Những hạt gạo nghĩa tình nơi biên giới
Cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, BĐBP Bình Phước đến thăm, tặng gạo cho gia đình bà Thị Thích, ở ấp 8C, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, chúng tôi không khỏi xót xa cho hoàn cảnh của người phụ nữ quanh năm lam lũ. Qua trò chuyện được biết, bà Thích năm nay đã 65 tuổi, ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi nhưng bà vẫn phải bươn chải để nuôi người con trai thần kinh không bình thường. Trên gương mặt già khọm của bà in hằn lên từng nét khắc khổ.
Nhận 25kg gạo và một số nhu yếu phẩm như dầu ăn, bột ngọt, nước mắm từ cán bộ đồn Biên phòng, bà Thích xúc động nói: “Con trai tôi đã lớn nhưng không được bình thường, nhiều khi còn đánh, đuổi cả mẹ. Nhà không có đất sản xuất, cuộc sống bao năm qua của hai mẹ con tôi phụ thuộc vào sự hỗ trợ của xã hội nên bữa đói, bữa no. Nhận được gạo của BĐBP, tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành”.
Đại úy Lại Anh Vũ, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cho hay: Mỗi tháng một lần, đơn vị luân phiên tặng gạo cho 2 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Lộc Hòa, mỗi gia đình từ 25-30kg. Đây là số gạo được trích từ “Hũ gạo tình thương” của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Ngoài ra, đơn vị trích quỹ để mua thêm nhu yếu phẩm tặng bà con. Việc làm này đã được đơn vị duy trì đều đặn hơn 10 năm qua.
Tương tự như gia đình bà Thị Thích, gia đình ông Trần Văn Hiếu, ở ấp Tân Mai, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém. Ông Hiếu và vợ năm nay đã gần 80 tuổi, đều không còn khả năng lao động. Gia đình ông Hiếu nằm trong danh sách thường xuyên được Đồn Biên phòng Lộc Thành hỗ trợ gạo hằng tháng.
Trường hợp của gia đình bà Thích hay ông Hiếu là 2 trong số hàng trăm gia đình được các đơn vị BĐBP Bình Phước giúp đỡ thời gian qua. Với mô hình “Hũ gạo tình thương”, mỗi lần, trước khi nấu cơm, chiến sĩ nuôi quân ở các đơn vị BĐBP Bình Phước bớt một ít gạo trong khẩu phần ăn hằng ngày của bộ đội để cho vào hũ riêng. Mỗi tháng một lần, số gạo này sẽ được cho vào bao và chuyển đến giúp đỡ các gia đình khó khăn, neo đơn, người già, ốm đau. Bằng cách làm này, trung bình mỗi tháng, mỗi đồn Biên phòng thu được 40kg gạo để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đứng chân.
Binh nhất Hồ Quang Chí, chiến sĩ nuôi quân Đồn Biên phòng Lộc Thành tâm sự: “Mỗi lần cho từng nắm gạo vào “Hũ gạo tình thương” là một lần tôi cảm thấy vui vì làm được việc có ích. Bớt khẩu phần ăn của mình và đồng đội để chia sẻ cho những cảnh đời nghèo khó là một việc làm có ích. Dù mỗi bữa để dành ra một vài nắm gạo nhưng tích tiểu thành đại, hằng tháng, số gạo này được chuyển đến 2 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để bà con không bị đói ăn, đứt bữa”.
Theo Đại úy Nguyễn Hoàng Anh, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Lộc Thành, mô hình “Hũ gạo tình thương” nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo cán bộ, chiến sĩ không chỉ bởi tính nhân văn mà thông qua mô hình còn góp phần rèn luyện nếp sống cần kiệm, thương yêu và chia sẻ; đó cũng là đức tích mà mỗi người đều phải học hỏi và trau dồi theo gương Bác Hồ kính yêu.
Thượng úy Lê Văn Thiện, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, BĐBP Bình Phước cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, từ mô hình “Hũ gạo tình thương”, các đơn vị BĐBP Bình Phước đã tiết kiệm được 9.900kg gạo để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình neo đơn, không nơi nương tựa, không có khả năng lao động... Đó không chỉ thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta, mà còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người lính Biên phòng đối với nhân dân biên giới.
Mảnh đất cằn cỗi vươn mình nơi biên giới
Người dân xã biên giới Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang) đã hồi sinh sau “cú hích” từ Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025.
|
Những “tượng đài” trong lòng dân biên giới
Ở hai hoàn cảnh của đất nước và hai thế hệ khác nhau, nhưng câu chuyện của những người lính Biên phòng trên miền biên Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) có nét hao hao hình ảnh bộ đội thời kỳ kháng chiến chống Pháp trong bài hát “Bộ đội về làng” của nhạc sĩ Lê Yên. “Các anh về mái ấm nhà vui, tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ…”. Bộ đội Cụ Hồ thì thời nào cũng vậy, luôn vẹn nguyên tình yêu trong lòng nhân dân.
|
Rực rỡ mùa hoa trạng nguyên nơi biên giới
Xã biên giới Dìn Chin (Mường Khương) mùa này rực rỡ màu hoa trạng nguyên. Khách phương xa khi ghé vùng đất này, đều không khỏi ngỡ ngàng bởi loài hoa mang ý nghĩa thành công và may mắn lại mọc tươi tốt trên những sườn núi đá cằn khô. Màu hoa đỏ điểm tô, khiến ngày đông vùng biên thêm ấm áp, ngọt ngào.
|