Những điều cần biết về máy lọc không khí
Sáng 26/9 vừa qua, ứng dụng quan trắc không khí Airvisual, hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới ghi nhận Hà Nội là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204, vượt qua cả Jakarta của Indonesia - quốc gia đang có cháy rừng xếp vị trí thứ 3. Đồng thời, hệ thống quan trắc trong nước cũng ghi nhận mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ở các tỉnh miền Bắc.
Ngoài ra, theo bảng xếp hạng AQI của Việt Nam, chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu - rất có hại cho sức khỏe, nhóm nhạy cảm, người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài.
Có thể thấy, những ngày gần đây, chất lượng không khí Hà Nội thường xuyên ở mức đáng báo động. Nhiều tuyến phố trong khu vực nội thành Hà Nội luôn trong tình trạng bụi bẩn, bụi mù mịt. (Ảnh: Duy Hiệu/Zing) |
Đây cũng chính là lý do thúc đẩy nhiều người lựa chọn máy lọc không khí để làm giải pháp đối phó với tình hình nêu trên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu người dùng chưa thực sự hiểu sử dụng đúng cách thì máy lọc không khí cũng không thể phát huy được hết tác dụng cũng như công năng của nó.
Dưới đây là một số những điều cần biết về máy lọc không khí mà người dùng nên nắm chắc trong quá trình tìm hiểu và sử dụng máy lọc không khí.
Máy lọc không khí là gì?
Máy lọc không khí là thiết bị có chức năng loại bỏ một số bụi bẩn cỡ siêu nhỏ và các tác nhân gây dị ứng trong không khí như vi khuẩn, nấm mốc, phấn hoa bằng cách hút, lọc và giữ lại các chất gây ô nhiễm nhờ lớp lọc bụi tiêu chuẩn HEPA hoặc khả năng loại bỏ những mùi khó chịu bằng các lớp than hoạt tính.
Nhờ tính năng làm sạch không khí và khử mùi hiệu quả, giúp cải thiện môi trường sống một cách tích cực nên máy lọc không khí đã và đang dần trở thành vật dụng quan trọng, quen thuộc trong mỗi gia đình.
Tác dụng của máy lọc không khí là gì?
Tuy có tên gọi là máy lọc không khí, thế nhưng vẫn có nhiều người cho rằng chức năng chính của thiết bị này là tạo ẩm. Do đó, không ít người tỏ ra ngần ngại, cũng như cho rằng việc bỏ tiền ra mua sản phẩm này là điều chưa thực sự cần thiết. Song, thực chất, máy lọc không khí có nhiều công dụng hơn thế.
Trong đó có thể kể đến những chức năng chính như: khử mùi độc hại, giảm tĩnh điện, tiết kiệm điện năng, lọc sạch không khí loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, virus, tác nhân gây dị ứng, nấm mốc… và tạo độ ẩm tự nhiên cho không khí.
Máy lọc không khí có rất nhiều tác dụng, trong đó có thể kể đến một số công năng như: khử mùi, lọc sạch không khí loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, virus, tác nhân gây dị ứng, nấm mốc… |
Với kết cấu sử dụng hệ thống màng lọc thấm nước thông qua quạt gió đưa hơi ẩm tự nhiên vào không khí, máy lọc không khí đã tạo nên điểm khác biệt rõ rệt giữa thiết bị với các sản phẩm máy tạo ẩm thông thường. Ngoài ra, cũng nhờ có các cảm biến nên máy lọc không khí khống chế tốt độ ẩm tốt với sức khỏe con người.
Đặc biệt hơn, máy lọc không khí cũng rất hữu ích với các căn phòng kín, phòng thường xuyên mở máy lạnh và kiểu thời tiết hanh khô.
Đồng thời, riêng về chức năng lọc khí và tiêu diệt vi khuẩn, cũng theo các chuyên gia về điện lạnh, tính năng lọc khí và diệt khuẩn ở điều hòa nhiệt độ khó có thể sánh bằng với một thiết bị chuyên dụng như máy lọc không khí. Lý do là bởi, đa số máy lạnh hiện nay chỉ có bộ lọc thô giống như tấm "Pre filter" trên máy lọc không khí. Diện tích làm sạch không khí của thiết bị cũng có hạn do đây chỉ là tính năng phụ được tích hợp thêm.
