Những góc khuất trong hộp đêm nổi tiếng bậc nhất Hong Kong
Thời còn làm nghề, Mary Zardilla gần như có mọi thứ trên đời. Từ năm 1986, thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa khoái lạc ở Hong Kong, bà dành cả một thập kỷ để leo lên vị trí má mì ở hộp đêm Bboss, nổi tiếng bậc nhất ở khu vực Tsim Sha Tsui.
Giống như nhiều người, Mary cũng liều lĩnh đế dấn thân vào nghề này. Khách hàng tìm đến khu Tsim Sha Tsui có cả những người nổi tiếng, chính trị gia và các doanh nhân thành đạt. Đây là khu vực kết hợp hộp đêm với khu giải trí dành cho nam giới rộng 70.000 m2, nơi ánh đèn luôn rực rỡ cùng các chương trình biểu diễn tốn kém và 1.000 nữ tiếp viên phục vụ nóng bỏng.
Bà Mary Zardilla, người từng làm má mì ở hộp đêm Bboss, Hong Kong
Trước khi gặp các tiếp viên bán dâm trong hộp đêm này, khách hàng phải gặp má mì Mary.
Công việc của bà là ghép đôi một khách hàng nam với một trong 100 cô gái thuộc quyền kiểm soát của mình. Mary còn học tiếng Nhật để có thể hiểu khách hàng tốt hơn bên cạnh khả năng khéo léo đọc vị đàn ông.
Đi theo bảo vệ Mary mọi lúc mọi nơi là hai vệ sĩ có vũ trang. Những má mì như Mary có thể kiếm bộn tiền về cho hộp đêm nhưng vẫn có những người bị đối xử tệ bạc.
"Một vài má mì bị đánh và nhập viện để cảnh cáo vì hành động bỏ trốn (đến hộp đêm khác)", bà Mary nhớ lại. Năm nay, người phụ nữ này tròn 63 tuổi, thân hình nhỏ nhắn với khuôn mặt ưa nhìn, không có nếp nhăn, trông trẻ hơn so với khi còn làm nghề.
"(Khi tôi bỏ nghề đó), tôi cầu xin: ‘Đừng đánh tôi. Tôi đã hoàn thành giao kèo và phải về quê đỡ đần gia đình nghèo khó ở Philippines’", Mary kể.
"Tôi buôn bán phụ nữ"
Cuối cùng thì Mary cũng được phép rời khỏi hộp đêm Bboss, nơi bà cùng làm việc với các má mì đến từ Australia, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Họ tự nguyện dấn thân vào con đường này chủ yếu là để thoát nghèo.
Một trong những chiếc xe Rolls-Royce trong hộp đêm Bboss ở Tsim Sha Tsui
"Chúng tôi chẳng còn cách nào khác", Mary nói. Bà bắt đầu đi làm từ khi mới 16 tuổi để phụ giúp cha mẹ và các em trong nhà.
Mary hướng dẫn cho các cô gái mọi thứ từ những nguyên tắc xã giao đến chuyện ăn mặc. Mỗi đêm, bà lại dắt mối cho khách hàng, những người chịu chi 243 USD đến 447 USD hoặc hơn tùy vào túi tiền cho một lần "gặp gỡ".
Trên thực tế, công việc của Mary cũng như các nữ nhân viên là hợp pháp. Bản thân Mary cũng ít khi nghi ngờ về công việc của mình. "Tôi bán các cô gái, vì làm má mì nên tôi làm thế", Mary thẳng thắn.
Lương của các má mì cũng được kế toán của các hộp đêm phân bổ và bị đánh thuế như các tiếp viên. Trong khi đó, các cô gái cũng đưa tiền hoặc quà để lấy lòng má mì, với mong muốn được họ ưu ái cho những vị khách giàu có nhất.
Má mì là người quản lý lịch trình của các cô gái và là người có quyền lực nhất trong các giao dịch với khách. Trên Mary chỉ có một người chủ duy nhất.
Bên trong hộp đêm Bboss
Buôn người và kinh doanh gái mại dâm không phải lúc nào cũng có mối liên hệ với nhau. Chẳng hạn ở các tụ điểm ăn chơi cao cấp như hộp đêm Bboss, nhiều cô gái tự nguyện đến đây từ Nhật, Anh, Mỹ, Philippines và Trung Quốc đại lục.
Dĩ nhiên cũng có cả những cô gái địa phương. Nhiều cô đến Hong Kong nhờ visa du lịch trước khi tự nguyện làm việc ở đây.
"Hộp đêm có thể giúp các cô gái trẻ có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong nhà chứa. Ở đó cũng tự do hơn", Mary cho hay. Bà cũng tiết lộ nhiều hộp đêm thậm chí còn tuyển dụng các cô gái nước ngoài bằng cách trả tiền vé máy bay và các chi phí khác nhưng không cho phép họ rời đi một khi đã đặt chân đến đây.
Trong trường hợp xấu nhất, nhiều người thực chất còn bị buôn bán. Họ bị lừa đến Hong Kong với lời hứa hẹn về những công việc tốt nhưng cuối cùng bị ép làm gái mại dâm rồi buộc phải làm việc trong hộp đêm vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Thậm chí chính những người tự nguyện đến đây cũng bị mắc kẹt trong các hộp đêm. "Một số cô muốn tìm công việc tốt hơn nhưng chưa học xong hoặc không có các kĩ năng cần thiết. Họ có thể rời đi nếu muốn … nhưng vì không còn lựa chọn nào khác nên bị kẹt lại trong môi trường này".
