Những điều chưa biết về điện thoại di động của các lãnh đạo thế giới
Tổng thống Donald Trump làm ngơ cảnh báo an ninh
Mới đây, NY Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho rằng Nga và Trung Quốc có thể đang tìm cách nghe lén các cuộc điện thoại của Tổng thống Donald Trump để thu thập thông tin. Gián điệp Trung Quốc được cho là thu thập những thông tin vô giá về Tổng thống Trump để tìm cách đối phó hiệu quả nhất với ông cũng như sử dụng các thông tin này để gây ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ.
Theo các quan chức giấu tên, các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện ra rằng Trung Quốc và Nga đã nghe lén các cuộc gọi qua điện thoại di động của Tổng thống Trump nhờ những nhân sự được cài cắm bên trong các chính phủ nước ngoài hoặc can thiệp vào đường dây liên lạc giữa các quan chức nước ngoài.
Ngoài ra, Nga được cho là không tốn nhiều công sức để nghe lén Tổng thống Trump như Trung Quốc vì mối quan hệ đang ngày càng tốt đẹp lên giữa Nga-Mỹ.
Tổng thống Trump dùng chiếc iPhone thự chiện cuộc gọi trên chuyên cơ riêng.
Người đứng đầu Nhà Trắng đang sử dụng tới 3 chiếc iPhone, trong đó có 2 máy được Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) bảo vệ nhằm hạn chế tối đa khả năng bị nghe lén hoặc tấn công thông qua các lỗ hổng của thiết bị. Chiếc iPhone thứ 3 là mẫu bình thường như mọi người dùng sử dụng và đây là thiết bị ông dùng để gọi cho người thân, quen biết cũ.Mặc dù đã được các cố vấn nhiều lần cảnh báo về lỗ hổng an ninh, Tổng thống vẫn sử dụng chiếc iPhone này.
Việc nghe lén điện thoại được thực hiện đơn giản đối với các cơ quan tình báo Mỹ cũng như ngoại quốc bởi kết nối phải được truyền qua lại giữa các trạm tiếp sóng và vệ tinh. Việc ghi âm các cuộc điện đàm của lãnh đạo quốc tế được xem là một hình thức gián điệp hiệu quả cao hiện nay.
Điện thoại thông minh trở thành... “cục gạch”
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sử dụng những chiếc iPhone đã được chỉnh sửa để không thể thực hiện cuộc gọi hay chụp ảnh mà chỉ có thể nhận tin nhắn, email từ một địa chỉ đặc biệt thiết lập từ trước. Thiết bị này thậm chí không có microphone.
Thủ tướng Anh Theresa May phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về ứng dụng trên điện thoại.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngừng sử dụng chiếc điện thoại Android kém bảo mật của mình, nhưng ông vẫn ít tuân thủ theo các tiêu chuẩn được đặt ra trước đó về thiết bị điện tử. Một điểm sáng hiếm hoi trong thói quen sử dụng máy của vị lãnh đạo này là không dùng tin nhắn văn bản hay email, giúp giảm phần nào nguy cơ từ các vụ tấn công do tin tặc và cơ quan tình báo nước ngoài thực hiện.
Thủ tướng Anh Theresa May được cho là đã đổi chiếc điện thoại di động Blackberry cũ của bà để lấy một chiếc iPhone. Khu vực Maidenhead (Anh), đơn vị bầu cử nơi bà May làm đại diện từ năm 1997, được hãng điện thoại Blackberry chọn làm nơi đặt trụ sở tại châu Âu từ năm 2016. Mặc dù chiếc iPhone mới của Thủ tướng May có thể mang tính giải trí cao, song chiếc điện thoại này vẫn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của chính phủ Anh về các ứng dụng trên điện thoại.
Tổng thống Nga không sử dụng điện thoại di động
Theo ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thổng Nga, Tổng thống Vladimir Putin không có điện thoại di động, thay vào đó nhà lãnh đạo Nga muốn các hình thức giao tiếp khác. Nếu ông Putin thực sự cần sử dụng điện thoại di động trong khi điện thoại bàn không có sẵn, một trong số các trợ lý của Tổng thống Putin sẽ đưa cho ông một chiếc điện thoại di động.
Tổng thống Putin được cho là không sử dụng điện thoại di động.
Năm 2010, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố không cần thiết phải sử dụng điện thoại di động vì nếu có một chiếc điện thoại như vậy, “nó sẽ kêu suốt cả ngày”. Tổng thống Putin cũng chia sẻ rằng ông gần như không lên Internet và bày tỏ quan ngại về các thông tin được chia sẻ trên mạng.
Trước đó, Tổng thống Putin, 65 tuổi, từng thừa nhận rằng ông không phải là người thành thạo công nghệ. Năm 2005, ông cũng tiết lộ việc không sử dụng điện thoại di động và bày tỏ quan ngại về các thông tin được chia sẻ trên mạng.
V.Đ