Những hồ nước kỳ lạ trên thế giới
Hồ nước tự nhiên tròn nhất thế giới
Hồ Kingsley. |
Hồ Kingsley được cho là hình thành như một hố sụt, đây không phải là một vùng nước nhân tạo mà là một vùng nước xuất hiện tự nhiên. Hình dạng tròn nhất của hồ Kingsley chỉ được nhìn thấy khi quan sát từ trên cao. Vì vậy, những phi công từng lái máy bay qua đây đã đặt cho hồ một tên gọi khác là Silver Lake.
Theo Cục Khảo sát Địa chất bang Florida, suốt hàng thế kỷ nay, hồ Kingsley có mực nước gần như không đổi bởi nó sở hữu hệ thống thoát nước hiệu quả trên bề mặt. Hệ thống này có thể dễ dàng giúp chuyển lượng nước lũ dư thừa từ hồ đến các khu vực xung quanh. Ngoài ra, việc sở hữu nhiều vùng nước nông cũng khiến cho việc bổ sung nước hồ trở nên thuận tiện, tạo nên sự cân bằng nước tuyệt đối. Hồ đang là nơi cung cấp môi trường sống cho những loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa như đại bàng hói, rắn chàm, gấu đen Florida…
Hồ nước mặn chết chóc nhất thế giới
Hồ Gaet’ale. |
Nước trong hồ này bão hòa với muối đến mức khi chạm tay xuống sẽ có cảm giác nhờn trên tay nên người dân địa phương gọi nó là “hồ dầu”. Một số người còn gọi nó là “hồ sát thủ” vì lượng khí độc thải ra qua bề mặt nước khiến bất kỳ sinh vật nào khi tới gần cũng gặp nguy hiểm. Khí độc được cho là hình thành từ hoạt động của núi lửa nằm dưới hồ. Chim và côn trùng thường bỏ mạng bên bờ hồ và giữ nguyên trạng thái như lúc chúng vừa chết. Điều kỳ lạ là dù chết khá lâu, cơ thể chúng không có dấu hiệu phân hủy và có một lớp muối bao bọc bên ngoài.
Không ai biết chính xác hồ Gaet’ale xuất hiện từ thời điểm nào. Tuy nhiên, năm 2005, một trận động đất đã kích hoạt lại ngọn núi lửa bên dưới hồ và liên tục bơm thêm nước mặn nên kích thước của nó ngày một lớn hơn. Nước trong hồ Gaet’ale thường xuyên dao động từ 50 đến55 độ C và chứa nhiều axit với độ pH từ 3,5 đến 4, khiến người tiếp xúc có thể bị bỏng và viêm da dễ dàng.
-50 độ C vẫn không thể đóng băng
Hồ Don Juan. |
Hồ có độ mặn lên tới 47,4%. Do đó, dù nằm ở một trong những khu vực lạnh nhất ở Nam Cực, nó vẫn không bao giờ đóng băng dù nhiệt độ xuống thấp tới -50 độ C. Các nhà nghiên cứu cho rằng hồ Don Juan có độ mặn lớn như vậy là bởi nó lấy muối từ các dòng nước ngầm dưới xuống chân của dãy Olympus và Asgrad. Ngoài ra, nó còn nhận được khoáng chất được hòa tan từ các tảng đá ven hồ. Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi 6 tháng, hệ thống nước ngầm bên dưới sẽ dâng lên cao và thoát lên mặt đất thành nước hồ Don Juan.