mình đã “mù quáng, thiển cận, thiếu hiểu biết về tình hình Việt Nam” khi được điều động tham gia vào cuộc chiến trong những năm 60.
Tuy nhiên, ông đã may mắn khi kịp thời nhìn nhận ra sự phi nghĩa của cuộc chiến. Thay vì trở về Mỹ sau 1 năm nhập ngũ như thông lệ, Andre đã tình nguyện ở lại Việt Nam tới 9 năm để tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, qua đó đóng góp tiếng nói vào việc thuyết phục chính phủ Mỹ từ bỏ cuộc chiến.
Sau này, nhờ thông thạo tiếng Việt, Đại tá Sauvageot đã được mời phiên dịch cho rất nhiều cuộc tiếp xúc giữa hai bên kể cả trong và sau chiến tranh, góp phần vào quá trình hàn gắn quan hệ song phương
Bày tỏ tình cảm và ấn tượng tốt đẹp đối với Việt Nam, là một đất nước, dân tộc bao dung, vị tha, Andre Sauvageot chia sẻ: Từ đó đến giờ, tôi đã tích cực vận động những người Mỹ, đặc biệt là giới doanh nghiệp hãy có cái nhìn đúng đắn về Việt Nam, về một đất nước yêu hòa bình, không bao giờ gây chiến tranh mà chỉ đứng lên đấu tranh khi bị xâm lăng.
Cuộc gặp gỡ nhân dân Việt - Mỹ tại Bratislava Tiệp Khắc giữa đại diện các tổ chức nhân dân chống chiến tranh và hòa bình ở Mỹ và đại diện các tổ chức nhân dân Việt Nam ở hai miền Nam và Bắc của Việt Nam đã diễn ra vào tháng 9/1967. Đoàn Mỹ có 41 người là các đại diện các trí thức, tôn giáo, tổ chức cộng đồng người da đen, phụ nữ, thanh niên công đoàn do các ông Delinger, Renis David và Tom Hayden dẫn đầu. Hai đoàn Việt Nam từ miền Bắc do ông Nguyễn Minh Vỹ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên huấn Trung ương dẫn đầu. Trong đoàn có ông Nguyễn Khánh, Đỗ Xuân Oanh, Trịnh Ngọc Thái… Đoàn đại biểu nhân dân miền Nam do bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam dẫn đầu. Trong đoàn có bà Nguyễn Thị Định; các ông Nguyễn Văn Hiếu, Lê Mai, Đinh Bá Thi, Phạm Văn Chương, Huỳnh Xuân Ẩn, Trần Văn An. |
An Nhi