Cách dùng máy lọc không khí như thế nào?
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy lọc không khí với nhiều mức công suất khác nhau tương ứng với từng diện tích cần lọc khí, do đó trước khi mua, người dùng cần chú ý, ngoài việc lựa chọn những hãng sản xuất nổi tiếng và uy tín thì cũng cần chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và diện tích sử dụng trong gia đình của mình.
Về cách sử dụng:
Để sản phẩm phát huy một cách hiệu quả về mặt công năng sử dụng, máy lọc không khí cần được để trên một bề mặt phẳng, ổn định, chắc chắn, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh để gần các thiết bị làm mát hoặc gia nhiệt; giữ máy cách tường khoảng 90cm về cả hai phía, tránh khí xả ra hòa vào không khí làm bẩn tường.
Với máy lọc không khí, khi đặt trong một không gian kín sẽ phát huy được nhiều hiệu quả hơn không gian mở, có giao lưu thường xuyên với môi trường bên ngoài.
Bên cạnh đó, người sử dụng cũng cần lưu tâm tới các chế độ cài đặt đặc biệt để thuận tiện hơn khi dùng. Các loại máy lọc không khí tiên tiến thường được tích hợp chế độ dò tự động bằng các cảm biến và tự động lựa chọn chế độ vận hành phù hợp bên cạnh chức năng lọc khí mặc định (lọc phấn hoa; khử mùi; tạo ẩm giúp độ ẩm phòng luôn ở mức phù hợp cho sức khỏe và dưỡng ẫm da trong mùa khô, đặc biệt khi sử dụng điều hòa thường xuyên,…).
Ngoài ra, chức năng Eco cũng giúp máy tạm dừng khi không khí trong phòng đã được làm sạch giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả; chế độ hẹn giờ tắt rất tiện dụng, vận hành êm ái không ảnh hưởng đến giấc ngủ...
Các thông số kỹ thuật của máy lọc không khí cũng là một trong những điều mà người dùng cần tìm hiểu kỹ và nắm chắc trước khi mua. |
Về vấn đề vệ sinh máy:
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong thời gian sử dụng máy lọc không khí, người dùng nên làm vệ sinh máy định kỳ một tháng một lần hoặc có thể vệ sinh sớm hơn nếu khu vực lọc khí hay bộ lọc bị nhiễm bẩn nhiều.
Theo đó, các bộ phận cần làm vệ sinh bao gồm: bồn nước (nếu sử dụng chức năng tạo ẩm thường xuyên, nên vệ sinh bồn nước hằng ngày bằng nước sinh hoạt sạch), bộ lọc thô (dùng máy hút bụi); khay nước, nắp khay (rửa bằng nước sạch), thân máy (dùng vải mềm lau bề mặt thân máy); bộ phận cảm biến bụi (bằng chổi cọ).
Ngoài ra, với hệ thống màng lọc đã cũ cũng cần được thay thế theo thời gian quy định của nhà sản xuất, hoặc có thể sớm hơn.
Dù được khẳng định có tác dụng làm sạch không khí đúng như tên gọi của nó, tuy nhiên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Quyền, Viện Hóa học, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng nhấn mạnh, hoạt động của máy móc cũng có giới hạn và chỉ là phương tiện hỗ trợ cuộc sống. Do đó, ngoài việc sử dụng máy lọc không khí, mọi người cũng nên chú ý giữ gìn vệ sinh trong phòng; tạo điều kiện cho không khí trong nhà đối lưu tốt để tăng cường oxygen và đào thải bớt carbon dioxide.
Ngoài ra, việc trồng và chăm sóc các chậu cây xanh trong nhà giúp hỗ trợ làm sạch không khí như cây thường xuân, trầu bà,... cũng là một giải pháp hiệu quả.