Nô lệ của đồng tiền
Sau khi cha qua đời, người mẹ suy sụp, Mary phải gồng mình nuôi cả gia đình. Bà rời nhà máy, nơi làm việc đầu tiên, để gia nhập một đoàn múa rồi đến Hong Kong năm 1972.
Mary kết hôn với một người đàn ông làm việc trong ngành nghệ thuật sau vài ba năm quen biết. Vì luôn bị chồng lừa dối nên bà chỉ biết cắm cúi làm việc để gửi tiền về cho gia đình.
"Tôi khao khát tình yêu nhưng không được đáp lại, rồi trở thành nô lệ của đồng tiền", Mary nhớ lại. Từ một cô gái ngây thơ, bà dần học được cách thích nghi với công việc má mì trong hộp đêm.
Đồng tiền làm cho Mary ngày một khác. Mức lương khởi điểm của bà là 2.558 USD/tháng chưa kể hoa hồng và 1.918 USD cho mỗi lần ký hợp đồng. Khi thấy những má mì khác được trả cao hơn, Mary lại yêu cầu được tăng lương.
Tham vọng về tiền bạc không dừng ở đó, bà tiếp tục làm việc cho đến khi trở thành má mì trong hộp đêm nổi tiếng ở khu vực này. Tại đó, bà được trả gần 64.000 USD/tháng và hơn 10.000 USD cho mỗi hợp đồng.
Không chỉ Mary, nhiều cô gái khác cũng bị hấp dẫn bởi ma lực của đồng tiền, thậm chí đồng ý cưới chồng vì cám dỗ đó. Nhiều khách hàng còn cho họ trang sức, tiền của để mua đất và nhà ở quê.
Từ đó, nhiều người thoát khỏi các hộp đêm và thường xuyên dự tiệc với các doanh nhân nổi tiếng ở Hong Kong. "Họ là những gái gọi cao cấp trong trang phục lộng lẫy", Mary nói.
Tuy nhiên, trong những năm tháng giàu có và dễ kiếm tiền đó, Mary biết rằng sâu thẳm trong bà và các cô gái là sự cam chịu và mất mát. Sống trong sự sung túc về vật chất nhưng họ luôn phải vật lộn với ma túy, thói nghiện rượu, cảm giác chán ghét bản thân và sự trống rỗng xâm chiếm.
"Khi làm việc trong hộp đêm, chúng tôi không thực sự được sống. Đó chỉ là những gì mang tính chất tạm thời… nhà hàng sang trọng, quần áo đẹp đẽ mà hạnh phúc chỉ là tạm bợ… Bạn phải làm tình với một người đàn ông mà bạn không hề thích thú. Tâm hồn và cảm xúc bạn bị tê liệt", Mary cho hay. Mỗi đêm, Mary và các cô gái đều phải uống thuốc giảm đau.
Rắc rối pháp lý
Bà Mary cho biết các hộp đêm thường xuyên nằm trong diện theo dõi của cảnh sát. Mary tin rằng ngày càng có nhiều cảnh sát được đào tạo để phát hiện những người phụ nữ bị ép buộc làm gái mại dâm. Ở Hong Kong, mại dâm là hợp pháp nhưng tổ chức mại dâm thì không.
Trong khi một vài hộp đêm ở Tsim Sha Tsui đã chuyển đến phố bar Wan Chai thì hộp đêm Bboss đã đóng cửa từ năm 2012.
Sandy Wong, Chủ tích Ủy ban Chống buôn người của Liên đoàn Nữ Luật sư Hong Kong, cho biết các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp để ngăn chăn nhu cầu làm nghề mại dâm ở thành phố này.
"Ở Thụy Điển, việc áp dụng các biện pháp cần thiết đối với những người mua dâm giúp giảm đáng kể tình trạng mại dâm và là mô hình được nhiều nước chấp nhận. Hong Kong cũng nên áp dụng mô hình đó".
Con đường đổi hướng
Một người bạn của Mary theo đạo Thiên chúa đã khuyên bà đi học Kinh thánh. Kể từ đó, bà dần dần thay đổi cả về thái độ và tính cách.
Thậm chí, Mary còn mời người bạn này về Hong Kong để trò chuyện với các cô gái mà bà quản lý, dù quán bar mà họ làm việc vẫn hoạt động mại dâm vào ban đêm.
Một cuộc họp báo được tổ chức tại quán bar Volvo Volvo, tiền thân của hộp đêm Bboss
Sau 17 năm làm nghề má mì, Mary đã quyết định bỏ việc. Bà trả cho người chủ 26.000 USD để chuộc thân. "Tôi tin đó chính là thời điểm để rời bỏ công việc. Tôi cảm thấy rất tệ và không thể bước vào hộp đêm được nữa. Tôi chẳng còn quan tâm đến việc thất nghiệp hay thiếu tiền", Mary thổ lộ. Sau quyết định đó, bà quay về Philippines.
Trở lại quê nhà, Mary tái hôn và có một gia đình hạnh phúc. Bà động viên những người phụ nữ như mình mạnh dạn lên tiếng. "Tôi muốn nói với họ rằng họ không bế tắc", Mary chia sẻ.
Bà vẫn còn giữ liên lạc với 6 cô gái đã rời bỏ thế giới ngầm đen tối đó. Hiện tại, họ làm nghề rửa chén, nhân viên vệ sinh hay quản lý trong nhà hàng.
"Chúng tôi có thể không còn sống trong nhung lụa nữa nhưng có được sự bình yên và niềm vui. Không còn áp bức", bà nói. "Nhân cách của chúng tôi được phục hồi: Thứ ấy có tiền cũng chẳng mua được".
Lâm Anh